07/07/2017 - 20:50

“Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn”: Chiêm nghiệm, tỉnh thức

Trong cuộc sống bộn bề, đôi khi chỉ cần ta dừng lại để lắng nghe thanh âm của đất trời, để ngắm màu xanh của lá, màu thắm của hoa, để nghe tiếng thở của mình… Chỉ thế thôi, cuộc sống sẽ rất khác. Tập tạp bút "Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn" (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Lê Minh Quốc là những sẻ chia, tâm sự từ những khoảnh khắc lắng lòng đấy.

Nhắc tới Lê Minh Quốc, ngoài thơ, độc giả thường nhớ tới những tác phẩm hóm hỉnh, sắc sảo của anh về gia đình, xã hội: "Tôi và gái đẹp", "Khi tổ ấm nhảy lambada", "Đời, thế mà vui", "Tình éo le mà lý oái ăm"... Thế nhưng, lật từng trang cuốn "Có một mầm hoa đã nhú dưới tro tàn", người đọc nhận ra một Lê Minh Quốc rất khác: trầm tĩnh, sâu lắng và đầy chiêm nghiệm.

Hơn 50 bài viết trong tập sách như những lời tâm tình của tác giả về cuộc sống, về nhận thức hay đơn giản chỉ là những cảm xúc, suy nghĩ bất chợt. Với lối viết tự nhiên, đề tài gần gũi, dẫn chứng, lập luận thuyết phục, tác giả dẫn dắt độc giả cùng anh nhẩn nha đi từ Đông sang Tây, từ gần đến xa, từ xưa đến nay… để bàn chuyện thế sự. Cũng có khi, anh không dài dòng văn tự mà thẳng thắn bày tỏ quan điểm, cảm xúc của mình. Dù theo lối nào, những bài viết ấy vẫn lôi cuốn, không chỉ ở kiến thức sâu rộng, lập luận chặt chẽ, ý tứ dồi dào mà còn ở cái tâm của người viết.

Mở đầu là những bài viết nhẹ nhàng, tản mạn về bạn bè, người thân, ẩm thực, phong tục tập quán hay chỉ là khoảnh khắc thư giãn nhẹ nhàng buổi sáng. Theo Lê Minh Quốc, đôi khi lạc thú chẳng phải tìm kiếm xa xôi nơi đâu, chỉ cần dành lấy một một khoảng thời gian tĩnh mịch, trầm tư cho riêng mình, để nghỉ ngơi sau những vòng quay vội vã của cuộc sống. Hay gieo một hạt giống, ngày ngày tưới nước và mong ngóng, chờ đợi hạt mầm sẽ nhú lên. Bởi "Chờ đợi ấy đem lại niềm vui nho nhỏ trong sự nhẫn nại, niềm hy vọng và mở ra nhiều điều kỳ diệu của trí tưởng tượng" (trang 125). Bên cạnh những niềm vui nho nhỏ ấy, còn có một niềm hạnh phúc lớn lao, ấy là khi ta còn có mẹ. Với tác giả, "Một ngày rất đẹp" là ngày vẫn có mẹ bên đời và còn gì buồn hơn khi:"Mẹ thành mây trắng đã lâu. Con về thăm mẹ, ngồi đâu cũng buồn". Những trang viết về mẹ, về gia đình một cách hồn hậu, chan chứa yêu thương của tác giả để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc.

Càng về sau, những bài viết càng đi sâu vào những vấn đề thời sự, xã hội, những mặt trái của thời đại công nghệ số. Qua đó, tác giả bàn về cách sống, cách tìm niềm vui trong bận rộn và cả những vấn đề tưởng cũ nhưng luôn có giá trị như: "Nhẫn", "Cảm ơn và xin lỗi", "Tìm niềm vui trong sự tha thứ", "Sướng, khổ cũng tự lòng mình", "Nghĩ tốt về nhau", "Quan tâm đến nhau", "Im lặng để lắng nghe", "Chọn hạt để gieo"… Sau tất cả, Lê Minh Quốc rất tán thành với quan điểm của nhà văn Nodar Dumbatze trong tác phầm lừng danh "Quy luật muôn đời" rằng: "Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời" bởi "Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua" để càng thêm trân trọng cuộc sống, để nhìn đời, nhìn người một cách nhân hậu và thuần khiết hơn.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết