15/12/2010 - 21:51

Xung quanh chuyện một bệnh nhân AIDS khỏi bệnh nhờ ghép tế bào gốc

Bệnh nhân Brown trở nên nổi tiếng sau khi “từ biệt” được HIV/AIDS. Ảnh: stern.de

Tạp chí Blood (Máu) của Mỹ đưa tin một bệnh nhân AIDS người Mỹ sống ở Đức đã hoàn toàn không còn HIV trong cơ thể sau 3 năm được ghép tế bào gốc. Thành công này là minh chứng đầu tiên cho thấy “căn bệnh thế kỷ” không hẳn vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng liệu pháp tế bào gốc không thể áp dụng đại trà trong điều trị HIV/AIDS. Vì sao?

“Nhất tiễn hạ song điêu”

Không chỉ nhiễm HIV dương tính, Timothy Ray Brown còn bị bệnh bạch cầu tủy cấp tính – một dạng ung thư hệ miễn dịch. Các nhà nghiên cứu Đại học Y khoa Charite ở Berlin (Đức) điều trị cho bệnh nhân 44 tuổi này theo phác đồ: loại bỏ hệ miễn dịch trong cơ thể anh ta bằng hóa và xạ trị, sau đó tiến hành ghép tế bào gốc (dạng tế bào chưa thuần thục có thể phát triển thành tế bào máu) để điều trị bệnh bạch cầu tủy cấp tính.

Vào thời điểm ghép tế bào gốc tháng 2-2007, “bệnh nhân Berlin” (từ dùng của các nhà nghiên cứu do Brown sống ở Berlin) đã ngưng dùng thuốc kháng HIV. 13 tháng sau đó khi bệnh bạch cầu tủy cấp tính tái phát, anh tiếp nhận đợt điều trị thứ hai cũng bằng liệu pháp ghép tế bào gốc của cùng một người cho lần trước. Theo các nhà nghiên cứu, không chỉ có cùng nhóm máu với bệnh nhân, tế bào gốc của người hiến còn chứa một gien đột biến di truyền hiếm gặp khiến chúng (tế bào gốc) mặc nhiên miễn dịch HIV.

Đến nay, sau 3 năm rưỡi không còn dùng thuốc điều trị HIV, bệnh nhân Brown không còn dấu hiệu bệnh bạch cầu tủy cấp tính và hệ miễn dịch của anh đã phục hồi khỏe như người bình thường. Cụ thể: Lượng tế bào miễn dịch CD4 của anh đã phục hồi ngang bằng với mức của người khỏe mạnh. Chưa hết, HIV không còn hiện diện trong máu của người bệnh và cơ thể cũng không còn dấu hiệu lây nhiễm HIV. Viết trên tạp chí Blood trực tuyến tuần qua, các chuyên gia Đại học Y khoa Charite kết luận: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi rõ ràng cho thấy bệnh nhân này đã được chữa khỏi bệnh AIDS”.

Chẳng khác nào “dao hai lưỡi”

Các nhà khoa học Đức tiếp tục nghiên cứu khả năng dùng tế bào gốc trong điều trị bệnh AIDS. Ảnh: Foxnews

Thành công trên mang lại hy vọng cho bệnh nhân lẫn các y bác sĩ khi mà hiện nay trên thế giới có đến 33 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng liệu pháp tế bào gốc khó có thể ứng dụng trong điều trị bệnh AIDS. “Đây có lẽ là một phương thức điều trị nhưng đi kèm theo nó là “cái giá” không rẻ”, Tiến sĩ Michael Saag - Giám đốc Trung tâm bệnh AIDS thuộc Đại học Alabama (Mỹ) - nhận định. Để bệnh nhân có thể tiếp nhận tế bào gốc của người cho, theo ông, cơ thể họ phải được loại bỏ toàn bộ hệ miễn dịch trước khi được ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, việc điều trị liên quan đến tẩy bỏ hệ miễn dịch là “rất nguy hiểm”, Tiến sĩ Saag nhấn mạnh.

