24/05/2023 - 08:59

Ðặc sắc điệu múa Bharatanatyam 

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Cuối tuần qua, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố có dịp thưởng thức chương trình nghệ thuật của nhóm múa cổ điển Bharatanatyam đến từ Ấn Độ. Những điệu múa uyển chuyển, mang đậm chất sử thi cứ cuốn hút người xem.

Nữ vũ công Rajashree Das cùng các thành viên Đoàn Múa Bharatanatyam biểu diễn tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Đoàn Múa Bharatanatyam của Ấn Độ tham gia biểu diễu trong chương trình gồm 6 nghệ sĩ, trong đó vũ công chính cũng là trưởng đoàn là nữ nghệ sĩ Rajashree Das; còn lại là các nghệ sĩ hát và nhạc công, sử dụng các nhạc cụ như trống, bộ gõ, sáo, vĩ cầm. Trên nền nhạc, giai điệu, lời ca đậm truyền thống Ấn Độ, nữ vũ công Rajashree Das cuốn hút người xem bởi những điệu múa tuyệt đẹp.

Ngài Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Cộng hòa Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: Bharatanatyam là điệu múa đến từ bang Tamil Nadu ở miền Nam Ấn Độ. Với xuất phát điểm là điệu múa thể hiện sự kính đạo và những lời răn của đạo Hindu trong các đền thờ Ấn giáo dành cho phụ nữ, Bharatanatyam được biểu diễn rộng rãi vượt phạm vi các đền thờ từ thế kỷ XX. Khán giả trên toàn thế giới thường say mê theo những động tác vũ đạo đặc trưng của đôi chân cong nhịp nhàng, những cử chỉ tay điêu luyện của người vũ công với nỗ lực truyền tải một câu chuyện cho người xem.

Trong chương trình, nữ vũ công Rajashree Das cùng ban nhạc đã trình bày 6 tiết mục, ngợi ca những vị thần trong đạo Hindu. Mỗi vị thần có đặc điểm, tính cách khác nhau và được thể hiện khéo léo qua điệu múa.

Bài múa “Pushpanjali” có nội dung cầu nguyện để ca ngợi Thần Ganesha, người loại bỏ mọi chướng ngại vật, ban khởi đầu công việc tốt lành.

Bài múa “Varnam” ca ngợi nữ thần Durga (hay Devi) với nhiều sắc thái, dù hung tợn nhưng sống cho đi, quan tâm người khác. Nữ thần Devi nuôi dưỡng vũ trụ, tiêu diệt cái ác.

Với bài “Abhinaya on Lord Buddha”, nữ vũ công đã nêu bật cuộc đời và những lời dạy của Đức Phật cũng như những giá trị mà ngài yêu cầu tất cả chúng sinh thấm nhuần và tuân theo.

“Purandaradasa Kriti” - tiết mục kể về Jagadodharana là một tác phẩm Kriti (tạm dịch là một thể loại múa/nhạc) rất nổi tiếng của nhà thơ Purandara Dasa, tả về thần Krishna. Kriti làm nổi bật tình cảm vô điều kiện giữa Yashodha và cậu bé Krishna.

Chaliye Kunjanamo là một trong những keertanams (tạm dịch là một thể loại ca hát) nổi tiếng của nhà soạn nhạc vĩ đại Maharaja Swathi Thirunal. Tác phẩm này viết về thần Radha đang cố gắng chinh phục thần Krishna. Tác phẩm như là một cuộc đối thoại ngọt ngào về hạnh phúc và tình yêu của nhân vật nữ chính và Krishna năng động. Tiết mục này có tên gọi “Keertanam”.

Cuối cùng, “Thillana” đánh dấu sự kết thúc của một buổi độc tấu múa Bharatanatyam, với đặc trưng là động tác chân nhịp nhàng, uyển chuyển, nhịp độ nhanh kết hợp với các tư thế giống như tác phẩm điêu khắc, mang lại sức mạnh và sự duyên dáng của loại hình nghệ thuật này.

Chương trình biểu diễn của nhóm múa Bharatanatyam để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp bởi tài hoa và trình độ nghệ thuật của họ. Trong đó, nữ nghệ sĩ Rajashree Das với 6 màn độc tấu múa đẳng cấp khiến khán giả nể phục. Được biết, cô là một trong những đệ tử cao cấp nhất của Tiến sĩ - bậc thầy G. Ratheesh Babu và là một nghệ sĩ múa Bharatanatyam được công nhận bởi Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR), Chính phủ Ấn Độ. Cô đã gắn bó với loại hình nghệ thuật này với tư cách là người học, nghệ sĩ biểu diễn và giáo viên trong suốt 30 năm qua. Hiện Rajashree Das đang theo học tiến sĩ trong lĩnh vực này.

Chia sẻ bài viết