14/02/2024 - 07:44

Vị thế mới của giáo dục đại học

Xây dựng mạng lưới đào tạo đa quốc gia 

Ðào tạo nguồn nhân lực đủ tầm tham gia thị trường lao động quốc tế; xây dựng các chương trình thu hút sinh viên nước ngoài đến nước ta học tập; phát triển các dự án đào tạo, nghiên cứu khoa học liên trường đa quốc gia - đó là những luồng gió mới, nâng tầm vị thế giáo dục đại học (ÐH) tại TP Cần Thơ.

Trường ÐH Cần Thơ từ những năm 1990 đã thiết lập hợp tác với 80 viện, trường, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ khắp các châu lục. Từ đó xây dựng các chương trình đào tạo liên trường, xuyên quốc gia trải rộng đến nay...

PGS.TS Phạm Thanh Liêm và học viên lớp Thạc sĩ NTTS K6, thảo luận về nguyên lý hệ thống tuần hoàn nước.

Trong giờ giảng của PGS.TS Phạm Thanh Liêm, Trưởng Khoa Công nghệ Nuôi trồng thủy sản (NTTS), Trường Thủy sản, thuộc Trường ĐH Cần Thơ, tại lớp Thạc sĩ NTTS K6, Levis Nambwaya Sirikwa đến từ Kenya quan tâm về nguyên lý hệ thống tuần hoàn nước, bể lọc và đặt nhiều câu hỏi. PGS.TS Phạm Thanh Liêm giải thích cặn kẽ, đánh giá cao những trao đổi thẳng thắn, khuyến khích học viên tiếp tục đào sâu kiến thức cần biết. Học viên của lớp đến từ nhiều nước, sử dụng thông thạo tiếng Anh, giảng viên không gặp khó khăn khi truyền đạt kiến thức.

Lớp Thạc sĩ NTTS K6 có 6 học viên đến từ Philippines, các nước châu Phi. Levis Nambwaya Sirikwa cho biết Trường ĐH Cần Thơ tổ chức đào tạo Thạc sĩ NTTS trong chương trình VLIR là rất thích hợp vì Việt Nam có nghề NTTS và sản lượng NTTS thuộc nhóm đứng đầu thế giới. “Tôi rất vui và háo hức khi được học ở nơi tốt nhất. Gần 3 năm qua, tôi đã học được những kiến thức quá hay” - Levis Nambwaya Sirikwa hào hứng nói.

Chương trình VLIR mạng lưới Việt Nam là chương trình hợp tác được tài trợ bởi Hội đồng các trường ĐH liên kết phía bắc Vương quốc Bỉ, nhằm thiết lập mạng lưới hợp tác giữa các trường ĐH vùng Flander (Bỉ) và các trường ĐH Việt Nam để phát triển, củng cố mối quan hệ giữa các viện, trường; đồng thời đào tạo sau ĐH trình độ thạc sĩ, cấp bằng đôi trình độ tiến sĩ dựa trên nghiên cứu về sinh học thực phẩm. Trường ĐH Gent (Bỉ) và Trường ĐH Cần Thơ là 2 đơn vị điều phối chính. Ngoài ra còn có sự phối hợp của 4 viện, trường thành viên ở Việt Nam. Sau 10 năm (2013-2023), chương trình đã đào tạo được 102 thạc sĩ.

Trường Thủy sản là một trong các đơn vị của Trường ĐH Cần Thơ thụ hưởng chương trình trên; đã đào tạo đến khóa thứ 6, với 59 học viên tốt nghiệp, còn 6 học viên sẽ tốt nghiệp đầu năm 2024. Giảng viên giảng dạy chương trình này được tập huấn ở Bỉ về phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực tiếng Anh, tham gia các chương trình trao đổi…

Theo GS.TS Vũ Ngọc Út, Hiệu trưởng Trường Thủy sản, VLIR được thực hiện rất thành công vì các học viên tốt nghiệp về nước hoặc làm việc ở Việt Nam đã ứng dụng hiệu quả vào thực tế địa phương. Ngoài ra, Trường còn có chương trình đào tạo tiên tiến bậc ĐH ngành NTTS. Chương trình được phát triển trên cơ sở áp dụng chương trình đào tạo của Trường ĐH Auburn, Alabama, Mỹ; dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. GS.TS Vũ Ngọc Út chia sẻ: “Trường còn có một số chương trình, dự án hợp tác với các nước trong đào tạo, nghiên cứu khoa học lĩnh vực thủy sản. Những hoạt động này thể hiện xu hướng phát triển, vị thế của Trường trong hội nhập”.

*

*   *

VLIR là một trong các chương trình, dự án tạo đòn bẩy cho hợp tác quốc tế trong đào tạo của Trường Đại học Cần Thơ; bên cạnh MHO của Chính phủ Hà Lan, dự án xây cơ sở vật chất và trang thiết bị cho Khoa Nông nghiệp (nay là Trường Nông nghiệp) của Chính phủ Nhật và Dự án xây dựng Trung tâm Học liệu của tổ chức Atlantic Philanthropies. Tổng kinh phí tài trợ 4 chương trình/dự án này lên đến trên 50 triệu USD. Đặc biệt là Dự án Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (thực hiện 2015-2022), với tổng nguồn vốn trên 105 triệu USD.

Từ khi Trường ĐH Cần Thơ là 1 trong 2 trường ĐH ở châu Á được chọn tham gia MHO, đã tạo nền tảng cho những phát triển rộng và cao hơn. PGS.TS Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Trường đã cử 21 ứng viên tham gia Chương trình Mekong 1.000, theo học thạc sĩ và tiến sĩ tại các viện, trường của Hà Lan. Những sinh viên này là cầu nối hợp tác giữa các đối tác Hà Lan và các tỉnh ĐBSCL. Trường và các đối tác Hà Lan có 15 dự án chung với tổng ngân sách khoảng 395.030 euro được triển khai; 6 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận đã được ký kết. Đây là hoạt động nhằm thiết lập mối quan hệ bền chặt thông qua hợp tác học thuật trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Sau hơn 57 năm xây dựng và phát triển, Trường ÐH Cần Thơ có 5 trường chuyên ngành, 11 khoa, 17 trung tâm, 14 phòng ban, 3 viện và 1 công ty; với hơn 1.800 viên chức, người lao động; 100% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học. GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Mô hình Trường ĐH Cần Thơ là đa ngành, đa lĩnh vực tương thích với rất nhiều đại học lớn trên thế giới, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng. Trường ĐH Cần Thơ đang chuẩn bị để đạt mọi điều kiện chuyển đổi thành ĐH Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

*

*   *

“Những luồng gió mới” không chỉ nâng cao vị thế các trường ĐH tại Cần Thơ, mà còn tạo sự gắn kết, thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam, TP Cần Thơ và các đối tác ngoài nước. Từ đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài, ảnh: Bích Ngọc

Chia sẻ bài viết