“Thậm chí nếu không tử vong do ghép tế bào gốc, bệnh nhân cũng có khả năng bị biến chứng suốt đời do cơ thể tẩy chay tế bào ghép. Ông dẫn chứng nhiều trường hợp ghép tạng, người bệnh đã không qua khỏi do cơ thể “nói không” với cơ quan mới. Tiến sĩ Saag cho rằng nghiên cứu của các đồng nghiệp Đức ở một khía cạnh nào đó đã chứng minh “sự hiểu biết của chúng ta về cơ chế sinh học của HIV là đúng và nếu chúng ta loại bỏ tất cả tế bào trong cơ thể sản sinh HIV và thay thế chúng bằng những tế bào không bị lây nhiễm, người bệnh sẽ được trị khỏi”.

Theo Tiến sĩ Saag, hiện nay y học đã bào chế được nhiều loại thuốc kháng HIV hiệu quả hơn hồi thập niên 1990. Điều đó có nghĩa một người 25 tuổi hiện nay được chẩn đoán mắc HIV/AIDS hoàn toàn có cơ hội sống đến 80, 85 hoặc 90 tuổi nếu tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị. Một hạn chế nữa của phương pháp điều trị của người Đức đó là vấn đề chi phí. Mỗi bệnh nhân có thể tốn hàng trăm nghìn đô-la Mỹ cho việc điều trị. Đó là chưa kể nó không thể áp dụng được trừ khi bệnh nhân AIDS cũng bị bệnh bạch cầu và cần phải ghép tế bào gốc hoặc ghép tủy.

Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Quốc gia các bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ - cho rằng liệu pháp mà Đại học Y khoa Charite thử nghiệm là một minh chứng thú vị nhưng không thể ứng dụng trong thực tế. Thứ nhất là việc tìm được người hiến tế bào gốc hợp với nhóm máu của bệnh nhân là chuyện không dễ. Nhưng quan trọng hơn là “phải bảo đảm rằng người cho tế bào gốc thích hợp đó cũng phải mang gien đột biến miễn dịch với HIV. Thực tế cho thấy gien đột biến này chỉ hiện diện ở 1% dân số châu Âu và 0% ở người da màu. Loại gien này rất hiếm gặp”. Trả lời phỏng vấn hãng truyền hình Foxnews (Mỹ), Tiến sĩ Fauci, người nghiên cứu về HIV/AIDS gần 30 năm qua, nhấn mạnh “bệnh nhân Berlin” đúng là đã được chữa khỏi AIDS nhưng liệu pháp đó không thể áp dụng cho mọi bệnh nhân AIDS. Ông cũng nói thêm sử dụng tế bào gốc để điều trị bệnh AIDS không chỉ rất tốn kém mà còn cực kỳ đau đớn và phức tạp, và đòi hỏi người bệnh phải chuyển sang sử dụng một loạt thuốc điều trị mới. “Anh ta có thể không cần phải dùng thuốc kháng HIV nữa nhưng phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời để phòng ngừa hệ miễn dịch “phản đối” tế bào ghép”. Bản thân thuốc ức chế hệ miễn dịch đã được chứng minh có thể dẫn đến những biến chứng khôn lường như suy thận, ung thư.

Trong khi đó, Tiến sĩ Thomas Quinn, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), cho rằng ông rất quen thuộc với trường hợp của “bệnh nhân Berlin” (từng được đăng trên tạp chí Y khoa New England – Mỹ số tháng 2-2009). “Đây là báo cáo mới nghiên cứu sâu hơn về khả năng liệu HIV vẫn còn hiện diện hoặc ẩn nấp đâu đó trong cơ thể bởi kể từ khi được ghép tế bào gốc, cơ thể bệnh nhân không còn bóng dáng của HIV và tế bào miễn dịch của anh ra dường như kháng được sự lây nhiễm của vi-rút gây bệnh AIDS”. Tiến sĩ Quinn đồng ý với các nhà nghiên cứu Đức rằng đây là ca trị dứt điểm bệnh AIDS đầu tiên trên thế giới và liệu pháp tế bào gốc có triển vọng trở thành biện pháp thay thế chứ không phải tối ưu trong điều trị bệnh AIDS trong tương lai.

CHÂU MAI
(Theo AP, CNN, FoxNews, MyHealthNewsDaily)

Chia sẻ bài viết