28/12/2021 - 09:52

Xuất khẩu tôm dự báo đạt mức tăng trưởng cao 

(CT) - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo năm 2021 xuất khẩu tôm của nước ta sẽ cán đích ở mức gần 3,9 tỉ USD, tăng 4% so với năm 2020 và năm 2022 sẽ tăng khoảng 10%, đạt mức 4,3 tỉ USD.

Tôm thẻ chân trắng được trưng bày giới thiệu tại một hội chợ được tổ chức ở TP Cần Thơ vào tháng 4-2021.

Tôm thẻ chân trắng được trưng bày giới thiệu tại một hội chợ được tổ chức ở TP Cần Thơ vào tháng 4-2021.

Trong tháng 11-2021, xuất khẩu tôm của nước ta đạt hơn 367 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 11 tháng của năm nay đạt hơn 3,5 tỉ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt hơn 2,7 tỉ USD, tăng 22%, chiếm tỷ trọng 77% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm; tôm sú đạt kim ngạch hơn 568 triệu USD, tăng 16% và chiếm tỷ trọng 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm; còn lại là các loại tôm biển khác, giá trị xuất khẩu đạt hơn 244 triệu USD. Xuất khẩu tôm tăng nhờ nhu cầu hồi phục cao tại thị trường Mỹ, EU, Úc, Canada và nhiều thị trường mà nước ta đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu và xuất khẩu có sự tăng trưởng cao liên tục trong nhiều tháng qua, với mức tăng từ 11-49% và giá tôm xuất khẩu hiện cũng tăng so với trước. Dự báo, xuất khẩu tôm sang các thị trường Mỹ, EU, Úc sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới, trong đó Mỹ vẫn là thị trường chi phối sự tăng trưởng của ngành tôm xuất khẩu.

Tôm Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để xuất khẩu nhờ chất lượng tốt và có sản phẩm chế biến đa dạng, phù hợp nhiều phân khúc thị trường. Nước ta cũng có sản phẩm tôm sinh thái được thế giới rất quan tâm và có năng lực chế biến sâu các sản phẩm giúp mang lại giá trị gia tăng cao. Mặt khác, nước ta cũng đã tham gia nhiều FTA. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp và cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu ngày càng tăng, nguy cơ bị mất thị phần khi nhiều nước như: Ấn Độ, Ecuador…đã tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu tôm. Do vậy, ngành chức năng cần có các giải pháp và chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho người nuôi, người lao động và doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển xuất khẩu tôm.

Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết