26/10/2018 - 20:43

Y tế Cần Thơ tăng cường hợp tác Nhật Bản 

Trong thời gian gần đây, các bệnh viện ở TP Cần Thơ tăng cường hợp tác với đối tác Nhật Bản, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, phục vụ bệnh nhân.

Cải tiến nhỏ - hiệu quả lớn

Năm 2016, Bệnh viện (BV) Tim mạch TP Cần Thơ cùng với BV Ung bướu và BV Y học Cổ truyền TP Cần Thơ tham gia chương trình cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ sức khỏe cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành y tế. Đây là chương trình phối hợp giữa Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ và Trung tâm Sức khỏe và An toàn lao động Tokyo và Viện Khoa học lao động Nhật Bản.


Bảng ghi chú, thông báo được nhân viên BV Tim mạch TP Cần Thơ tự làm, vừa rẻ, vừa đảm bảo mỹ quan. Ảnh: H.HOA

Các hoạt động gồm hội thảo, tập huấn cung cấp kiến thức, cách thực hiện để cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ sức khỏe cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành y tế... Sau đó, tùy tình hình thực tế tại các BV, mà các đơn vị tự thực hiện những cải tiến của mình. Hằng quý, phía Nhật Bản cũng cử cán bộ sang xem xét các cải tiến được thực hiện như thế nào. Sau thời gian một năm, hai bên phối hợp tổ chức hội thảo, tham quan thực tế tại các BV. Qua đó, các BV chia sẻ cải tiến, sáng chế hiệu quả, ít tốn kém và có thể thực hành ngay.

Cử nhân Lê Li Ly, Thư ký tổ Hợp tác quốc tế, chuyên viên Phòng Điều dưỡng, BV Tim mạch TP Cần Thơ, cho biết: Sau những buổi tập huấn, các diễn giả khơi gợi, thúc đẩy học viên những cải tiến có thể làm, hiệu quả và ít tốn kém cho công việc hằng ngày của chính bản thân và bộ phận mình công tác.

Các cán bộ, nhân viên BV Tim mạch đã thực hiện hàng loạt các cải tiến. Chẳng hạn trước đây, các khoa không đồng bộ các bảng ghi chú, mỗi khoa làm mỗi cách. Khi thực hiện cải tiến, BV đã đồng bộ các bảng hiệu, các ghi chú thông tin đến người bệnh. Khi thuê đơn vị ở ngoài, 1 bảng dao động từ 200.000 - 300.000 đồng, nhưng BV tự thiết kế chỉ vỏn vẹn 15.000 đồng. Bảng màu xanh, chữ trắng, tạo sự đồng bộ, mỹ quan, bệnh nhân rất dễ nhận diện, dễ đọc.

Sàn nhà trời mưa dễ trơn trượt, các khoa tận dụng bìa giấy cứng để dưới nền có nước mưa, nhằm tránh trượt chân. Các lối đi được sửa chữa bằng phẳng, hạn chế vật cản. Các phương tiện nặng thiết kế có bánh xe để dễ di chuyển. Bàn làm việc vừa tầm với người sử dụng. Hệ thống điện được đi dây, đảm bảo kết nối an toàn thiết bị. Phòng làm việc, phòng bệnh kết hợp sử dụng ánh sáng tự nhiên và ánh sáng đèn. Phương tiện bảo hộ đúng chuẩn và chủng loại. Tại Khoa Khám bệnh, khoa cải tiến ghế cho bệnh nhân ngồi đo huyết áp vừa tầm, ghế được niềng chắc để hạn chế té ngã. Tổ Công đoàn trang bị bàn bóng bàn cho nhân viên giải trí, luyện tập thể thao. BV phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy tập huấn cách kiểm soát và giải quyết khi có hỏa hoạn…

Qua thực hiện cải thiện, cử nhân Lê Li Ly cho biết: “Cải tiến là điều kiện thiết yếu để phát triển BV. Cải tiến tuy nhỏ nhưng hiệu quả lớn, đem lại sự an toàn cho người bệnh, giảm sự cố y khoa không mong muốn. Bên cạnh đó, khi thực hiện cải tiến, nhân viên y tế cũng thuận lợi hơn trong công việc, môi trường làm việc an toàn hơn”.

Điều trị theo tiêu chuẩn Nhật Bản

Tháng 7-2018, BV Quốc tế Phương Châu cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Kishokai, Nhật Bản. Đây là tập đoàn y tế sản khoa tư nhân lớn nhất Nhật Bản. Ông Mamoru Yamashita, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Kishokai, cho biết: “Kết quả của dự án này, chúng tôi cũng sẽ báo cáo cho chính phủ Nhật Bản. Có lẽ ý nghĩa và tác động mang tầm quốc tế của nó sẽ là rất lớn. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để mối quan hệ hợp tác này gặt hái nhiều thành công tốt đẹp”.


