NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
“Thuận thiên” theo mùa, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ đã mang đến cho ÐBSCL các cơ hội chuyển đổi. Nhưng để có một đồng bằng thịnh vượng, “nơi đáng sống”… như kỳ vọng được đề ra trong Nghị quyết 120 thì cần sự đồng thuận, không thể “thuận thiên” từng địa phương. Vì các thách thức mà đồng bằng đang đối mặt chỉ có thể giải quyết trên phạm vi toàn vùng, liên vùng.
Hóa giải các thách thức
PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), nói: “Trên con đường đi đến sự thịnh vượng và bền vững trong tương lai, ÐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bởi đây là vùng đất rất mẫn cảm với những thay đổi của tự nhiên. Bên cạnh tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH), nước biển dâng thì sụt lún đất đang xuất hiện ở nhiều nơi và sẽ tạo nhiều hệ lụy bất lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh ở ÐBSCL thời gian tới”. Theo đo đạc của nhiều tổ chức, các nhà khoa học quốc tế và trong nước, thì tốc độ sụt lún ở ÐBSCL dao động từ 2-4cm/năm. Trong tương lai, một số vùng của ÐBSCL ngập úng nghiêm trọng hơn, tần suất thường xuyên hơn và ở những khu vực có địa hình thấp sẽ bị ngập chìm hoàn toàn trong nước, nếu không có hành động nào được thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: “Ðể hạn chế tốc sụt lún, sạt lở các địa phương vùng ÐBSCL cần ứng dụng các giải pháp cơ sở hạ tầng xanh nhằm làm mới lại các khu vực công cộng trong trung tâm đô thị, tăng không gian cho tích trữ nước, thẩm thấu nước mưa tại các khu vực phát triển đô thị và các công trình cơ sở hạ tầng công cộng mới, nhằm giải phóng áp lực cho hệ thống nước ngầm. Cơ sở hạ tầng xanh sẽ bồi đắp lại lượng nước ngầm thiếu hụt, góp phần hạn chế sụt lún đất trong tương lai”. Theo PGS.TS Trung, Cần Thơ là trung tâm đô thị vùng ÐBSCL cần lập quy hoạch cơ sở hạ tầng xanh cho tất cả các quận trung tâm để thực hiện giải pháp toàn diện cơ sở hạ tầng xanh tăng cường khả năng chống chịu. Các địa phương ven biển, để hạn chế sụt lún, sạt lở phải hạn chế khai thác nước ngầm, khai thác cát sông…
Trái cây đặc sản của TP Cần Thơ trưng bày tại một hoạt động triển lãm tổ chức ở Cần Thơ. Ảnh: V.C
Ðể hóa giải các thách thức, tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Trường Ðại học Cần Thơ triển khai nhiều đề tài, dự án ứng phó thiên tai. Theo ông Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, ngoài quy hoạch lại vùng sản xuất, tỉnh linh hoạt xây dựng các đập tạm và cống, đập ngăn mặn, xây hồ trữ nước ngọt; lắp đặt và vận hành các hệ thống quan trắc môi trường tự động cảnh báo sớm hạn mặn đến người dân. Bến Tre có khoảng 71.000ha canh tác lúa, 73.000ha trồng dừa, hơn 80.000ha cây ăn trái và khoảng 47.000ha nuôi trồng thủy sản. Dựa theo bản đồ xâm nhập mặn, tỉnh từng bước xây dựng các giải pháp ứng phó, hạn chế được các thiệt hại.
Mặc dù các địa phương nỗ lực chuyển hóa thách thức, nhưng chỉ trên phạm vi hẹp, do nguồn lực không đảm bảo cho các khoản đầu tư lớn. Giai đoạn 2016-2020, các dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đầu tư như: Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ÐBSCL-WB9; Dự án Quản lý nước Bến Tre; Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT… Vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1; Dự án hệ thống thuỷ lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1; hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre; hệ thống thủy lợi tiểu vùng II, III, V Cà Mau; Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới tỉnh Bạc Liêu; Dự án Tha La, cống Trà Sư; Dự án Nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh; Dự án trạm bơm cống Xuân Hòa tỉnh Tiền Giang, Long An… Vốn Trung ương hỗ trợ các tỉnh, thành vùng ÐBSCL 6.622 tỉ đồng để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển... cũng góp phần tăng khả năng chống chịu cho ÐBSCL. Song, nguồn lực này chưa đủ để phục vụ mục tiêu phát triển thịnh vượng.
Nắm tay cùng đi xa
ThS Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ÐBSCL ví ÐBSCL như một “cơ thể sống”, nếu vận hành “cơ thể sống” này theo kiểu “phân mảnh” với hơn 2.500 bản quy hoạch như trước đây, thì khó mà ráp nối và vận hành. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang hoàn thiện Quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 trình Chính phủ phê duyệt. Ðây là quy hoạch tích hợp theo tinh thần mới, mang đến cho ÐBSCL vận hội mới.
