03/09/2014 - 20:45

“ABCD” học cách yêu thương nhau

 

Tiểu thuyết mới của nhà văn Y Ban có nhan đề rất bí ẩn: "ABCD"; bố cục, nội dung tác phẩm cũng lạ không kém gì cái tên. Với cách thể hiện không theo lối viết thông thường, "ABCD" mang nhiều thông điệp về tình yêu thương giữa con người với con người, để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm.
Sách do NXB Trẻ xuất bản năm 2014.

"ABCD" là tiểu thuyết khiến người đọc ngạc nhiên. Đầu tiên là bố cục: thay vì chương 1, chương 2… thì tác giả lại đặt tên từng chương theo chữ cái A, B, C… Nhưng các chữ cái cũng không theo thứ thự mà đôi khi nhảy cóc, có khi đang A, B thì bỗng tới chữ D, hoặc F. Kế tiếp là nội dung, đang kể câu chuyện nhà này, qua chương sau lại là chuyện của gia đình khác; câu chuyện đang ở hiện tại, qua đoạn sau lại là quá khứ mà lại không có sự chuyển đoạn hay nối tiếp gì. Cách trình bày tuy rối rắm lại khiến người đọc tò mò muốn theo dõi tiếp để xem các câu chuyện diễn biến ra sao.

Tác phẩm gồm 5 câu chuyện về 5 gia đình được trình bày đan xen nhau. Mỗi chuyện đều nói về tình yêu giữa vợ - chồng, tình thương giữa cha mẹ và con cái. Trong đó, ấn tượng nhất là câu chuyện về 3 gia đình: nhà Linh Lang, nhà Dỉn và nhà Phũ.

Chuyện nhà Linh Lang và nhà Dỉn pha nhiều yếu tố tâm linh, huyền bí khi con trai nhà Dỉn lại chính là kiếp sau của con trai nhà Linh Lang. Cậu bé thiếu tình thương của cha mẹ ở kiếp trước nên tuy đã đầu thai làm người khác vẫn nhớ rõ chuyện ngày xưa. Dù có được tình yêu thương đầy đủ của cha mẹ hiện tại nhưng cậu bé vẫn không thể nào nguôi ngoai nỗi đau và sự tổn thương trong quá khứ. Vì thế, cậu tìm mọi cách để trở về sống trong ngôi nhà mà kiếp trước cậu đã sống để thực hiện những ước mơ còn dang dở… Câu chuyện về gia đình Linh Lang - cha mẹ của cậu bé ở kiếp trước - cũng không được tác giả kể rõ ràng, mà chỉ là những mảnh ghép rời rạc, nhưng khi ghép chúng lại với nhau, có thể thấy rõ thông điệp của tác giả: một gia đình lẽ ra rất hạnh phúc nhưng sự đố kỵ, ích kỷ và cực đoan của mỗi thành viên đã khiến cả gia đình tan nát và để lại những tổn thương sâu sắc trong tâm hồn của mỗi người. Nỗi đau đó lại đeo đẳng đến tận kiếp sau của con trẻ.

Trái ngược với chuyện nhà Linh Lang, chuyện nhà Phũ rất thực tế, rõ ràng. Câu chuyện khiến người đọc vui, buồn và khóc cùng nhân vật chính. Một cô bé vừa chào đời đã bị bỏ rơi ở chùa, được một gia đình giàu có nhận làm con nuôi. Lớn lên, cô bị làm nhục, có thai, phải lấy anh què bán nước ở bến sông để che mắt thiên hạ. May thay, chồng cô tuy tật nguyền thể xác nhưng lại là người có tâm hồn cao thượng, hết lòng yêu thương vợ con. Vợ tên Phũ, chồng tên Phàng nhưng cuộc sống của họ lại hạnh phúc viên mãn với một con gái và một con trai. Bi kịch chỉ đến khi người chồng khuất núi, vợ chồng đứa con trai của họ nhẫn tâm làm hại mẹ để độc chiếm gia tài…

Cũng như những tác phẩm trước, ở tiểu thuyết này, Y Ban không né tránh khi nói về nỗi đau của con người, về những điều chướng tai gai mắt trong xã hội. Tác giả lột tả nỗi đau một cách trần trụi, khốc liệt khiến người đọc ngỡ ngàng. Tuy nhiên, trong sự dữ dội có sự dịu êm và trong đau khổ lại có hạnh phúc. "ABCD" là tác phẩm có sự dung hòa giữa các yếu tố trái ngược nhau và đặc biệt, thể hiện rất rõ luật nhân quả, báo ứng.

Gấp sách lại, độc giả tự hỏi lòng: phải chăng giữa xã hội xô bồ hiện tại, con người cần phải học cách yêu thương nhau từ những điều nhỏ nhất, giống như muốn học chữ phải bắt đầu từ những chữ cái đầu tiên là "ABCD".

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết