03/09/2009 - 20:26

Xây dựng vùng nuôi thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ

UBND tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp để thực hiện định hướng xây dựng vùng nuôi thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ. Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh Kiên Giang cần phải bố trí vùng nuôi phù hợp với tập quán sản xuất của nông dân và điều kiện thổ nhưỡng từng vùng sinh thái…

Nông dân huyện Tân Hiệp thu hoạch cá tra. 

Theo Kỹ sư Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, tỉnh có 4 vùng sinh thái mà tiềm năng nuôi trồng thủy sản đã được duy trì nhiều năm nay. U Minh Thượng là vùng có điều kiện tự nhiên độc đáo, có thể phát triển đa dạng về chủng loại thủy sản: mặn, lợ, ngọt. Cụ thể, hằng năm diện tích tôm-lúa là 65.000 ha, sản lượng thu hoạch 20.000 tấn; diện tích sò huyết vùng nuôi chuyên canh là 3.500 ha, sản lượng thu hoạch đạt 6.000 tấn; diện tích nuôi cua biển (chuyên và kết hợp) khoảng 2.000 ha, đạt sản lượng 3.000 tấn. Riêng Tứ giác Long Xuyên, thế mạnh của vùng này là nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng với diện tích nuôi 1.500 ha, đạt 10.000 tấn (bao gồm 4.000 tấn tôm sú, 6.000 tấn tôm thẻ chân trắng). Vùng Tây sông Hậu, đối tượng nuôi gồm các loài cá nước ngọt. Hằng năm, diện tích nuôi cá tra thâm canh và bán thâm canh ở huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng là 100 ha, sản lượng đạt 10.000 tấn. Lợi thế có nguồn nước ngọt quanh năm, huyện Gò Quao, Giồng Riềng sẽ phát triển nuôi tôm càng xanh trên 50 ha, sản lượng đạt 20 tấn/năm. Vùng biển và hải đảo tập trung nuôi cá lồng bè tại các huyện Kiên Hải, Phú Quốc và các xã đảo thuộc Kiên Lương, thị xã Hà Tiên. Đối tượng nuôi chủ lực gồm cá mú, cá bốp, ghẹ, ốc hương, tôm hùm, với 925 lồng bè, sản lượng đạt 1.200 tấn/năm.

Song, tồn tại lớn nhất hiện nay của tỉnh là chưa xây dựng được vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gắn với thị trường tiêu thụ. Thực trạng đó còn do thiếu hụt nguồn giống đảm bảo chất lượng đối với những loài nuôi như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá bốp, cá mú sao, mú đen, cá tra... Do các cơ sở sản xuất giống tại chỗ chỉ có thể đáp ứng được 10-15% nhu cầu và có đến 85-90% con giống phải nhập từ miền Trung. Chi phí tăng cao, hiệu quả nuôi giảm và thị trường tiêu thụ không ổn định nên nông dân thường xuyên gặp cảnh được mùa, mất giá. Vùng nuôi cá tra, cá lồng bè chưa được quy hoạch, hệ thống thủy lợi thiếu đồng bộ, nông dân thiếu vốn sản xuất. Ngoài ra, vấn nạn bơm tạp chất vào nguyên liệu thủy sản chưa được khắc phục triệt để.

Ông Nguyễn Văn Bấu, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh chỉ thu mua khoảng 13-14% nguồn nguyên liệu thu hoạch từ các vùng nuôi. Số còn lại tiêu thụ ngoài tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh... Với 17 công ty, 21 nhà máy hiện có, nhưng năng lực chế biến đối với mặt hàng tôm chỉ đạt 10% công suất thiết kế. Từ đó, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2009 của Kiên Giang mới được 55 triệu USD, so với chỉ tiêu cả năm là 170 triệu USD. Kết quả trên cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng qua đó cũng dự báo ngoài những thách thức còn có cả những triển vọng mới. Đáng mừng là hiện nay các doanh nghiệp của tỉnh Kiên Giang đã xuất khẩu thủy sản đến 36 thị trường (tăng 5 thị trường so với cùng kỳ).

Ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Trên cơ sở những đánh giá, phân tích và những cứ liệu khoa học, ngành nông nghiệp đề xuất xây dựng 5 vùng nuôi trồng thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ là phù hợp. Theo đó, Kiên Lương sẽ là vùng chuyên nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo phương thức thâm canh và bán thâm canh; vùng nuôi cá lồng bè gồm huyện Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương; vùng nuôi tôm –lúa là các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận. Tân Hiệp là vùng nuôi cá tra; vùng nuôi tôm càng xanh thuộc Giồng Riềng và Gò Quao. Để các vùng nuôi phát huy hiệu quả, cần hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Trong đó, đẩy nhanh quy hoạch vùng nuôi ven biển, đảo; phát triển nuôi thủy sản ở Phú Quốc; quy hoạch hệ thống giống thủy sản mặn, lợ, ngọt. Quá trình đó phải tập trung xây dựng dự án sản xuất giống thủy sản tập trung ở Phú Quốc. Đẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản cho người nuôi; xây dựng các mô hình trình diễn các đối tượng có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định nhằm giúp người dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, khai thác tốt tiềm năng. Xây dựng thương hiệu cho nguyên liệu thủy sản: tôm, cá lồng bè, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ. Đồng thời, phối hợp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó, tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa nhằm tiêu thụ hết sản phẩm thủy sản cho nông dân, ngư dân...

Bài, ảnh: MẠNH CHUNG

Chia sẻ bài viết