23/10/2008 - 08:50

Xung quanh việc thành lập "OPEC" khí đốt

Từ trái qua, Bộ trưởng Năng lượng Qatar al-Attiya, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Nozari và Chủ tịch Gazprom Miller trong buổi họp báo hôm 21-10. Ảnh: AP

Việc Nga, Iran và Qatar tuyên bố thành lập liên minh các nước xuất khẩu khí đốt theo mô hình Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hôm 21-10 làm phương Tây lo ngại rằng Mát-xcơ-va có thể tăng cường chi phối các thị trường năng lượng từ châu Âu tới Nam Á. Một liên minh như vậy không ảnh hưởng trực tiếp đến Mỹ, vốn không nhập khẩu khí đốt từ Nga, nhưng cũng như các đồng minh châu Âu, Washington vẫn cảm thấy bất an vì mối quan hệ gần gũi giữa Nga và Iran có thể cản trở những nỗ lực cô lập Tehran xung quanh tham vọng hạt nhân của nước này.

Trong cuộc họp tại Tehran, ông Alexei Miller, Chủ tịch tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga Gazprom, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Ghoham Hossein Nozari và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Qatar Abdullah Hamad Al-Attiya nhất trí rằng các thành viên của liên minh sẽ nhóm họp 3-4 lần mỗi năm. Ba nước sẽ sớm thành lập một ủy ban kỹ thuật với các chuyên gia giỏi để thực hiện các dự án chung, “bao trọn gói” từ thăm dò địa chất tới tiếp thị.

Đối với châu Âu, khu vực lệ thuộc gần 50% lượng khí đốt nhập khẩu vào Nga, bất kỳ tổ chức năng lượng nào do Mát-xcơ-va kiểm soát đều là mối đe dọa cho nguồn cung và giá cả. Phương Tây từng chỉ trích Nga lợi dụng sức mạnh năng lượng để gây sức ép cho các nước láng giềng. Còn nhớ mùa đông năm 2006, Nga bất ngờ cắt đứt nguồn cung khí đốt cho Ukraina do tranh cãi xung quanh vấn đề tăng giá, làm châu Âu hốt hoảng. Thế nên, Liên minh châu Âu (EU) phản đối mạnh mẽ việc thành lập liên minh khí đốt, nhất là vào thời điểm giá năng lượng diễn biến bất thường như hiện nay. Nga, Iran và Qatar là ba nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng trữ lượng toàn cầu. Bộ ba này hiện đang cung cấp gần 1/3 sản lượng khí đốt trên thế giới.

Các nhà phân tích cho rằng liên minh khí đốt sẽ không có sức mạnh tác động lên giá cả như OPEC, vì khí đốt không phải là mặt hàng có ảnh hưởng quan trọng như dầu. Nguyên nhân là vì khí đốt được buôn bán theo các hợp đồng dài hạn hơn, có khi kéo dài tới 25 năm. Tuy nhiên, liên minh có thể gây ra một số tác động đối với giá cả thế giới, nhất là ở châu Âu và châu Á. Khí hóa lỏng, mặt hàng đang phát triển nhanh trên thị trường thế giới, có thể được buôn bán tương tự như dầu trong tương lai. Ngay cả Mỹ, nước sản xuất phần lớn khí đốt cho nhu cầu nội địa (phần còn lại nhập từ Canada và Mexico) cũng có thể chịu sự chi phối khí đốt của Nga. Tập đoàn Gazprom đang tìm cách đưa Mỹ trở thành một trong những thị trường chủ yếu tiêu thụ khí hóa lỏng, sau khi một số nhân viên quản lý chủ chốt của họ được đưa tới bang Alaska hồi tuần rồi, để thảo luận về các dự án năng lượng.

N.MINH (Theo AP, Guardian, AFP)

Chia sẻ bài viết