Với diện tích trên 250.000 km2, TP Cà Mau giờ đây đã được các tỉnh ĐBSCL biết đến là khu vực phát triển kinh tế từ nuôi thuỷ sản, trong đó tôm và cá chình, cá bống tượng… được xem là thế mạnh. Từ thế mạnh trên, một số địa phương đã phát triển thành mô hình du lịch sinh thái miệt vườn, bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Khách tham quan bơi xuồng quanh vườn cây ăn trái.
Nằm trên Quản lộ Phụng Hiệp, cách TP Cà Mau chưa đầy 15 cây số là phường cửa ngõ của TP Cà Mau. Năm 2009, phường Tân Thành được tách ra từ xã Tân Thành. 5 năm trở lại đây, đời sống bà con dần ổn định, kinh tế ngày càng phát triển. Hiện nay phường đã thành lập nhiều CLB nuôi cá chình, cá bống tượng mang lại thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha/năm; xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế, được nông dân khắp nơi học hỏi và làm theo. Theo dự kiến, phường có trên 6 ha phát triển mô hình du lịch miệt vườn, tập trung ở các khóm: 3, 4 và 6.
Chủ tịch UBND phường Tân Thành Lê Quốc Dương cho biết: “Thế mạnh của phường hiện giờ là cá chình, cá bống tượng. Vì vậy, mô hình du lịch của phường là dưới ao nuôi cá cho khách tham quan, giải trí, trên bờ trồng cây ăn trái, vừa tận dụng bờ ao, bờ liếp, vừa tạo được cảnh quan sinh thái, vừa tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân”.
Khóm 6, phường Tân Thành đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhiều nông dân đã xây dựng mô hình kinh tế của gia đình mình thành khu du lịch nhà vườn: trên bờ trồng cây ăn trái các loại, dưới ao thả cá trê, cá lóc, cá rô… Đến tham quan các khu du lịch vườn này, du khách có thể tự do câu cá, chế biến cá, hái trái cây ăn tại vườn, hoà mình vào thiên nhiên, trải nghiệm cảm giác làm nông dân.
Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Cao Văn Dũng, Khóm 6, phường Tân Thành, hồ hởi cho biết: “Vụ cá này tôi lời khoảng 100 triệu đồng nên đầu tư vào du lịch miệt vườn luôn”. Đối với ông Cao Văn Dũng, được làm du lịch là ước mơ ông đã ấp ủ từ lâu. Nhận thấy tiềm năng của vùng đất này, sau những lần đi tham quan học hỏi ở nhiều nơi, về địa phương ông áp dụng ngay trên phần đất của mình. Ông là người đầu tiên phát triển mô hình này. Với diện tích 1,5 ha, ông Dũng trồng trên 80 gốc ổi và nuôi 13 ao cá chình, cá bống tượng… “Cây ổi có trái quanh năm, thời điểm nào khách đến cũng có, chủ yếu là khách ăn tại vườn và mua về làm quà biếu cho anh em, cô bác… Bước đầu nguồn thu nhập chưa đáng kể, mỗi ngày chỉ vài đoàn khách”, ông Dũng bộc bạch.
Cũng ở Khóm 6, phường Tân Thành, ông Cao Hoàng Hiệu đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình du lịch với 6 chòi nhỏ, 1 nhà lớn có diện tích trên 120 m2 trên phần đất vườn. Ông còn trồng thêm một số loại cây ăn trái như: ổi, sapô, xoài, mãng cầu... Dự kiến mô hình sẽ hoàn thành vào đầu tháng 12 và phục vụ khách tham quan.
“Hiện UBND, đặc biệt là Phòng Kinh tế TP Cà Mau tích cực phối hợp với UBND phường vận động bà con từng bước phát triển mô hình du lịch vườn. Nếu đề án phát triển du lịch miệt vườn được UBND tỉnh phê duyệt thì thành phố sẽ có hướng đầu tư và hỗ trợ cho bà con”, ông Lê Quốc Dương thông tin.
Theo Báo Cà Mau