30/06/2009 - 09:46

“Bộ tứ 10A8”
Học sinh là vậy sao ?

Nhiều khán giả không đồng tình với poster phim “Bộ tứ 10A8” với nhân vật Đô Đô thể hiện “niềm đam mê mãnh liệt” với tiền.

Bộ phim dành cho tuổi teen được quảng bá khá rầm rộ gần đây là “Bộ tứ 10A8” (phát sóng vào lúc 22 giờ 10 phút từ thứ hai đến thứ sáu trên kênh VTV3, mỗi tập 8 – 10 phút). Hàng chục tập phim đã trình chiếu đặt ra câu hỏi cho người xem: những nhà làm phim muốn gởi đến khán giả teen điều gì?

Trước khi ra mắt, phim được giới thiệu là “khai thác thế giới học đường từ góc nhìn hài hước, trẻ trung và gần gũi với cảm nhận của các bạn trẻ hiện đại, chứ không nhìn giới trẻ qua lăng kính của những người đã trưởng thành như các bộ phim trước đây”. Thế nhưng, tất cả những gì mà khán giả màn ảnh nhỏ đang chứng kiến khác xa với những lời hứa hẹn.

Điểm đầu tiên dễ nhận thấy ngay từ những tập đầu tiên là sự giả tạo, thiếu thực tế và xa lạ với văn hóa Việt Nam trong xây dựng nhân vật; do hầu hết đều được vay mượn từ những hình tượng điển hình của phim truyền hình khắp... thế giới. Khán giả xem phim khẳng định không có mẫu nhân vật kiểu như trong “Bộ tứ 10A8” ở các trường học Việt Nam. Tiêu biểu như Phan Linh một cô bé xinh xắn, con nhà giàu, học giỏi, hát hay, hay mộng mơ, ngây thơ và hậu đậu đến mức khó tin - một hình tượng của phim thần tượng Đài Loan; hay học sinh gốc quê Mai Lâm được xây dựng theo mô-típ “cô nàng tomboy” đang thịnh hành của Hàn Quốc, với đầu tóc, trang phục và cách hành xử đầy... nam tính; Hồng Mỹ sành điệu, điêu ngoa, hiếu thắng, ích kỷ, hát hay và đi đâu cũng dẫn theo một “đám đệ tử” đúng chất các nhân vật phản diện trong phim teen của Mỹ. Ở tuyến nhân vật nam, thì chàng lớp trưởng Minh Hoàng đồng thời là “hotboy” ở trường cũng là một mẫu nhân vật nam chính trong hầu hết các phim thần tượng châu Á; Đô Đô hài hước, vui nhộn nhưng hám tiền, hay bắt nạt em gái và có hẳn một công ty riêng chuyên tổ chức biểu diễn mang tên Lidolama là một nhân vật nam điển hình trong nhiều bộ phim tuổi teen của châu Âu... Đó là nguyên nhân khiến phần nhiều khán giả nhận định: “Nhân vật giả tạo, diễn xuất gượng gạo”, “Bối cảnh và trang phục quá xa rời thực tế”, “Không thể hiện những nét đặc trưng của teen Việt”...

Đáng nói là sự vay mượn trên chỉ mới là bề ngoài, còn phần hồn - cái cốt lõi của phim - những nhân vật trong “Bộ tứ 10A8” đầy khiên cưỡng. Bối cảnh trong phim diễn ra ở những căn biệt thự to lớn, sang trọng; nhân vật thì tóc lúc nào cũng được vuốt gel láng mướt thời thượng; mặt được trang điểm kỹ càng, tinh tế; quần áo, giày dép, phụ kiện, trang sức... đều là hàng hiệu. Thế nhưng diễn xuất của dàn diễn viên chính thì lại cứng đơ, sượng sùng, thoại như trả bài.

Điểm gây phản cảm nhất là suốt nhiều tập phim, không hề thấy các nhân vật học hành, thi cử; mà chỉ là những tranh chấp liên quan đến chuyện ăn chơi và yêu đương. Từ “cuộc chiến” giữa Hồng Mỹ và Phan Linh trong cuộc thi hát với những thủ đoạn mà ngay cả giới ca sĩ thật sự cũng “bái phục”; đến chuyện các cô nữ sinh tranh nhau giành vị trí quan trọng nhất trong trái tim của “chàng trai nóng bỏng nhất trường” Minh Hoàng. Giới trẻ – những học sinh học được gì từ chàng lớp trưởng búng tay ra hiệu cho cả lớp đứng dậy chào thầy cô; hay Đô Đô bị tiền ám ảnh và kiếm tiền bằng mọi cách?

Nhiều ý kiến trên các diễn đàn dành cho giới trẻ đều phản ứng với “Bộ tứ 10A8”. Chính những người trẻ yêu cầu các nhà làm phim nên sớm chỉnh sửa - bởi đây là phim được thực hiện theo hình thức “sit-com” dài hàng trăm tập. Đừng để những quan niệm không đúng đắn về thế giới học đường của bộ phim thấm sâu vào tâm hồn giới trẻ.

Xuân Viên

Chia sẻ bài viết