Thêm vào đó, Quyết định 825/QÐ-TTg ngày 12-6-2020 của Thủ tướng về thành lập và Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ÐBSCL giai đoạn 2020-2025 để xem xét, quyết định các vấn đề lớn của vùng. Hội đồng vùng với Chủ tịch là một Phó Thủ tướng, một số bộ trưởng là phó chủ tịch và 13 chủ tịch các tỉnh, thành trong vùng là thành viên. Các vấn đề chiến lược, giải quyết thách thức của vùng để giúp vùng phát triển bền vững sẽ được quyết định bởi Hội đồng vùng. Theo các chuyên gia, nếu các thách thức của ÐBSCL được giải quyết dựa trên sự thảo luận, thống nhất của tất cả thành viên Hội đồng vùng và người dân, doanh nghiệp hưởng ứng thì tinh thần “thuận thiên” theo Nghị quyết 120 sẽ phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, ấp Trường Tây, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Mấy năm qua, nhờ chủ trương của địa phương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn, cây ăn trái và rau màu, thủy sản mà nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống tốt hơn trước đây. Nhưng nông dân chúng tôi vẫn sợ tình trạng “trúng mùa, rớt giá” khi cung dư thừa. Nên cần Nhà nước tăng cường cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất và hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp để sản xuất theo các đơn đặt hàng, đảm bảo đầu ra”. Giải quyết các thách thức cần bài toán tổng lực hơn. Ông Mai Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Không chỉ Cần Thơ mà các tỉnh đều đang xoay trục phát triển và hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển các mô hình đa canh. Như mô hình tôm - lúa ở huyện Vĩnh Thạnh dù ưu điểm là hạn chế tối đa thuốc hóa học, thân thiện với tự nhiên. Mô hình hiệu quả, nhưng khó nhân rộng do phụ thuộc nguồn con giống, nguồn nước, ao tôm nằm xen lẫn trong vùng sản xuất lúa”...
Không muộn để khắc phục những hạn chế, vì vẫn còn dư địa để phát triển. PGS.TS Lý Nguyễn Bình, Phó trưởng Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Ðại học Cần Thơ), cho rằng để biến thách thức thành cơ hội, ÐBSCL cần thực hiện tốt các giải pháp tổng thể mà Nghị quyết 120 đề ra. Ngoài xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững, cần đào tạo nông dân thành công nhân nông nghiệp. Tới đây, các hoạt động trong nông nghiệp sẽ cần ứng dụng công nghệ chuỗi khối để quản lý (Blockchain). Chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp.
Nhưng làm sao để nông thôn hấp dẫn trở lại, nông nghiệp hấp dẫn nông dân và không còn tình trạng xuất cư khỏi đồng bằng. ThS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, người ta đi vì đất cạn kiệt, nhiều mô hình sản xuất không theo nhu cầu thị trường nên còn tình trạng “dội chợ”... Ðể giải quyết khó khăn và hạn chế từ nhóm vấn đề nội sinh của vùng ÐBSCL, nhiệm vụ trọng tâm là phải thay đổi chiến lược phát triển nông nghiệp. Cụ thể, cần từ bỏ chiến lược nông nghiệp dựa vào sản lượng, chuyển sang nông nghiệp ít thâm canh, giá trị cao, xây dựng chuỗi giá trị, ít can thiệp thô bạo vào tự nhiên theo tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết số 120. Phát huy khả năng tự điều tiết của ÐBSCL, đặc biệt là khả năng thau rửa, làm sạch bằng nước mưa, qua các cơ chế thủy triều và nhờ nước ngọt thông qua cơ chế ngập lũ. Khắc phục các hạn chế từ nội tại sẽ nâng cao năng lực ứng phó và giảm được các tác động tiêu cực từ bên ngoài và của BÐKH, nước biển dâng.
Các địa phương ven biển cần tháo dỡ dần dần các vùng ngọt hóa hiện nay. Không tiếp tục xây các vùng ngọt hóa, mà cần tăng cường cảnh báo sớm để chuyển dịch thời vụ, né mặn. Ðể ứng phó với tình huống lũ cực đoan, cần phục hồi không gian hấp thu lũ, thay đổi chức năng hệ thống đê bao khép kín hiện hữu ở các cánh đồng ngập lũ đầu nguồn ở Tứ giác Long Xuyên và Ðồng Tháp Mười. Ðưa khai thác cát vào cơ chế điều phối, liên kết vùng để quản lý khai thác cát, giảm sạt lở. Chỉ xây dựng công trình chống sạt lở ở những nơi xung yếu... để đưa ÐBSCL phát triển bền vững thịnh vượng.
Giai đoạn 2021-2025, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ngân sách đầu tư cho vùng giai đoạn này khoảng 388.000 tỉ đồng. Nguồn vốn này để hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, như: cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến giao thông kết nối liên vùng; tuyến ven biển; các công trình thủy lợi cho nông nghiệp... Nhưng để huy động được nguồn vốn này cần sự kết nối chặt chẽ Trung ương và địa phương.