Các thầy thuốc Tập đoàn Kishokai cùng trao đổi chuyên môn với cán bộ y tế BV Quốc tế Phương Châu. Ảnh: H.HOA

Tiến sĩ, bác sĩ Trịnh Tiến Đạt, Cố vấn Y khoa cao cấp - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa BV Quốc tế Phương Châu, quản lý dự án Kishokai ở Việt Nam, cho biết: “Ở giai đoạn I (6 tháng), hợp đồng hợp tác chủ yếu là phía Kishokai chuyển giao kỹ thuật cho BV Quốc tế Phương Châu trong các lĩnh vực: sản phụ khoa, hỗ trợ sinh sản, nhi khoa và điều dưỡng. Trong sản phụ khoa, chuyển giao kỹ thuật tầm soát ung thư phụ khoa, thực hiện sản khoa an toàn, chiến lược giảm mổ lấy thai (sinh mổ). Hỗ trợ sinh sản gồm nuôi cấy phôi ngày 5, trứng non, sinh thiết phôi. Nhi khoa: tiêm chủng, miễn dịch dị ứng, đái dầm và tự kỷ. Điều dưỡng gồm có chăm sóc, theo dõi sanh, quy trình quản lý”.

Hiện nay, hằng tháng, đoàn Nhật Bản gồm các bác sĩ, điều dưỡng… sang khoảng 10 ngày để tập huấn, hướng dẫn thực hành tại chỗ trên bệnh nhân. Tuy nhiên, tiến sĩ Trịnh Tiến Đạt nói: “Chúng tôi không bê nguyên quy trình của Nhật Bản mà chắt lọc, xây dựng quy trình phù hợp quy định của Bộ Y tế, hướng dẫn của Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ và điểm hay của nền y tế Nhật Bản. Sau giai đoạn I, hai bên xem xét tính khả thi để có thể hợp tác lâu dài. Ở giai đoạn sau, có thể triển khai Khoa Sản phụ khoa kiểu Nhật, tức là khám bệnh, điều trị, quản lý… theo tiêu chuẩn Nhật Bản, sẽ có bác sĩ Nhật Bản trực tiếp khám, điều trị bên cạnh các bác sĩ BV Quốc tế Phương Châu”.

Khắc phục rào cản ngôn ngữ

BV Tim mạch hợp tác Viện Trường Okayama (Nhật Bản) trong công tác đào tạo. BV cũng đang xúc tiến vận động vốn ODA của Nhật Bản thông qua tổ chức JICA để xây dựng BV mới. Để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác này, nền tảng ngôn ngữ rất quan trọng. Từ thực tế đó, BV mở lớp tiếng Nhật sơ cấp cho các học viên là cán bộ, nhân viên y tế đang công tác tại BV. Được biết, khóa học kéo dài trong vòng 3 tháng, chia làm hai lớp với tổng số 62 học viên tham dự.

Cử nhân Võ Thị Kim Ngân, Phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết: “Đây là lần đầu tôi học tiếng Nhật. Lớp học được mở ngay tại BV là cơ hội để cán bộ, nhân viên BV làm quen với ngôn ngữ này. Tiếng Nhật rất khó học, các cán bộ, nhân viên bệnh viện công việc nhiều nên cố gắng sắp xếp mới theo học được”. Theo Cử nhân Lê Li Ly, hướng tới tổ Hợp tác Quốc tế tham mưu cho Ban Giám đốc BV mở tiếp lớp tiếng Nhật hoặc tạo điều kiện cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên theo hướng đưa các bạn được định hướng sang Khoa Tim mạch của Viện trường Okayama, Nhật Bản đào tạo về chuyên môn. Từ đó, việc học tiếng Nhật mang tính tập trung và hiệu quả học tập cao hơn.

Tại BV Quốc tế Phương Châu, BV cũng đã tuyển dụng nhân sự thông thạo tiếng Nhật hoặc từng du học trong lĩnh vực y tế tại Nhật Bản để công tác tại BV. Ngoài ra, Tiến sĩ Trịnh Tiến Đạt, từng là du học sinh và làm việc tại Nhật Bản, tranh thủ tổ chức những buổi trao đổi về chuyên môn, tiếng Nhật y khoa cho các bác sĩ, điều dưỡng.

Theo bác sĩ Trần Quốc Luận, Giám đốc BV Tim mạch TP Cần Thơ, BV tiếp tục duy trì và phát triển hợp tác với các đối tác quốc tế. Với chương trình cải thiện điều kiện làm việc, hằng năm cùng phía Nhật Bản, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tổ chức hội thảo, đánh giá và nhân rộng nhiều BV tham gia để cùng chia sẻ kinh nghiệm, các cải tiến nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

H.HOA

Chia sẻ bài viết