08/04/2009 - 21:35

Đồng bằng sông Cửu Long

Xuất khẩu thủy sản còn nhiều thách thức

Theo báo cáo từ các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I/2009 đều giảm so với cùng kỳ năm 2008. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3 -2009 ước đạt 300 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước quý I/2009 ước đạt 744 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2008. Nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) từ nay đến cuối năm 2009, xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL và cả nước sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức.

Kim ngạch xuất khẩu giảm

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, quý I/2009, kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố ước đạt 126 triệu USD, bằng14% kế hoạch năm và giảm 7,08% so cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do mặt hàng thủy sản (chiếm 38,46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố) trong quý I/2009 chỉ đạt khoảng 48,45 triệu USD, giảm 44% so cùng kỳ. Còn theo báo cáo từ Sở Công Thương tỉnh An Giang, 3 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch đạt gần 47 triệu USD, giảm 48% về lượng và giá trị so cùng kỳ. Tỉnh Cà Mau, lượng thủy sản chế biến từ đầu năm đến đầu tháng 4 – 2009 đạt khoảng 12.000 tấn, giảm gần 8% so với cùng kỳ...

Nhận định từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, trong quý I/2009, hầu hết đều gặp khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu chế biến. Nguyên nhân chủ yếu do vụ nuôi cá tra và nuôi tôm năm 2008 bị lỗ và ngân hàng hạn chế cho vay, nhiều diện tích nuôi bị bỏ trống. Số liệu từ Trung tâm Thông tin Thương mại – Bộ Công Thương, so với cùng kỳ: Đối với con cá tra, chiếm trên 50% sản lượng thủy sản nuôi trồng, diện tích nuôi thả đã giảm trên 20%. Cụ thể: An Giang giảm 28%; Cần Thơ giảm 25,4%; Vĩnh Long giảm 15%. Riêng diện tích nuôi thả tôm sú ở ĐBSCL cũng giảm trên 8%...

Thực trạng trên khiến các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL chỉ hoạt động 35-40% công suất thiết kế. Thiếu nguyên liệu thủy sản chế biến xuất khẩu, cũng là nguyên nhân đẩy giá các loại thủy sản tăng, nhất là hai đối tượng thủy sản xuất khẩu chủ lực là cá tra và tôm sú. Hiện giá cá tra ở mức 14.000 - 16.200 đồng/kg; tôm sú nguyên liệu các loại từ 97.000 – 135.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là người nuôi cá tra, nuôi tôm sú ở ĐBSCL vẫn thiếu vốn đầu tư, nhiều người nuôi chưa ký được hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp nên rất dè dặt trong thả nuôi... Thực trạng này cho thấy nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản thời gian tới sẽ còn giảm mạnh...

Gay gắt thị trường nhập khẩu

 Thu hoạch tôm sú nguyên liệu ở Bạc Liêu. Ảnh: THANH TÂM

Tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến, sản xuất chưa có giải pháp căn cơ. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL và cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thị trường nhập khẩu.

Tại hội nghị chuẩn bị đón đoàn thanh tra EU tổ chức ở TP Cần Thơ vào cuối tháng 3-2009, ông Nguyễn Đình Thụ, Trưởng phòng Quản lý chất lượng thực phẩm thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAVED), cho biết: Khủng hoảng kinh tế toàn cầu dẫn đến một số quốc gia, các nước nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam bỏ qua cam kết với WTO để áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu hàng hóa; sức mua giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, cùng với các hàng rào thuế quan, Hoa Kỳ ban hành Luật “Farm Bill” có hiệu lực trong tháng 3-2009. Theo đó, dự kiến cơ quan thanh tra nhập khẩu trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ kiểm soát nhập khẩu đối với cá da trơn vào Hoa Kỳ. Như vậy, cùng với các rào cản về thuế quan, việc xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn. Tại một số thị trường nhập khẩu, một số cơ quan truyền thông xây dựng các báo cáo đưa thông tin không đúng sự thật về con cá tra của Việt Nam (chất lượng, dinh dưỡng kém...

Trong khi đó, các chuyên gia ngành thủy sản nhận định, do giá nguyên liệu đầu vào cao, nên khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế còn hạn chế... Đặc biệt, theo VASEP từ đầu năm đến cuối tháng 3-2009, các doanh nghiệp chế biến tôm đông lạnh mất đi 61 thị trường xuất khẩu. Nếu như cuối năm 2008, tôm đông lạnh Việt Nam được tiêu thụ tại 90 nước và vùng lãnh thổ, thì hiện nay con số này hiện chỉ còn 29. Việc tìm kiếm thêm thị trường đối với các sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam rất khó khăn do không thể cạnh tranh với tôm xuất khẩu của Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia. Không riêng gì mặt hàng tôm, các mặt hàng thủy sản khác như cá tra, cá ba sa cũng đang bị thu hẹp thị trường, khan hiếm nguyên liệu sản xuất...

Nâng cao chất lượng thủy sản

Theo VASEP, quý I/2009, thị trường EU, Nhật Bản, Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tin từ Bộ NN&PTNT, từ 20-4 đến 30-4-2009, đoàn Thanh tra thủy sản của EU sẽ thực hiện đợt thanh tra thứ tư đối với các doanh nghiệp thủy sản tại Việt Nam. Trên cơ sở của chuyến thanh tra này, các cơ quan chức năng của EU sẽ xem xét bổ sung thêm 30 doanh nghiệp được phép xuất thủy sản vào EU. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thụ, Trưởng phòng Quản lý chất lượng thực phẩm thủy sản, NAFIQAVED, cho rằng: Nhìn chung, các điều kiện sản xuất trước chế biến như tàu cá, cảng cá, chợ cá, cơ sở thu mua... hiện nay vẫn chưa có cải thiện nhiều để đáp ứng yêu cầu của EU. Các khuyến cáo của EU trong lần thanh tra năm 2005 và tháng 10-2007 vẫn chưa được khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu do còn nhiều khó khăn về nhân lực, kinh phí nên các địa phương trong cả nước chưa triển khai đầy đủ hoạt động kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản trong sản xuất trước chế biến. Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU còn chủ quan và kết quả kiểm tra NAFIQAVED phát hiện nhiều sai lỗi về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến thủy sản. “Nếu các vấn đề vừa nêu không được khắc phục triệt để, thì nguy cơ EU hạn chế nhập khẩu thủy sản đánh bắt của Việt Nam là rất lớn”- ông Thụ nói. EU là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 25,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Hiện nay, EU đã công nhận 301 doanh nghiệp của Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản...

Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản, Bộ NN&PTNT khuyến cáo, các doanh nghiệp chú trọng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường và đề xuất giải pháp xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản có hiệu quả. Bên cạnh đó, để ổn định nguồn nguyên liệu, các Sở NN&PTNT phối hợp với Trung tâm vùng, các địa phương tăng cường giám sát điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về dư lượng hóa chất độc hại trong thủy sản và sản phẩm thủy sản nuôi, sản phẩm thủy sản sau thu hoạch. Mặt khác, kiểm tra niêm phong nguyên liệu, thức ăn sản xuất từ nguyên liệu có phát hiện dư lượng melamine của các đơn vị kinh doanh trên địa bàn cả nước...

Nhiều địa phương ở ĐBSCL kiến nghị: Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ có chủ trương điều chỉnh giảm lãi suất phần vốn vay với mức lãi cao trong năm 2008 (trung bình trên 15%/năm) đối với các doanh nghiệp đã tham gia thu mua và xuất khẩu hàng nông - thủy sản theo chủ trương của Chính phủ để sản xuất kinh doanh đến thời điểm hiện nay, nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính cho doanh nghiệp. Đồng thời, ưu tiên cho vay vốn ưu đãi có hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp này tiếp tục hoạt động hiệu quả năm 2009. Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xem xét có chính sách mở rộng đối tượng được vay ưu đãi, hạn mức vay và thời gian vay vốn ưu đãi để dự trữ nguồn nguyên liệu cho sản xuất, nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa nông thủy sản. Đồng thời, giúp doanh nghiệp có đủ vốn đầu tư - hợp đồng với người nuôi cá, nuôi tôm... để ổn định nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu, hướng đến phát triển bền vững ngành thủy sản ở ĐBSCL và cả nước.

Hà Triều

Chia sẻ bài viết