10/02/2019 - 15:51

“Cang lạp” ở đình làng 

Đình làng là nơi tín ngưỡng quan trọng của người Nam bộ, việc cúng đình là thiêng liêng với mỗi dân làng. Cúng lễ vật gì, hành lễ ra sao… được người Nam bộ truyền đời với những nét văn hóa riêng. Bao đời qua, có một vật tế không thể thiếu trong mỗi lệ cúng đình, ấy là con giáp cuối cùng trong 12 con giáp - Hợi. Ngày Xuân, cùng bàn đôi nét về “cang lạp” ở đình làng.

“Cang lạp” trong lễ Tế Thần Nông đình Thường Thạnh (Cái Răng). Ảnh: ĐẶNG DUY KHÔI

“Cang lạp” trong lễ Tế Thần Nông đình Thường Thạnh (Cái Răng). Ảnh: ĐẶNG DUY KHÔI

Nói về Hợi trong việc cúng tế đình làng, người Nam bộ không gọi tên tục là heo mà có nhiều tên gọi khác nhau: Heo dùng tế Thần Hoàng Bổn Cảnh gọi là cang lạp; heo con gọi là đột phì; heo dùng tế Tiền hiền - Hậu hiền gọi là heo cơm; heo quay được gọi là con gỏi; thịt heo dùng kính mời con cháu bậc Tiền hiền gọi là cẩm địa. Ngoài cang lạp, đột phì là từ cổ, thì lý giải về những cách gọi về heo cúng tế như sau:

- Heo cơm: Trong mỗi dịp lễ Kỳ yên, Hương chức đình làng thảy đều cúng Tiền hiền - Hậu hiền. Tiền hiền là người có công khai hoang mở cõi vùng đất nơi có đình làng. Hậu hiền là người có công lập nên cơ nghiệp: mở chợ, làm đường, sửa lộ… Câu “Tiền hiền khai khẩn - Hậu hiền khai cơ” là vì vậy. Heo dùng để cúng tế Tiền hiền, Hậu hiền được gọi là heo cơm. Do con heo này sau khi thực hiện nghi thức cúng tế thì sẽ được xẻ thịt đãi khách dự cúng đình, người phục vụ lễ hội, ban hát bội…

- Con gỏi: Bá gia bá tánh, dân làng tín cẩn muốn tạ ơn Thần Linh mà mang heo quay lại cúng, gọi là con gỏi. Con gỏi cúng Thần lúc nào trên sóng lưng cũng được cắm một con dao với ngụ ý mời Thần dùng dao xẻ thịt mà thưởng dùng lễ vật.

- Cẩm địa: Như đã nói, trong đình làng Nam bộ lúc nào cũng có 2 ban thờ: Tiền hiền và Hậu hiền. Con cháu của bậc Tiền hiền luôn được dân làng kính trọng, tôn quý. Trong mỗi kỳ cúng đình, họ luôn là thượng khách. Miếng thịt vai của con heo tế Thần luôn là miếng thịt ngon nhất, được nhuộm đỏ (cẩm địa) để kính biếu con cháu Tiền hiền. Do vậy, một số vùng còn gọi là “Tiền hiền cẩm địa” hoặc đơn giản ghi trên ban thờ 2 chữ “Cẩm địa” thay cho “Tiền hiền”.

Về yêu cầu của heo cúng tế, cổ lệ phải là heo đen tuyền, không được lốm đốm, loang lổ và kỵ heo trắng vì trắng là màu tang tóc. Tuy nhiên, theo tháng năm, quan niệm này đã thay đổi. Bây giờ, heo trắng tinh tuyền vẫn là lựa chọn số một của hương chức đình làng. Nói về những yêu cầu này, trong cổ thư “Hương đảng thường nghi trích yếu” của cụ Đinh Công Chánh - bậc Tôn Thần của đình Bình Thủy (Bình Thủy - Cần Thơ) ghi rõ rằng: “Đời Hạ thích màu đen nên liệm người chết vào giữa đêm, khi chiến tranh cỡi con ngựa ô, khi tế dùng con thú lông đen. Đời Ân thích màu trắng nên liệm người chết lúc đúng trưa, việc binh hay cỡi con ngựa bạch, tế dùng con thú sắc trắng. Đời Chu thích màu đỏ…”. Rõ ra, cụ Đinh Tôn Thần kết luận rất hay rằng, màu sắc con thú tế lễ là do quan niệm tùy thời, “ăn theo thuở, ở theo thời”. Tuy nhiên, cổ lệ đến nay, không chọn heo màu sắc lốm đốm, khó coi.

