Tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (CTUT) tăng chỉ tiêu, đa dạng ngành nghề, hình thức đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của TP Cần Thơ và ĐBSCL. Tiến sĩ Trương Minh Nhật Quang, Phó Hiệu trưởng CTUT, cho biết:
- Sau hơn 11 năm thành lập, CTUT được BGD&ĐT giao đào tạo 22 ngành trình độ đại học, với quy mô trên 6.000 sinh viên. Năm 2024, trường mở thêm 3 chuyên ngành mới trình độ đại học chính quy, gắn với chuyển đổi số gồm: Hệ thống thông minh, Công nghệ kỹ thuật (CNKT) vi mạch bán dẫn, CNKT Robot và trí tuệ nhân tạo.
Trường đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và 6 ngành đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT); mở rộng hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu các nhân lực của TP Cần Thơ và ĐBSCL.
Hiện nay, các ngành đào tạo thuộc 10 lĩnh vực của trường thuộc tốp 10 nhóm nghề nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội được Cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong các nước thành viên.
► Xin thầy cho biết thêm nền tảng để trường mở các chuyên ngành mới?
- Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để đưa Cần Thơ xứng tầm trung tâm vùng ÐBSCL ở các lĩnh vực; trong đó có lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... Với vai trò là trường đại học công lập duy nhất trực thuộc UBND TP Cần Thơ, CTUT có trách nhiệm trong việc góp phần cùng thành phố phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Chẳng hạn, trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ở lĩnh vực khoa học - công nghệ, cụ thể như mở mới 3 chuyên ngành năm nay; cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu; đưa TP Cần Thơ trở thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và là Trung tâm Logistics hạng 2 của vùng theo cơ chế đặc thù cho TP Cần Thơ mà Quốc hội thông qua.
Được sự quan tâm đầu tư của thành phố, CTUT có đủ nguồn lực về đội ngũ cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất và trang thiết bị thực hành phục vụ dạy và học; có nền tảng vững chắc trong đào tạo các ngành liên quan lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ… Đào tạo các chuyên ngành mới, trường có nhiều thuận lợi.
► Xin thầy cho biết cụ thể hơn về chương trình đào tạo ba chuyên ngành mới của trường?
- Nhà trường thiết kế CTĐT 3 chuyên ngành mới theo hướng tiếp cận các trường danh tiếng trong và ngoài nước, lấy ý kiến các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và khảo sát nhu cầu sử dụng nguồn lao động của các công ty, doanh nghiệp. Mỗi CTĐT có tổng số từ 150 tín chỉ, thời gian đào tạo 4 đến 4,5 năm.
Về cơ hội và vị trí việc làm, sinh viên sau tốt nghiệp có đủ năng lực, đảm nhiệm vị trí việc làm phù hợp. Cụ thể, chuyên ngành Hệ thống thông minh, người học có thể nghiên cứu, thiết kế và xây dựng các hệ thống thông tin ứng dụng công nghệ tri thức, cung cấp thông tin và giao dịch điện tử tại các tập đoàn, công ty phần mềm chuyên nghiệp, tư vấn thiết kế phần mềm, giải pháp công nghệ thông tin cho các đơn vị, cơ quan nhà nước, các công ty, doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống thông minh dựa trên Trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) cho các doanh nghiệp phần mềm, tổ chức có nhu cầu chuyển đổi số; phát triển giải pháp, triển khai và vận hành các hệ thống dựa trên AI.
Cán bộ, giảng viên CTUT trao đổi chuyên môn, thực hành trên các thiết bị dạy và học. Ảnh: B.NG
Với CNKT vi mạch bán dẫn, người học có thể nghiên cứu, thiết kế, vận hành sử dụng các sản phẩm và hệ thống tích hợp cơ khí, điện tử và điều khiển như Robot, xe tự hành, máy công cụ điều khiển số (CNC), hệ thống sản xuất linh hoạt tại cơ quan nhà nước, công ty tư vấn, thiết kế, xây lắp, giám sát liên quan đến hệ thống cơ điện tử, cơ khí tự động, công nghệ tự động, công nghệ robot; thiết kế điện tử, kiểm tra chất lượng sản phẩm, giám sát quy trình đóng gói trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tham gia lĩnh vực đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn.
Chuyên ngành CNKT Robot và trí tuệ nhân tạo giúp người học nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và vận hành các thiết bị, hệ thống đo lường, điều khiển và tự động hóa trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp, quốc phòng - an ninh, xây dựng, giao thông - vận tải, y tế và dân dụng tại các cơ quan nhà nước, nhà máy điện, công ty tư vấn, thiết kế, xây lắp, giám sát liên quan đến công nghệ điều khiển và tự động hóa, nhà máy sản xuất có dây chuyền tự động; phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo; tư vấn, lập trình vận hành robot hoặc các hệ thống thông minh sử dụng robot; phát triển, vận hành, bảo trì hệ thống tự động hóa; nghiên cứu và giảng dạy các lĩnh vực liên quan đến robot và trí tuệ nhân tạo.
► Công tác tuyển sinh năm 2024 của CTUT đến nay ra sao và thầy có lưu ý gì với thí sinh, thưa thầy?
- Năm 2024, Trường tiếp tục tuyển các thí sinh tốt nghiệp THPT ở TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL và cả nước. Trường dự kiến tuyển 1.700 chỉ tiêu cho 25 ngành/chuyên ngành đào tạo trình độ ĐH chính quy (tăng 80 chỉ tiêu so với tuyển sinh năm trước). Để tạo điều kiện cho thí sinh yên tâm học tập và tập trung cho việc ôn luyện, nhà trường vẫn giữ ổn định như năm 2023 với 2 phương thức xét tuyển: Sử dụng kết quả học bạ THPT và sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thí sinh lưu ý, cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ và nắm thông tin về những Quy định, Quy chế, Kế hoạch tuyển sinh năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, năm nay nhà trường tổ chức tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm (tuyển 25 chỉ tiêu); mở rộng hình thức đào tạo trình độ đại học vừa làm vừa học (tuyển 300 chỉ tiêu), nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cũng như cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển của TP Cần Thơ và ĐBSCL.
► Xin cảm ơn thầy!