20/11/2016 - 09:04

“Câu like” để đoạt giải

Hiện nay, có rất nhiều cuộc thi văn học- nghệ thuật được tổ chức, tạo điều kiện cho những người đam mê có điều kiện học hỏi, nâng cao trình độ. Tuy nhiên, với cách chấm điểm bằng cách "câu like", "câu share" trên các trang mạng xã hội, nhiều người hoài nghi về tính công bằng cũng như thực chất của các cuộc thi này.

"Like" (thích) và "share" (chia sẻ) là hai thao tác trên mạng xã hội, nhằm biểu thị sự quan tâm, yêu thích với những gì người khác đăng tải. Mới đây, anh C.- một nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Bạc Liêu đã than trên Facebook rằng: "Cái vụ nhờ "câu like" này rất phiền phức và làm khó cho mọi người nữa". Chuyện là nhiều cuộc thi nhiếp ảnh hiện nay chấm ảnh dựa trên lượt like, share trên trang fanpage của cuộc thi. Cuộc thi giá trị giải Nhất chỉ 1 triệu đồng nhưng buộc người thi phải share cho bạn bè, like trang và vận động người khác like. Trước đó, anh C. cũng đã gửi ảnh tham dự một cuộc thi tương tự và thua là vì lượng like không bằng người khác. Nhiều đồng nghiệp của anh C. cũng bình luận, thể hiện sự bất tín trước những trò câu like này. Cuối cùng, anh C. ngao ngán: "Lần này đuối rồi, theo không nổi. Cũng không dám làm phiền anh em nữa, từ nay em xin chừa vụ này".

 Việc chấm ảnh nghệ thuật phải do các nhiếp ảnh gia uy tín chấm chọn. Trong ảnh: Giám khảo chấm ảnh công khai và minh bạch tại cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống TP Cần Thơ 2016.

Hiện nay, có hàng chục cuộc thi từ văn học, nhiếp ảnh đến sáng tác logo, khẩu hiệu… do nhiều đơn vị tổ chức nhưng đánh giá bằng cách "đếm like". Lượng like và share đó chưa hẳn đánh giá hết ý kiến của công chúng, mà phụ thuộc vào tài khoản Facebook nào có nhiều bạn bè, người theo dõi thì sẽ có lợi thế. Điển hình như trong một cuộc thi viết về chủ đề gia đình do một tờ báo mạng tổ chức, chị M., giáo viên của một trường THPT tại Bạc Liêu tham gia với một bài viết xúc động. Thế nhưng càng vào trong, chị M. càng không đạt đủ số like theo yêu cầu. Chị M. tâm sự vì chị mới tham gia Facebook nên lượng bạn bè chưa nhiều nên dù chị đã cố gắng kêu gọi bạn bè like, share nhưng vẫn không thể… thắng.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện về những bất cập khi đánh giá chất lượng tác phẩm qua "hiệu ứng đám đông". Thật ra, việc tham khảo ý kiến số đông, điển hình là qua mạng xã hội Facebook, không phải vô ích khi tham khảo thị hiếu công chúng ở đa dạng thành phần, nghề nghiệp. Nhưng dùng đó là thước đo kết quả chung cuộc thì không công bằng và thiếu tính chuyên nghiệp. Cần thiết phải mời những người có uy tín nghề nghiệp đánh giá khách quan.

Mục đích của những cuộc thi này đã rõ ràng khi giải thưởng khá thấp nhưng buộc người thi phải giới thiệu cho người khác share trang và đếm lượt like sau khi share mới được xem là hợp lệ. Làm như thế, khác nào đang "quảng cáo không công" cho các thương hiệu, doanh nghiệp. Cá biệt, như ở cuộc thi ảnh "T.H.H.V." mới đây, người bình chọn phải bình luận 3 lần liên tục mới được chấp nhận.

Bài liên quan:

Những “nghi án” mua lượt bình chọn của nghệ sĩ

Không thể đánh giá tác phẩm nghệ thuật bằng cách "like"

Mặt khác, thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, không ai dám chắc những lượt like, share đó là thật hay ảo. Trên các trang mạng hiện nay, có nhiều chỉ dẫn cách tăng like, có trang hơn chục cách, có trang đến… 63 cách; và nhiều trang quảng cáo dịch vụ bán like. Chúng tôi thử tra cứu trên một trang mạng chuyên cung cấp dịch vụ tăng like và nhận được lời quảng cáo như sau: "Chúng tôi nhận tăng like, vote, bình chọn cho các cuộc thi ảnh, video bao thắng các cuộc thi ảnh của quý khách tại Facebook, fanpage, website…" Cũng theo lời mời gọi của quản trị viên trang này, khách hàng sẽ không cần tốn thời gian, công sức "xin like", họ sẽ "chạy like" với tốc độ cực nhanh 1 phút đạt 10.000 like, giúp khách hàng nhanh chóng đoạt giải. Có trang còn đưa ra bảng giá cụ thể: từ 5 ngàn đến 10 ngàn like giá 150 đồng/like; trên 11 ngàn like giá 130 đồng/like; trên 20 ngàn like giá 110 đồng/like và còn được tặng các "gói like" khuyến mãi khác.

* * *

Với kiểu "câu like- bao thắng" này, liệu các giải thưởng có còn uy tín và đánh giá có đúng tác phẩm tham dự? Người dự thi cần thận trọng khi tham gia các cuộc thi "hên xui" này, đừng để như một nghệ sĩ nhiếp ảnh phải thốt lên: "Từ nay xin chừa!".

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết