09/07/2009 - 09:27

“Nhạc teen” trở thành “nhạc nhảm”?

Hai ca sĩ Minh Hằng – Tim trình diễn bài “Người điên yêu” kiểu Hàn Quốc với cách thể hiện phản cảm so với đối tượng tuổi học trò.
Ảnh: yeuamnhac.net

“Nhạc teen” là tên gọi loại nhạc dành cho tuổi mới lớn có ca từ trong sáng, giai điệu nhẹ nhàng tinh nghịch - được đánh giá là góp phần đưa thị hiếu giới trẻ ra khỏi loại nhạc có ca từ dung tục, giai điệu tự nhiên chủ nghĩa. Thế nhưng, gần đây “nhạc teen” đang xa dần sự tốt đẹp ban đầu…

Các ca khúc dễ thương như “Ngôi nhà hoa hồng”, “Công chúa bong bóng”, “Tiệm bánh dâu tây”, “Nấm lùn di dộng”, “Dằm trong tim” với các ca sĩ tuổi học trò như Bảo Thy, Tuấn Anh, Khổng Tú Quỳnh... có một thời gian được tuổi mới lớn yêu thích.

Gần đây, nhiều nhạc sĩ – ca sĩ đã “tích cực” khai thác “nhạc teen” và chẳng biết có phải vì thiếu sự sáng tạo hay cần làm cho nhanh, cho nhiều, mà những bài hát đã rơi vào tình trạng “giật gân câu khách”. Ngay từ cái tựa bài hát, người nghe đã thấy sốc với: “Nước hoa có độc”, “Anh chàng răng sún”, “Vấp cục đá”, “Chiếc xe hơi thất tình”, “Người điên yêu”, “Chàng ngố cầu hôn”... Về mặt nội dung và âm nhạc, những ca khúc này quanh đi quẩn lại cũng chỉ là chuyện tình, tiền, thù, hận với ca từ thô thiển trên nền nhạc pha tạp giữa pop, rock, dance và hip-hop. Thử nghe đoạn rap trong bài “Người điên yêu” do Minh Hằng và Tim trình bày: “Anh không yêu em sao em cứ ngóng chờ. Anh không yêu em sao em cứ hiểu lầm. Tình yêu không thể miễn cưỡng. Tình yêu không thể níu kéo. Một người níu kéo cũng không thể quay lại. Em làm như vậy càng làm anh sợ em. Em làm như vậy càng làm anh ghét em. Càng làm anh chạy trốn, càng làm anh khốn đốn. Thật lòng anh xin lỗi vì anh không có yêu em” (!). Thật là ngây ngô, vô nghĩa và không thể đếm hết những bài hát có ca từ như vậy trong dòng “nhạc teen”. Một hiện tượng đáng báo động là sự pha tạp về ngôn ngữ một cách vô tội vạ. Có không ít bài hát chêm từ tiếng Anh, Nhật, Hàn, Trung giữa các ca khúc nhưng lại không có ý nghĩa đặc biệt gì. Phổ biến nhất là tiếng Anh. Ví dụ như bài “Chiếc xe hơi thất tình” do ca sĩ Quách Tuấn Du thể hiện: “Ôi ngày tháng em với tôi, tiếng nói yêu trên khóe môi. Tháng ngày, bây giờ lại nói tiếng bye bye. Chiếc xe của tôi, nó ngộp xăng. Tự nhiên đang chạy trên con phố. Xóc trên con đường, biết tôi đau đầu. Nó không vui khi tình chia đôi, over” (!).

Đi đôi với những bài hát không giống ai được gọi “nhạc teen” là hàng loạt ca sĩ “lai căng” từ nghệ danh, trang phục và phong cách trình diễn bắt chước các ngôi sao thần tượng Đài Loan, Hàn Quốc, Âu Mỹ. Nào là Akira Phan với hình tượng giống hệt các ca sĩ – diễn viên người Nhật. Hay Tim của công ty đào tạo ngôi sao Thiên Thi thường xuyên xuất hiện trước công chúng với trang phục, mũ nón, trang sức và phong cách trình diễn bắt chước ca sĩ nổi tiếng Hàn Quốc Bi Rian. Gần đây sự ra đời của một loạt ca sĩ được lăng xê là “ngôi sao mới” – nhưng thực ra là những nghệ sĩ đã vào nghề khá lâu nhưng chưa thể nổi tiếng như Maya, Kiwi Ngô Mai Trang, Micky Từ Minh Hy, Mr Dee... Việc tạo nghệ danh lai ngoại và vay mượn phong cách trình diễn trong làng “nhạc teen” không thể kể xiết: Mohamed Khan, Hamlet Trương, Kan & Ron, L’knight, Be Be Thúy, Bambi Trịnh, Young Uno, Nadan Hoàng Gia, Ethan Thanh, Reno Bình, Hà Okio, Chan Than San, Noo Phước Thịnh, Sam, Kelly, Midu, Baby J, Lê Vân Lee, Anh Tuấn Mario, v.v...

“Nhạc teen” bị tha hóa nằm trong căn bệnh khá trầm kha của nhạc Việt và nhiều ngành công nghiệp giải trí nước ta hiện nay: hễ thấy hiện tượng nào “ăn khách” là đua nhau khai thác triệt để, bất kể những yêu cầu cơ bản của nghệ thuật là hướng công chúng, đặc biệt là giới trẻ, đến chân – thiện – mỹ. “Nhạc teen” – một dòng nhạc phát sinh từ nhu cầu của tuổi mới lớn với những nét tốt đẹp ban đầu đã và đang bị biến dạng lệch lạc khiến người yêu nhạc và nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Ai sẽ chịu trách nhiệm điều chỉnh – vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ khiến người yêu nhạc và những nhạc sĩ, ca sĩ chân chính ray rứt?!

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết