11/02/2011 - 20:23

Xuất nhập khẩu năm 2011
Cơ hội và thách thức

Năm 2010 đã qua đi, bức tranh kinh tế nước ta đã có những mảng màu tươi sáng. Góp phần rõ nét vào những mảng sáng ấy là hoạt động ngoại thương thu được những kết quả khả quan. Chính phủ, từng doanh nghiệp, từng người dân phải gồng mình trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi nhưng vẫn tồn tại nhiều yếu tố bất ổn, đặc biệt vào nửa cuối năm. Hoạt động ngoại thương cũng không nằm ngoài “vùng xoáy” ấy. Và bước sang năm 2011, các chuyên gia đã dự báo, xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ có những cơ hội lớn nhưng cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

May gia công xuất khẩu góp phần giải quyết việc làm và tăng nguồn thu ngoại tệ cho thành phố (ảnh chụp tại Công ty cổ phần May Meko).
Ảnh: THIỆN KHIÊM

Xuất nhập khẩu năm 2010 - Những kết quả đáng khích lệ

Những kết quả đáng khích lệ thể hiện rõ nhất ở sự tăng trưởng mạnh mẽ của kim ngạch xuất khẩu. Năm 2010 xuất khẩu ước đạt 71,6 tỉ USD, tăng 25,5% so với năm 2009 (tương đương 14,5 tỉ USD). So với tăng trưởng bình quân xuất khẩu hàng năm thời kỳ 2006 - 2010 là 17,2%, mức tăng năm 2010 là rất ấn tượng. Năm 2010 có 18 nhóm/mặt hàng kim ngạch đạt trên 1 tỉ USD, tăng thêm 5 nhóm mặt hàng so với năm 2009, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD so với 4 mặt hàng của năm 2009. Các mặt hàng có kim ngạch tăng cao gồm hàng dệt may ước 11,2 tỉ USD, tăng 23,2% (2,1 tỉ USD); cao su ước 2,4 tỉ USD, tăng 93,7% (1,1 tỉ USD), giày dép ước 5,1 tỉ USD, tăng 24,9% (1,01 tỉ USD); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng ước 3 tỉ USD, tăng 48% (988 triệu USD); gạo ước 3,2 tỉ USD tăng 20,6% (548 triệu USD) và là năm đầu tiên lượng xuất khẩu đạt 6,8 triệu tấn. Điều đáng chú ý là, ngoài một số ít mặt hàng tăng về lượng như gạo (14,6%), cao su (7%), sắt thép (151%), thì kim ngạch xuất khẩu năm 2010 tăng mạnh là do sự đóng góp lớn của yếu tố thị trường và đơn giá thế giới tăng: ở nhóm nông sản (sắn và sản phẩm sắn 90,7%, cao su 81%, hạt tiêu 39,7%, hạt điều 22,4%), nhóm khoáng sản (than đá 52,9%, dầu thô 33,7%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá xuất khẩu, kim ngạch năm 2010 chỉ ở mức 64,5 tỉ USD, tăng 13,4%. Điều đó cho thấy thực chất hiệu quả tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài.

Điểm sáng trong xuất khẩu năm 2010 còn thể hiện cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khoáng sản và nguyên liệu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến. Trong đó, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản (giảm từ 29,4% năm 2009 xuống còn 27,2% năm 2010) trong đó nguyên nhân chủ yếu do giảm lượng xuất khẩu dầu thô (40%) và than đá (23%), phù hợp với định hướng giảm dần xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu thô. Tỷ trọng hàng công nghiệp nhẹ tăng mạnh (từ 42,8% lên 46%), hàng nông lâm sản tăng nhẹ (ước chiếm 15,9%). Thủy sản giảm từ 7,4% xuống 6,9%. Xuất khẩu vàng và các sản phẩm vàng giảm từ 4,6% xuống 4%. Năm 2010 ghi nhận mức tăng cao của các mặt hàng công nghiệp chế biến như túi xách, vali, ô dù (30%), hàng dệt may (23%), giày dép (25%), điện tử máy tính (28,8%), máy móc thiết bị, dụng cụ cầm tay (48%), dây và cáp điện (48%)...Song điểm cần lưu ý là mức tăng trưởng mạnh vẫn thuộc về các nhóm hàng gia công, lắp ráp là chủ yếu. Nói cách khác, hàm lượng giá trị gia tăng từ xuất khẩu các nhóm hàng này còn khá khiêm tốn.

Nhập khẩu năm 2010 ước 84 tỉ USD, tăng 20,1% so với năm 2009. Do tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn xuất khẩu nên kim ngạch nhập siêu năm 2010 ước tính 12,4 tỉ USD, thấp hơn mức 12,8 tỉ USD của năm 2009. Tỷ lệ nhập siêu bằng 17,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, giảm 5,2 điểm phần trăm so với tỷ lệ 22,4% của năm 2009. Năm 2010, trong điều kiện sản xuất trong nước còn phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu song các biện pháp kiềm chế nhập siêu đã có tác dụng hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, cần có những chính sách khuyến khích hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường sử dụng hàng hóa, nguyên liệu trong nước phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng hàng hóa trong nước nhằm hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng: nếu loại trừ vàng, kim loại quý và sản phẩm trong tổng kim ngạch XNK, nhập siêu năm 2010 ước 14,2 tỉ USD, tương đương 20,7% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn chỉ tiêu định hướng.

Những năm gần đây, khu vực FDI đóng góp ngày càng lớn vào kết quả xuất nhập khẩu và thể hiện rõ nét trong năm 2010. Nếu kể cả dầu thô, tỷ trọng xuất khẩu khu vực này chiếm 54%, (không kể dầu thô chiếm 47,3%), kim ngạch nhập khẩu chiếm 43,4%. Các mặt hàng xuất khẩu của khu vực FDI có kim ngạch xuất khẩu cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu: hàng dệt may chiếm 60,8%, giày dép 72,7%, điện tử máy tính 98,2%, máy móc thiết bị phụ tùng 87,7%. Tuy nhiên do mức tăng nhập khẩu (40,7%) cao hơn xuất khẩu (27,8%) nên nhập siêu của khu vực này cũng tăng mạnh. Điều đó cho thấy tỷ lệ nội địa hóa hàng xuất khẩu của khu vực FDI không những không được cải thiện mà họ còn thành công trong việc đưa hàng hóa của công ty mẹ và đối tác nước ngoài vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.

Xuất nhập khẩu năm 2011 - cơ hội và thách thức

Theo nhận xét của các chuyên gia, năm 2011 hoạt động xuất nhập khẩu sẽ đối mặt với một số thách thức:

- Trong năm này, kinh tế thế giới được xem là không mấy sáng sủa như khi bước vào đầu năm 2010. Các dự báo lạc quan nhất cũng cho rằng: tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm hơn, các nền kinh tế lớn đều theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu. Điều đó dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của thế giới, giảm sút kim ngạch thương mại toàn cầu và hàng hóa Việt Nam sẽ khó tiếp cận thị trường hơn.

- Ở trong nước, năm 2010 ghi nhận mức tăng bình quân khá cao so với năm 2009 của cả hai loại: chỉ số giá sản xuất (hàng công nghiệp 12,63%, hàng nông lâm thủy sản 14,35%) và chỉ số giá tiêu dùng (9,19%). Lãi suất ngân hàng và tỷ giá những tháng cuối năm đều ở mức cao, gây sức ép mạnh lên giá thành sản phẩm xuất khẩu, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Xuất khẩu vàng và các sản phẩm bằng vàng dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2009 do mặt hàng này đã “xuất siêu” hai năm liên tiếp và thuế xuất khẩu tăng từ 0% lên 10% năm 2011. Trong năm 2011, các biện pháp bảo hộ phi thuế dành cho nông nghiệp sẽ bị bãi bỏ, hạn chế nhập khẩu không được thực hiện bằng hạn chế định lượng mà chỉ có thể thông qua hàng rào kỹ thuật mà đây lại là công cụ yếu nhất trong điều hành nhập khẩu ở nước ta. Cũng trong năm này, có 924 mặt hàng, chủ yếu là các sản phẩm nông thủy sản, vật liệu xây dựng, điện tử, điện lạnh...được cắt giảm thuế nhập khẩu với các mức từ 1% đến 6%. Điều này sẽ gây áp lực mạnh lên mức nhập siêu và tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu.

- Năm 2010, yếu tố đóng góp lớn vào tăng trưởng xuất khẩu là giá thế giới với 10,69%, trong đó nông sản và khoáng sản tăng tới 28,2% và 31,95%. Năm 2011 sẽ khó có được lợi thế đó. Xuất khẩu một số nhóm mặt hàng chủ lực tuy có thuận lợi như hàng dệt may, giày dép do các DN đã ký được nhiều đơn hàng song việc EU cho phép các nước chậm phát triển được hưởng ưu đãi thuế quan với xuất xứ một công đoạn sẽ làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng Việt Nam. Hơn nữa nhiều nước EU, cả Chính phủ và người dân đang phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa ở khu vực này giảm xuống.

- Tăng trưởng nhập khẩu song hành cùng xuất khẩu vẫn sẽ là xu hướng tiếp tục trong năm 2011 do sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Vấn đề phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm xuất khẩu, phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao... được đề cập nhiều năm nay song không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần các chính sách, bước đi cụ thể trong những năm tới.

Để đạt được mục tiêu 2011, Chính phủ và các Bộ ngành thống nhất trong chỉ đạo cần triển khai tốt những giải pháp cơ bản sau:

- Tranh thủ các lợi thế từ các Hiệp định thương mại song phương, đặc biệt đối với Nhật Bản và Trung Quốc, mở rộng thị trường có nhu cầu hàng hóa phù hợp với khả năng sản xuất của Việt Nam.

- Tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đi đôi với kiểm soát, hạ giá thành để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.

- Xây dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ, thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng và các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, ngành có giá trị gia tăng cao.

- Đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán ngoài đôla Mỹ để tránh phụ thuộc vào đồng tiền này và xu hướng yếu đi của nó. Cùng với tăng cường xuất khẩu, giảm nhập siêu bằng các biện pháp kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng trong nước đã sản xuất được, hàng xa xỉ, đồng thời sớm xúc tiến xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu sẽ là những biện pháp quan trọng, lâu dài để tình trạng nhập siêu dần dần được cải thiện.

HỒNG HOA
(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)

Tháng 1, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 320 triệu USD

Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mặc dù, năm 2011 được đánh giá là năm thủy sản xuất khẩu sẽ gặp không ít khó khăn nhưng ngay trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 320 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ với các mặt hàng chủ lực là tôm đông lạnh, cá tra, basa, cá ngừ...

Thị trường nhập khẩu mạnh nhất vẫn là thị trường Mỹ, tiếp đến là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đức, Tây Ban Nha... Giá tôm của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ được giá cao nhất trong các thị trường xuất khẩu. Theo thống kê, giá tôm xuất khẩu trung bình vào Mỹ có thời điểm đạt gần 12 USD/kg. Giá tôm xuất vào Mỹ tăng một phần do sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico hồi giữa năm 2010, cùng với đó là giá các loại tôm sú tăng mạnh do các nước xuất khẩu giảm sản lượng.

Các chuyên gia ngành thủy sản dự báo, xu hướng nhu cầu thủy sản thế giới vẫn tiếp tục tăng mạnh, cùng với tình hình sụt giảm nguồn cung cấp thủy sản khai thác và nuôi trồng ở một số nước, năm 2011 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn có cơ hội giữ kỷ lục 5 tỉ USD.

Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tạo đà cho thủy sản Việt Nam phát triển mạnh trong năm 2011, đặc biệt là đối với lĩnh vực xuất khẩu, ngành thủy sản cần tiếp tục đầu tư cho sản xuất nguyên liệu, ưu tiên đầu tư các sản phẩm chủ lực như: tôm, cá tra, cá ngừ, nhuyễn thể... đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại nước ngoài và tăng cường hơn nữa mối liên kết trong nuôi trồng thủy sản... Cùng với đó, ngành thủy sản tiếp tục tăng cường cải tiến kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tín dụng, kiểm tra giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm.

THÚY HIỀN (TTXVN) 

May gia công xuất khẩu góp phần giải quyết việc làm và tăng nguồn thu ngoại tệ cho thành phố (ảnh chụp tại Công ty c&

Chia sẻ bài viết