16/03/2016 - 20:25

“Bà ngoại thời @” thay đổi thói xấu của cuộc sống hiện đại

"Bà ngoại thời @" của tác giả Susie Morgenstern lôi cuốn độc giả bởi sự hài hước và tình cảm gia đình ấm áp qua những câu chuyện về gia đình, tình yêu, tình bạn trong thời đại công nghệ.
Sách do Công ty Nhã Nam phối hợp với NXB Hà Nội phát hành năm 2015.

Không ti vi, không máy tính, không điện thoại di động, đó là giải pháp mà bố mẹ Sam giúp đứa con nghiện đủ các thể lại màn hình "cai nghiện". "Quyết liệt" nhất là bố mẹ Sam quyết định gửi con trai 16 tuổi từ Paris về sống với bà ngoại ở vùng ngoại ô tại Nice (Pháp). "Địa ngục là đây chứ còn đâu nữa!", những suy nghĩ như vậy vây hãm Sam. Còn bà ngoại Martha phải từ bỏ cuộc sống độc thân tự do tự tại yêu thích của mình, suốt ngày vất vả nấu nướng, chăm sóc và kèm cặp cháu ngoại đang tuổi ương bướng. Nhưng có ai học được chữ ngờ…

Bằng lối kể chuyện súc tích, hóm hỉnh, tác giả đã đề cập đến vấn đề của hầu hết các gia đình trong thời đại phát triển của công nghệ. Giữa nhịp sống bộn bề, các bậc cha mẹ không có nhiều thời gian quan tâm, chơi đùa cùng con cái. Làm bạn với lũ trẻ là các thiết bị công nghệ, các trò chơi điện tử, mạng xã hội… và dần lười vận động, ít giao tiếp xã hội, nhốt mình vào thế giới ảo. Sam là một ví dụ điển hình. Trong khi đó, không ít những người già lại sống cô đơn, buồn tẻ trong thế giới riêng của mình, không màng đến thế sự và chỉ luôn hồi tưởng về những ngày tươi đẹp của quá khứ. Bà ngoại Martha của Sam là một trường hợp như thế. Sam và bà ngoại - hai thái cực này sẽ sống cùng nhau như thế nào?

Dĩ nhiên, những mâu thuẫn, va chạm, những điều không hài lòng về nhau đã nảy sinh trong những ngày đầu hai bà cháu chung sống. Thế nhưng, tình yêu thương đã gắn kết hai bà cháu với nhau, đem đến những đổi thay. Người bà từ bỏ những thói quen cố hữu của mình đề sắp xếp cuộc sống mới, chăm chút những bữa ăn ngon dành cho cháu, mua cho cháu cây đàn piano mới. Bà còn kiên nhẫn dạy Sam học, truyền cho Sam niềm say mê đọc sách, chăm chú lắng nghe những tâm sự của cậu và đưa ra những lời khuyên bổ ích. Dịu dàng, yêu thương nhưng bà vẫn không quên dùng "thiết quân luật" để uốn nắn những thói hư tật xấu của đứa cháu yêu quí… Về phần mình, Sam hạnh phúc trước sự quan tâm, chăm sóc của bà, coi bà như một người bạn lớn đáng kính. Cậu cũng dần quen và thích nghi với cuộc sống mới, có những người bạn mới.

Bất ngờ nhất của câu chuyện chính là từ khi được Sam hướng dẫn sử dụng máy vi tính, internet ở siêu thị, bà ngoại đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi những tiện ích mà công nghệ này mang lại. Thế là, bà quyết định mua một chiếc máy tính xách tay về và lén lút sử dụng trong phòng, không cho Sam biết. Có email, facebook, bà tìm lại bạn bè cũ, kết bạn với nhiều người và thậm chí tìm cả… ý trung nhân sau hơn 20 năm góa bụa. Tác giả khéo léo dẫn người đọc đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác và bật cười sảng khoái trước những tình huống oái ăm, hài hước.

Không dừng lại ở mối quan hệ của bà cháu Sam, câu chuyện còn mở rộng đến gia đình của Mona – bạn gái Sam, đến mối tình đầu của bà ngoại, đến những ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ… Để cuối cùng, tất cả mâu thuẫn, hiểu lầm đều được giải quyết bằng lòng bao dung và tình yêu thương.

"Bà ngoại thời @" không chỉ gửi gắm thông điệp về tình yêu thương mà câu chuyện còn khuyến khích mọi người khám phá, tìm hiểu những điều mới lạ, như Sam và bà ngoại Martha, để từ đó tìm được niềm vui, tìm lại chính mình trong môi trường mới.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết