05/01/2019 - 14:28

Xin lỗi trẻ, đâu quá khó! 

Hôm rồi, Bảo- con trai chị Ngọc đi sinh nhật bạn ở một siêu thị lớn. Đến giờ rước con, chị Ngọc đợi hoài mà không thấy Bảo ra về. Vào siêu thị tìm không thấy, điện thoại không gọi được, công việc cơ quan thì chưa xong, chị Ngọc vừa lo lắng vừa tức giận. Hơn nửa giờ sau, thấy con đi bộ với nhóm bạn bên kia đường sang, chị Ngọc mắng té tát: “Đi đâu nãy giờ? Lại đi chơi phải không? Sao con hư quá vậy, nói hoài không nghe!”. Con trai chị nhìn mẹ thảng thốt, rồi im lặng lên xe. Về nhà cháu vẫn không nói chuyện, chị Ngọc cho rằng con chống đối nên càng rầy la nhiều hơn.


Trẻ con rất cần được yêu thương, tôn trọng, đối xử công bằng. Hành động, lời nói của ông bà, cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tính cách trẻ sau này. Ảnh: KIỀU CHINH

Mấy ngày sau, một phụ huynh gọi điện gởi lời cảm ơn Bảo, chị Ngọc mới vỡ lẽ. Hôm đó, đang đi sinh nhật thì con chị này bị đau bụng, ói. Chị nhờ Bảo và vài bạn đi mua thuốc, rồi đưa bạn bị bệnh đến nhà người quen gần siêu thị nghỉ ngơi. Chị Ngọc tâm sự: “Suy nghĩ kỹ tôi thấy mình quá đáng, không chỉ rầy oan mà còn làm con mất mặt với bạn bè, chưa kể còn làm xấu hình ảnh mình trong mắt tụi nhỏ. Bữa cơm chiều tôi nấu một số món con thích rồi xin lỗi con, giải thích do mẹ lo lắng cho con, thêm việc chưa xong nên trong lúc mệt mỏi không kiềm chế được, có lời lẽ không hay. Con hiểu ra vấn đề nên hết giận”.

Nhiều năm qua, bạn bè ngưỡng mộ mối quan hệ của chị Lan Quỳnh (45 tuổi, chủ đại lý bán hàng gia dụng ở quận Ninh Kiều) với hai cô con gái lớp 10 và lớp 4. Mấy mẹ con lúc nào cũng thân thiết, vui vẻ như bạn bè. Bí quyết của chị Quỳnh là tôn trọng, biết lắng nghe, đối xử công bằng với các con. Chị Quỳnh chia sẻ: “Có vài lần tôi la con không đúng, nghĩ chuyện nhỏ nên cho qua. Nhưng con thắc mắc con sai mẹ yêu cầu con xin lỗi nhưng sao mẹ sai mà không xin lỗi con. Thấy con nói có lý, tôi xin lỗi và cảm giác tình cảm mẹ con thêm khăng khít. Có quan niệm cho rằng người lớn sai thì không cần xin lỗi trẻ vì làm vậy sẽ mất mặt. Theo tôi điều này không đúng. Trong trường hợp ông bà, cha mẹ làm điều gì đó sai mà không xin lỗi, trẻ sẽ buồn, thất vọng, có trẻ còn lưu giữ những tổn thương tình cảm về lâu dài, gây ảnh hưởng tâm lý không hay”.

Thực tế cho thấy, không phải lúc nào người lớn cũng quan tâm, cân nhắc lời nói, hành vi khi ứng xử với con, cháu trong gia đình. Có những khi vô tình la rầy trẻ không đúng, có trẻ vô tư không để ý, nhưng cũng có trẻ ấm ức, oán giận… Vì vậy, khi phát hiện mình sai, người lớn cần xin lỗi trẻ. Một câu xin lỗi tưởng đơn giản nhưng nói đúng lúc có giá trị rất lớn, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên với nhau. Người nhận vui mà người nói cũng nhẹ lòng. Đây cũng là dịp để dạy trẻ về cách cư xử, chịu trách nhiệm với hành vi của mình, sai phải biết sửa.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Xin lỗi trẻ