13/12/2012 - 22:12

Xây dựng văn hóa tiêu dùng ưu tiên hàng Việt Nam

Khách hàng đang lựa chọn sản phẩm tại phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn" tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: MỸ HOA

Được triển khai từ tháng 8-2009 trong bối cảnh đất nước có những thời cơ thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức, sau ba năm thực hiện, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần giải quyết những khó khăn của nền kinh tế đất nước. Đây cũng là "cơn gió mạnh" thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Với những ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn, Cuộc vận động đã mở ra một giai đoạn mới trong thói quen mua sắm của mọi tầng lớp nhân dân, hướng đến một xã hội tiêu dùng mà hàng Việt là trung tâm.

Thay đổi hành vi mua sắm - ưu tiên dùng hàng Việt

Theo tổng kết của công ty nghiên cứu thị trường định hướng (FTA), hiện nay 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Theo số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cho thấy có đến 90% người tiêu dùng tại thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt, Hà Nội là 83%, trong đó 59% người tiêu dùng mua, sử dụng hài lòng với sản phẩm Việt; 38% người tiêu dùng khuyên người thân ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cuộc vận động các tỉnh, thành phố, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng, nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng sử dụng...

Trong suốt ba năm qua, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng nội địa, tăng quy mô cung- cầu của nền kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới. Hệ thống phân phối hàng Việt đã có bước phát triển mạnh mẽ, bước đầu tạo lập được vị thế vững chắc trên thị trường nội địa, góp phần đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại. Đến cuối năm 2011, cả nước có 639 siêu thị tại 60/63 tỉnh, thành phố; 121 trung tâm thương mại tại 34/63 tỉnh, thành phố. Theo báo cáo, 57 tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện được 1.443 hội chợ, triển lãm, thu hút 64.630 lượt doanh nghiệp tham gia, với doanh thu bán hàng là khoảng 11.639 tỉ đồng; phối hợp tiếp nhận theo dõi 328 hội chợ, thu hút hơn 21.535 lượt doanh nghiệp tham gia... Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan mua sắm, mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng.

Với trách nhiệm là cơ quan thường trực, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp luôn quan tâm, triển khai Cuộc vận động; tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn lồng ghép Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư". Một số câu lạc bộ, nhóm phụ nữ đã triển khai cuộc vận động với những hình thức thiết thực, hiệu quả như: Câu lạc bộ "Người tiêu dùng", "Cửa hàng Việt Nam chất lượng cao" ở Đồng Tháp, câu lạc bộ tuyên truyền "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ở Bình Dương, nhóm "Người tiêu dùng thông thái" ở Tiền Giang, nhóm phụ nữ "Ưu tiên dùng hàng Việt" ở Bình Thuận... Hội Nông dân các cấp đã lồng ghép tuyên truyền cuộc vận động cho hơn 9 triệu lượt hội viên nông dân tham gia. Các đoàn thể, tổ chức nghề nghiệp như Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam... đều tổ chức tuyên truyền, triển khai Cuộc vận động với nhiều nội dung, hình thức phù hợp, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động.

Là thành phần không thể thiếu trong Cuộc vận động, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tích cực tham gia hưởng ứng. Nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công tác quản lý, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa dịch vụ; tổ chức thông tin, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng; phát triển hệ thống phân phối, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam đối với người tiêu dùng. Từ khi bắt đầu triển khai Cuộc vận động, các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương đã phát huy vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền về cuộc vận động, thường xuyên đưa tin, bài phản ánh các hoạt động hưởng ứng, quan tâm đổi mới nội dung, hình thức thực hiện, phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, phê phán những biểu hiện lơ là, xem thường cuộc vận động, tâm lý sính hàng ngoại trong xã hội.

Để hàng Việt thực sự chinh phục được người Việt

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vẫn còn những khó khăn. Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2011-2015), Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015 như: 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công; cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và hàng rào kỹ thuật trong thương mại nhằm khuyến khích, bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước theo quy định của WTO; 90% số xã ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có cửa hàng bán hàng Việt; 80% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng hóa thương hiệu Việt, trong đó 100% cán bộ lãnh đạo các cấp gương mẫu ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam...

Để Cuộc vận động thực sự đạt được hiệu quả, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo ra phong trào thi đua sâu rộng trong toàn xã hội hưởng ứng Cuộc vận động. Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động phải thường xuyên, liên tục, kiên trì, đi đôi với đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm thu hút, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện. Song song với đó, nhiệm vụ đặt ra với các doanh nghiệp là cần phải đẩy mạnh điều tra, khảo sát thị trường, tăng cường mạng lưới phân phối, hỗ trợ đưa hàng về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Có thể nói, để thúc đẩy người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong thời gian tới sẽ cần nhiều biện pháp dài hơi hơn nữa để khích lệ các doanh nghiệp sản xuất tốt hơn, chất lượng cao hơn, khả năng cạnh tranh mạnh hơn, chinh phục được thị trường trong nước; đồng thời thức tỉnh ý thức trách nhiệm, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường của mỗi người Việt Nam, thể hiện lòng yêu nước trong việc sử dụng hàng Việt Nam...

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết