19/10/2021 - 08:26

Ðau lòng nạn hiến trứng ở Nigeria 

Hiến trứng hiện đang là ngành kinh doanh bùng nổ ở Nigeria. Phụ nữ tại quốc gia này đua nhau hiến trứng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng ít ai biết rằng họ phải đối mặt với nhiều điều kiện bất lợi, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những cô gái trẻ Nigeria chờ tới lượt hiến trứng tại phòng khám. Ảnh: Punchng

Sự lựa chọn bất đắc dĩ

Tỷ lệ thất nghiệp ở Nigeria là 33,3% vào năm 2020 cùng với tỷ lệ lạm phát cao đã ảnh hưởng đến thu nhập của nhiều người. Trong bối cảnh đó, nhiều phụ nữ trẻ bất đắc dĩ túng tiền phải làm một điều mà thông thường họ không nghĩ đến, đó là hiến trứng.

Ðơn cử như trường hợp của Esther, thợ làm bánh 26 tuổi ở thành phố Lagos. Kể từ tháng 2 năm ngoái, Esther đã hiến trứng tận 6 lần mặc dù các tổ chức như Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ khuyến cáo rằng phụ nữ nên chỉ hiến trứng 6 lần trong đời. Thế nhưng, với mức lương tối thiểu ở Nigeria chỉ là 30.000 naira (73USD)/tháng, nhiều người sẵn sàng chấp nhận những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe. Esther tiết lộ, cô lần đầu hiến trứng được trả 100.000 naira (243USD), những lần hiến trứng sau đó cô được trả 120.000 naira (292USD). Các phòng khám thường trả cho người hiến trứng từ 80.000-150.000 naira (195-365USD)/chu kỳ hiến trứng.

“Tôi có 4 anh chị em. Cha tôi qua đời vào năm 2017 trong khi mẹ tôi thì đã già. Do đó, tôi phải thay mẹ lo miếng ăn cho mấy anh chị em. Việc hiến trứng giúp tôi có thêm thu nhập. Tôi nghĩ rằng nó tốt hơn mại dâm hoặc trộm cắp” - Esther tâm sự.

Ngoài ra, người hiến trứng còn nhận một khoản hoa hồng khi giới thiệu những người khác hiến trứng. “Nếu tôi đưa ai đó đến phòng khám và họ hiến trứng thành công, tôi sẽ nhận hoa hồng 20.000 naira (48USD)/người. Ðến nay, tôi đã giới thiệu được 3 người như vậy, nên tôi nhận được được 60.000 naira (144USD)” - Esther cho biết thêm.

Tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe

Abdulgafar Abiodun Jimoh, giáo sư và chuyên gia tư vấn về sản phụ khoa tại Ðại học Ilorin, cho biết tác động tức thời phổ biến nhất của hiến trứng là cảm giác đau đớn. Không những vậy, họ có nguy cơ mắc hội chứng quá kích buồng trứng ở mức nhẹ, trung bình hoặc nặng.

Bệnh lý trên thường xảy ra ở phụ nữ sau khi tiêm hormone kích thích sự phát triển của trứng. Tuy nhiên, hàm lượng hormone quá nhiều khiến buồng trứng trở nên sưng và gây đau. Một số ít bệnh nhân có thể gặp phải tình huống nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như tăng cân nhanh, đau bụng, nôn mửa, khó thở, rối loạn chức năng gan và thận, thậm chí là tử vong. “Ngoài ra, theo lý thuyết thì người hiến trứng có khả năng nhỏ bị nhiễm trùng trong quá trình làm thủ thuật, đặc biệt là khi đưa kim trực tiếp vào phúc mạc, nơi chứa buồng trứng” - ông Jimoh cảnh báo.

Tại Nigeria, việc tham vấn chuyên gia sinh sản có thể tiêu tốn từ 50.000 naira (121USD) đến 110.000 naira (268USD). Trong khi đó, một lần điều trị IVF với trứng được hiến tặng có giá 252.000 naira (614USD), hay thụ tinh trong tử cung có giá 320.000 naira (780USD).

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn. Chị Adefunke, 37 tuổi, đã 2 lần sử dụng IVF nhưng không thành công. Sau 14 năm hôn nhân không có con, chồng chị đã lấy vợ hai. Adefunke cho biết chị đã chi 2,2 triệu naira (5.362USD) cho lần IVF đầu và 2,6 triệu naira (6.337USD) cho lần hai.

Quy định và chính sách đang được thực thi không đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp hiến trứng đang phát triển. Hiện tại, Đạo luật Y tế Quốc gia Nigeria được ban hành hồi năm 2014 là khung pháp lý duy nhất quản lý việc hiến tặng trứng ở nước này. Điều 53 của Đạo luật hình sự hóa việc trao đổi mô người và các sản phẩm từ máu để lấy tiền, thậm chí cho phép phạt tiền hoặc phạt tù lên đến một năm đối với những người bị kết án. Tuy nhiên, đạo luật còn tồn tại nhiều lỗ hổng. “Đạo luật Y tế Quốc gia cấm buôn bán mô người nhưng nó không dứt khoát cấm việc hiến trứng. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là làm sao để xác định được những người hiến trứng là họ đang tặng hay bán trứng” - Amarachi Nickabugu, một luật sư người Nigeria, lo ngại.

TRÍ VĂN (Theo Aljazeera)

Chia sẻ bài viết