28/01/2022 - 20:49

Xuân an bình 

Sẵn sàng tâm thế “sống chung với dịch”, TP Cần Thơ nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của cộng đồng, quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, người dân thành phố luôn mạnh mẽ vượt qua khó khăn, cần cù lao động, vững tin hướng về tương lai tươi sáng để chào đón Xuân Nhâm Dần bình yên, tươi mới.

Từ những căn nhà Đại đoàn kết, các hộ nghèo, cận nghèo an tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: CTV​

Tầm giữa tháng 11 âm lịch, chị Trần Thị Hồng ở ấp Thới Lộc, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, tìm đến các nhà vườn đặt cọc mua dừa tươi, dừa khô bỏ mối, đồng thời, chị trổ tài làm mứt dừa dẻo theo đơn đặt hàng “xuất ngoại”, kiếm tiền sắm sửa Tết. Vừa nhanh tay chọn dừa, chị Hồng vừa vui vẻ góp chuyện: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, công việc phải gián đoạn một thời gian. Từ tháng 10, việc mua bán dần thuận lợi nên cuộc sống gia đình tôi đỡ phần vất vả hơn”.

Sau khi hôn nhân đổ vỡ, chị Hồng bươn chải làm mướn nuôi 2 con ăn học. Khó khăn trui rèn chị thêm mạnh mẽ, tháo vát. Chị Hồng bộc bạch: “Cuộc sống gia đình tôi khởi sắc khi được Hội Phụ nữ trao tặng “Mái ấm tình thương”. Cùng với đó, tôi được hỗ trợ vay 45 triệu đồng để có vốn mua bán, vừa được giới thiệu việc làm thời vụ tại nhà máy xay xát”. Trong thời gian giãn cách xã hội, chị Hồng nhận phần hỗ trợ gạo và tiền cho lao động tự do, thêm thực phẩm, rau củ do Hội Phụ nữ mang đến tận nhà, không lo thiếu đói. Nghĩa tình này như tiếp thêm cho chị niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình anh Thái Thành Tân, thuộc diện cận nghèo ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, đón Tết Nhâm Dần trong căn nhà mới, trị giá trên 70 triệu đồng, do ông Nguyễn Văn Ðấu, nhà hảo tâm trên địa bàn tài trợ. Chuẩn bị nhà cửa tươm tất, thực phẩm đơn giản nhưng đủ đầy hương vị Tết, anh Tân bày tỏ: “Tết năm nay, gia đình tôi an cư rồi. Cả đời lao lực, nghèo khó lại thêm bệnh tật, tôi không nghĩ sẽ mình làm chủ căn nhà vững chắc”.

Anh Tân và con trai út quanh năm làm mướn. Cách nay khoảng 2 năm, sau khi đi làm về, anh Tân té ngã và bị tai biến nhẹ. Sức khỏe suy yếu, anh Tân không thể đi làm, cuộc sống lâm cảnh khó khăn. Anh được nhận trợ cấp xã hội hằng tháng, bảo hiểm y tế và những phần quà đột xuất của các nhà hảo tâm. Từ khi dịch bùng phát, con trai anh tạm ngưng việc. Gia đình anh được nhận tiền hỗ trợ lao động tự do và gạo do Nhà nước cấp phát, thêm phần thực phẩm, rau củ các đoàn thể tặng nên dần vượt qua thắt ngặt. 

Niềm vui như nhân đôi khi xuân này anh Nguyễn Quốc Hội, Trưởng ấp Thới Hòa B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, đón con gái đầu lòng bụ bẫm chào đời; đợt thu hoạch đầu tiên 1,3 tấn trái từ 6 công vườn sầu riêng Thái trồng năm 2016 cho lợi nhuận cao và 9 công sầu riêng Thái mở rộng hứa hẹn bội thu năm tới. Anh Hội say sưa chia sẻ về thời trẻ háo thắng, luôn muốn thử sức nhiều lĩnh vực. Tốt nghiệp ngành may mặc từ một trường cao đẳng, anh Hội đến TP Hồ Chí Minh làm công nhân may 10 năm. Dù công việc thuận lợi, tích lũy kinh nghiệm nhưng anh Hội lại “chóng” chán. Anh trở về quê chăn nuôi, rồi chuyển hướng cải tạo vườn trồng nhãn da bò, cam xoàn. Năm 2016, anh Hội “bén duyên” giống sầu
riêng Thái.

