Nhờ phong cách mua bán văn minh, hiện đại mà hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ngày càng thu hút nhiều người mua sắm. Mặc dù vậy, chợ truyền thống vẫn có một vai trò rất lớn. Trong xu thế cạnh tranh, một số chợ truyền thống đã được xây dựng khang trang, nhưng ở đó vẫn còn những cách cư xử không đẹp của một số tiểu thương đã làm phật lòng không ít khách hàng.
 |
Trước áp lực cạnh tranh, cách mua bán tại chợ truyền thống ngày càng văn minh, hiện đại hơn. |
Sự có mặt của hệ thống siêu thị và các trung tâm bán lẻ đã thay đổi bộ mặt thương mại của TP Cần Thơ và đang hình thành thói quen mua bán hiện đại của người dân. Không gian thoáng mát, sạch sẽ, người ta tha hồ lựa chọn mà không bị ai than phiền, không những thế, tại các siêu thị thường có chương trình khuyến mãi... là những lý do để khách hàng chọn siêu thị là điểm mua sắm, mặc dù nhiều loại hàng hóa, sản phẩm giá có thể cao hơn ở chợ.
Để cạnh tranh, các tiểu thương kinh doanh tại các khu chợ truyền thống ngày càng chú trọng hơn đến cách thức bán hàng, giao tiếp ứng xử với khách... làm cho bộ mặt chợ ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Tại nhiều chợ, khách hàng yên tâm khi mua hàng có niêm yết giá bán, lô sạp trang trí, sắp đặt hàng hóa đẹp và hiện đại, không gian bán hàng bố trí thuận tiện,... đã tạo hấp dẫn cho khách hàng.
Tuy nhiên, vẫn có không ít tiểu thương cư xử thiếu văn minh, gây phiền lòng cho khách hàng. Lâu nay, bà Nguyễn Thị Lan, đường 30-4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, có thói quen mua sắm tại các khu chợ truyền thống. Một lần, bà mua một chiếc áo ở chợ về mới phát hiện bị lỗi nên đem ra đổi, chủ cửa hàng chỉ cho đổi chiếc áo cùng loại hoặc mua sản phẩm từ giá chiếc áo cũ trở lên. Bà Lan thổ lộ: “Tôi đồng ý với cách đổi hàng này, nhưng lựa cả quầy mà không tìm được chiếc áo nào vừa ý. Năn nỉ chủ cửa hàng cho tôi xin lại tiền chiếc áo, không những bà không đồng ý mà còn tỏ ra khó chịu và không thèm tiếp khách, bắt tôi phải chọn mua một món hàng nào đó chứ không trả lại tiền. Vừa tức, sợ phải đụng mặt với “dân chợ” tôi đành phải lấy đại chiếc áo khác cho xong chuyện”. Ngoài việc khó đổi lại hàng, ở chợ truyền thống vẫn còn tồn tại hủ tục mê tín dị đoan như sáng sớm mua bán trả giá không xong thì khách bị người bán hàng “đốt phong long”, hay chuyện cân thiếu, nói thách giá, bán hàng kém chất lượng... khiến người mua hàng phiền lòng khi đi chợ.
Ông La Quan Ba, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C), cho rằng: “Khi xây dựng chợ, công ty xác định tiêu chí phát triển chợ văn minh. Đặc biệt trong hoàn cảnh cạnh tranh với các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích như hiện nay. Theo tôi, chợ truyền thống muốn tồn tại và phát triển cần phải có những thay đổi, không chỉ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, địa bàn buôn bán an ninh... mà thái độ phục vụ của tiểu thương cũng rất quan trọng. Nhằm hỗ trợ cho tiểu thương, bên cạnh việc thường xuyên nhắc nhở, kiểm soát hoạt động kinh doanh của tiểu thương, công ty còn hướng đến xây dựng câu lạc bộ tiểu thương tại các khu chợ. Các câu lạc bộ này sẽ đóng vai trò nòng cốt để xây dựng chợ văn minh”.
Thiết nghĩ, người kinh doanh không chỉ chú trọng đến số lượng và chất lượng hàng hóa mà cần phải xây dựng cho mình phong cách mua bán văn minh, hiện đại, để chợ truyền thống ngày càng phát triển.
Bài & ảnh: KHÁNH NAM