13/05/2019 - 05:59

Xu hướng xâm nhập mặn vùng ĐBSCL và giải pháp thích ứng 

ĐBSCL đang đối mặt trước nguy cơ do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, phát triển thủy điện trên sông Mekong… tác động mạnh đến sự thay đổi nguồn nước, ảnh hưởng đến cơ cấu mùa vụ sản xuất nông nghiệp. Để hạn chế, ứng phó trước rủi ro thiên tai, tác hại xấu cần có giải pháp thích ứng phù hợp ...

NHIỀU THÁCH THỨC

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL là phần cuối cùng của châu thổ sông Mekong, tổng diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu ha, chiếm 79% diện tích toàn châu thổ và bằng 5% diện tích toàn lưu vực sông Mekong. Đồng bằng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và là chìa khóa chính trong chiến lược an ninh lương thực Quốc gia. Với tiềm năng nông nghiệp và thủy sản to lớn, trong những năm qua, ĐBSCL luôn đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước những nguy cơ thách thức lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh vùng do BĐKH– nước biển dâng cùng với các tác động do phát triển các đập ở thượng lưu.

Cống ngăn mặn được tập trung xây dựng ở ĐBSCL. Ảnh: HÀ VĂN

Cống ngăn mặn được tập trung xây dựng ở ĐBSCL. Ảnh: HÀ VĂN

GS.TS. Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, nhận định: “ĐBSCL là một hệ thống hở - thấp, nằm cuối nguồn lưu vực sông Mekong, chịu tác động mạnh bởi triều biển nên vào các tháng mùa khô mặn xâm nhập là đặc thù của vùng. Thời gian xuất hiện, duy trì, không gian mặn xâm nhập phụ thuộc nhiều vào các yếu tố, như: khí tượng, thủy văn và triều biển. Thêm vào đó, đặc điểm vị trí địa lý, địa hình, sản xuất, vận hành công trình cũng ảnh hưởng đến diễn biến xâm nhập mặn. Các thay đổi dòng chảy thượng lưu về đồng bằng do tác động của con người là một trong các yếu tố tác động khó kiểm soát nhất đến diễn biến mặn trên đồng bằng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế, sản xuất nông nghiệp trong vùng...”.

Điều đó có thể thấy rõ nhất là hằng năm vào mùa khô, lưu lượng nước sông Mekong về ít, ĐBSCL đã chịu các đợt khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng sâu vào nội đồng. Tình trạng này khiến tốc độ tăng trưởng, năng suất, diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đều giảm… Điển hình mùa khô lịch sử năm 2016 ở vùng ĐBSCL đã bị thiệt hại gần 4.700 tỉ đồng (chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản) do hạn hán, thiếu nước ngọt sản xuất... Theo dự báo, mùa khô những năm tới, toàn vùng ĐBSCL có thể bị nhiễm mặn từ 45% diện tích trở lên nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mekong tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển. Ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đối với tự nhiên và hoạt động sản xuất của người dân trong vùng là một thách thức rất lớn đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và trực tiếp là hơn 20 triệu dân đang sinh sống tại khu vực ĐBSCL.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ngoài tác động trên, ĐBSCL còn chịu sự gia tăng phát triển nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển, nơi thiếu nguồn bổ sung nước ngọt từ nước mặt để pha loãng nhằm duy trì nồng độ thích hợp cho nuôi trồng thủy sản; việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm mực nước ngầm hạ thấp và có thể làm gia tăng sụt lún đất trên đồng bằng. Sụt lún đất trên đồng bằng được xem là có thể ảnh hưởng nhanh hơn so với ảnh hưởng của nước biển dâng, đồng thời các nghiên cứu gần đây đã dự báo tốc độ sụt lún đất từ 1cm đến 3cm/năm. Thêm vào đó, việc phát triển thủy sản tăng mạnh trong khi cơ sở hạ tầng phân ranh mặn ngọt chưa được phát triển đồng bộ làm ảnh hưởng đến các vùng sản xuất lúa phụ cận. Thực hiện chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng chất lượng và giá trị lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất cây trồng, mùa vụ sẽ có những chuyển biến lớn trong giai đoạn tới…