Anh Quốc Hội phấn khởi với thành quả vườn sầu riêng cho trái nghịch mùa, bán được giá cao. Ảnh: Phương Mai

Anh Hội kể: “Tôi vay trên 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân để bổ sung vốn trồng sầu riêng. Thời gian xảy ra dịch bệnh, thay vì lo lắng, bất an, tôi tranh thủ vun gốc, bón phân, trang bị hệ thống tưới cây. Ðồng thời, tôi tìm thông tin trên mạng để nghiên cứu kỹ thuật cho trái nghịch mùa, đạt năng suất, bán giá cao”. Anh Hội còn gia nhập “Hiệp hội sầu riêng” để mở rộng giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Qua đó, anh vừa giới thiệu, quảng bá giống sầu riêng nhà trồng, vừa làm quen thương lái các vùng miền để thỏa thuận giá cả... 

Dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng năm nay, chị Lê Thị Kim Diệu ở ấp Thới Hòa A, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, quyết định “chơi lớn”, chăm bón rau màu các loại để cung ứng thị trường Tết. Sau khi lập gia đình, tận dụng 5 công ruộng được nhà chồng cho, vợ chồng chị làm mỗi năm 3 vụ lúa, nhưng thu nhập chỉ đủ sống, không tích lũy được nhiều. Khoảng năm 2014, gia đình chị Diệu đầu tư cải tạo đất, trồng nhãn, chôm chôm. Sau thời gian canh tác, tích lũy, chị Diệu mua thêm 7 công đất, mở rộng diện tích trồng xoài, ổi và xen canh rẫy để “lấy ngắn nuôi dài”.

Chị Kim Diệu mừng vui bên vườn nhãn đạt năng suất, tăng thu nhập để gia đình vui đón Tết. Ảnh: Phương Mai

Việc canh tác đang “nở nồi” thì dịch bệnh ập đến, diễn biến phức tạp. Không bi quan, vợ chồng chị Diệu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tập trung chăm bón vườn, rẫy tươi tốt, chờ khi vận chuyển thông thương, liên hệ thương lái thu mua. Chị Diệu bộc bạch: “Mấy năm qua, nhờ vay vốn ưu đãi, tôi có điều kiện mua phân, thuốc chăm bón vườn tược, lo học phí đại học cho con trai, còn tham gia gởi tiết kiệm. Mỗi năm, vợ chồng tôi thu nhập từ vườn, rẫy trên 400 triệu đồng. Khi dịch bệnh được kiểm soát, việc canh tác trên đà thuận lợi, nông dân tụi tôi ăn Tết “ngon lành” nghe”.

Trong năm 2021, thành phố xây dựng 575 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, số tiền trên 23 tỉ đồng; giải ngân 671 tỉ đồng cho 17.707 lượt hộ vay; cấp 76.173 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội; trợ cấp hằng tháng 42.575 đối tượng bảo trợ xã hội ngoài cộng đồng; cấp phát 5.015.490kg gạo từ Cục dự trữ quốc gia cho 334.366 người dân gặp khó khăn; hỗ trợ 4.967 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, số tiền 3,75 tỉ đồng… Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, đến cuối tháng 12-2021, thành phố chi hỗ trợ 3.724 người sử dụng lao động, 524.686 lượt người, số tiền trên 980 tỉ đồng, đạt trên 86,6% số lượng được duyệt. Trong đó, thành phố giải ngân trên 118 tỉ đồng cho 28 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho 30.803 lượt lao động; chi hỗ trợ 351.910 lao động tự do, số tiền trên 703 tỉ đồng theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của HĐND thành phố. 

PHƯƠNG MAI

Chia sẻ bài viết