Lại thêm nữa, heo cúng tế phải còn tơ, mập mạp, khỏe mạnh, năng động. Hồi trước, hương chức đình kỹ đến độ chọn heo thuần chủng, không phải là giống lai, nhưng nay điều này coi chừng rất khó. Cũng cổ lệ trước đây, trước cúng đình 3-4 tháng, hương chức trong đình đã chuẩn bị 3-4 con heo. Tới ngày tế lễ, heo nào được chọn sẽ tùy thuộc vào thảy quẻ. Nhưng nay, việc chọn heo không đến nỗi phức tạp như vậy, thường thì gần tới cúng đình sẽ chọn mua heo mà thôi. Những việc này tựu trung câu ca của ông bà xưa:

“Trông mặt mà bắt hình dong

Con lợn có béo bộ lòng mới ngon”

Có thể thấy tầm quan trọng của heo cúng tế trong nghi thức cúng đình qua Lễ Tỉnh Sanh. Lễ này thường khi làm lúc nửa đêm. Vị hương chức sẽ dùng rượu tưới đều lên con heo và rót vào miệng heo hiến tế với ý nghĩa tẩy rửa sạch sẽ và chứng tỏ con heo còn khỏe mạnh. Trước khi con heo được làm thịt, vị Chủ tế sẽ cắt một nhúm lông nhỏ và một ít huyết để kính cẩn trình báo trước bàn thờ Thần rằng heo có sắc mao tinh tuyền, mạnh khỏe, xứng đáng làm vật hiến tế. Lễ tỉnh sanh cũng có chánh tế, bồi tế, chấp sự viên, học trò lễ, nhạc lễ… rất trang nghiêm, thành kính.

Trong quá trình sưu khảo, chúng tôi may mắn có được quyển sách in roneo mang tên “Đình Thần Long Tuyền” của cụ Nguyễn Tứ Di - một bậc trưởng thượng ở làng cổ Long Tuyền thuở trước, viết hồi năm 1973. Trong tài liệu quý này, cụ Nguyễn Tứ Di thuật lại chuyện mua heo và phân công Lục ấp (6 ấp trong làng Long Tuyền) cúng đình Bình Thủy rất hay. Theo đó, mỗi kỳ cúng đình thì Lục ấp thảy đều phải mua heo cúng.

Riêng về Lễ Tỉnh Sanh đã nói ở trên, theo cụ Nguyễn Tứ Di, ở đình Bình Thủy còn gọi là Lễ Trình Sanh, được thực hiện rất bài bản. Hương Đình mặc áo dài khăn đen, bưng khay trầu rượu với 4 người tể nhục (tức đồ tể) khiêng con heo đen ra sân đình, để trước Túc Nghi đình. Hương Đình để khay trầu rượu trong Túc Nghi đình, đốt ba cây nhang, rót rượu đứng ngay thẳng vái chư thánh chư thần: “Tôi xin trình con sanh (ý chỉ con heo tế) tuyền sắc đen, mập tốt, đặng làm thịt, sáng lại tế Thần Nông. Xin chư thần chứng giám”. Xong rồi, Hương Đình lấy son bôi trên đầu con heo làm dấu, ngụ ý không cho ai đổi con khác. Cụ Nguyễn Tứ Di còn lưu ý thêm rằng, Tế Thần Nông thì dùng heo sống, không được luộc hay quay. Heo sống là sanh khí, kỵ dùng tử khí.

Nói thêm về tục tế “thủ vĩ”, tức cúng đầu heo. Điều này có người lý giải rằng, đó là khi người cúng vái muốn trả lễ bằng cả con heo, nhưng nhà nghèo, “lực bất tòng tâm”, chuyện cúng heo sẽ gây thêm nợ nần, nên bà con “đơn giản hóa”, đem đầu heo thay cho cả con heo. Bà con tin Thần sẽ chứng tri, chẳng bắt bẻ lòng thành dân nghèo. Về nghi thức cũng thủ vĩ, người cúng chuẩn bị đầu heo, cái đuôi heo, 4 móng heo, bộ lòng heo mỗi thứ một chút… sẽ đại diện toàn bộ con heo. Các lễ vật này sẽ được luộc chín. Riêng đầu heo sẽ được phủ lên miếng mỡ chài - tấm màng mỡ mỏng phủ trong khoang bụng chung quanh dạ dày của con heo.

Từ tâm thức cúng Thần, việc cúng thủ vĩ lan rộng ra đời sống tâm linh của người Nam bộ từ rất lâu đời. Bà con Nam bộ hễ khấn vái Thần linh: Thần Tài, Thổ Địa, Bà Chúa Xứ… đều hứa sẽ cúng đầu heo nếu sự việc thành mỹ mãn.

*   *   *

Con giáp Hợi luôn gợi lên bao điều về sự sung mãn, phồn thực, vui vẻ, hạnh phúc, nhàn hạ. Hợi là con giáp hình mẫu cho sự sinh nở đầy đàn, đủ đầy, đông vui. Và, Hợi còn đóng góp một phần quan trọng trong văn hóa tín ngưỡng của người Nam bộ tự bao đời qua.

Năm Hợi đã về, cùng chúc nhau câu sung túc, an vui!

ĐẶNG DUY KHÔI

................

Tư liệu tham khảo:

- “Văn hóa dân gian cổ truyền Đình Nam bộ, tín ngưỡng và nghi lễ”, Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường - Hồ Tường, NXB TP Hồ Chí Minh, 1993.

- Tài liệu thực địa tại các đình làng ở Cần Thơ.

Chia sẻ bài viết