XÂY DỰNG VÙNG ỨNG PHÓ

Theo số liệu thống kê, tổng diện tích đất nông nghiệp ở ĐBSCL khoảng 3.663 ngàn héc-ta, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 2.606,5 ngàn héc-ta, diện tích đất lâm nghiệp khoảng 303.000 héc-ta và diện tích nuôi trồng thủy sản 753,5 ngàn héc-ta. Diện tích nuôi trồng thủy sản có xu hướng tăng mạnh từ năm 1999 đến nay, trong khi đó diện tích trồng lúa có xu thế giảm. Sản xuất nông nghiệp trên đồng bằng được xem là đã đạt đến mức cao, diện tích đất nông nghiệp có xu thế giảm nếu không có chiến lược quản lý hữu hiệu do việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang các mục đích khác, đô thị hóa và công nghiệp hóa…

Giải pháp mà Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đưa ra là cần sự đầu tư, nỗ lực thực hiện của Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong thời gian tới, như: rà soát lại quy hoạch hạ tầng sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL. Trong đó ưu tiên thực hiện các cống ngăn mặn cặp theo sông Tiền, sông Hậu để ứng phó với các trường hợp mặn xuất hiện sớm, vào sâu theo các dòng chính, đồng thời ứng phó với các trường hợp mặn rút muộn hoặc mặn bất thường trong các trường hợp bất lợi do vận hành thủy điện ở thượng lưu, vừa kết hợp kiểm soát mặn và ngăn triều cường gây ngập trong điều kiện có xét đến BĐKH và nước biển dâng. Các địa phương thay thế từng phần các cửa cống hay từng bước chuyển đổi hình thức vận hành của các cống ngăn triều và kiểm soát mặn, đặc biệt các cống lớn cặp theo các sông chính để chủ động đóng mở khi cần, góp phần chủ động về nước tưới, tích trữ nước hay tiêu thoát nước, bảo vệ môi trường chất lượng nước trong các vùng hưởng lợi của hệ thống thủy lợi.

Bên cạnh đó, ĐBSCL phải liên kết các hệ thống thủy lợi nhỏ lẻ thành các hệ thống lớn hơn để đảm bảo chủ động nguồn nước trong thời kì mặn  kéo dài, các hệ thống Gò Công - Bảo Định, Nam Măng Thít - Vĩnh Long, Nam - Bắc Bến Tre, Tiếp Nhật - Kế Sách (Sóc Trăng) và khép kín hệ thống ngăn mặn ven Biển Tây. Bố trí các trạm bơm có qui mô vừa và nhỏ cho các vùng ven biển để đáp ứng yêu cầu về nước phục vụ sản xuất, bơm tưới, tiếp nước và gạn ngọt trong trường hợp mặn xâm nhập kéo dài. Phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ các cánh đồng mẫu lớn có kết hợp với các trạm bơm vừa và nhỏ để chủ động sản xuất, nâng cao hiệu quả tưới, kiểm soát dịch bệnh, từng bước nâng cao chất lượng gạo, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo vùng ĐBSCL và thực hiện chuyển đổi sản xuất phù hợp với các thay đổi điều kiện nguồn nước và tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

GS.TS. Tăng Đức Thắng nhấn mạnh: “Trong điều kiện tác động bất lợi đến 2 vụ lúa chính tại ĐBSCL cùng với sự suy thoái lũ, mất phù sa thì việc nghiên cứu các giải pháp thay đổi thời vụ cho các vùng sản xuất là rất cần thiết, nhằm giảm tập trung nước trong các tháng đầu mùa mưa và đầu mùa khô kết hợp với giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất mùa lũ; đồng thời rà soát lại quy hoạch sử dụng đất vùng ĐBSCL trong điều kiện có xét đến suy giảm cả lũ và phù sa. Cần nâng cao nhận thức của cộng đồng ở vùng ĐBSCL để mọi người chủ động thích ứng với các tác động của BĐKH và phát triển thượng lưu (các đập thủy điện), có ý thức bảo vệ môi trường nước, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, thu gom các rác thải nông nghiệp trong quá trình sản xuất, canh tác...”.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết