22/05/2022 - 13:58

Xây dựng đô thị thông minh - kết quả bước đầu 

Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ vừa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-4-2017 của Thành ủy “Về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025” (Nghị quyết 10-NQ/TU). TP Cần Thơ đã tích cực xây dựng đô thị thông minh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

TP Cần Thơ đang phát triển thành đô thị thông minh, trong đó có lĩnh vực ưu tiên - giao thông thông minh.

Kết quả bước đầu

Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, thành phố đã ban hành nhiều văn bản, đề án xây dựng TP Cần Thơ thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, triển khai xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu (LGSP), xây dựng kho dữ liệu dùng chung sẵn sàng cho việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu... Thành phố đang triển khai xây dựng nền tảng quy hoạch không gian SPP phục vụ công tác quản lý quy hoạch đô thị và phát triển thành phố thông minh; hình thành liên kết, chủ động của các doanh nghiệp, người dân với Nhà nước cùng tham gia đầu tư hạ tầng, trang thiết bị công nghệ; đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, tạo tiền đề vững chắc cho thành phố thông minh. Tỷ lệ người dân tham gia các dịch vụ công ích qua các nền tảng số ngày một tăng.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Thành phố triển khai thực hiện nghị quyết bằng nhiều hình thức, đa dạng thông tin, để tạo sự chuyển biến về nhận thức, vai trò của các cấp ủy, chính quyền và toàn thể đảng viên. Qua đó đã đạt kết quả tích cực trên 9 nội dung: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, quy hoạch thông minh, quản lý giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh, chính quyền thông minh - công dân thông minh, chính quyền thông minh - dịch vụ thông minh, nông nghiệp thông minh, quản lý an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội thông minh.

Cụ thể, thành phố đã xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung thuộc 17/18 lĩnh vực Nghị quyết số 10-NQ/TU đề ra, gồm: dân số, lao động và gia đình; cấp thoát nước; đầu tư; công nghiệp; nông nghiệp; xây dựng, nhà ở; thương mại; du lịch; giao thông; môi trường; giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; khoa học công nghệ - sáng tạo; y tế; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; trật tự trị an - tội phạm; tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của sự phát triển; đất đai. Về quy hoạch thông minh, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, ngành tài nguyên và môi trường đang xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn của ngành (cơ sở dữ liệu đất đai của các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, huyện Phong Ðiền…); TP Cần Thơ cũng đang lập các quy hoạch tích hợp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về quản lý giao thông thông minh, thành phố đã thành lập Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng trực thuộc Sở Giao thông vận tải. Ðây là bước trung gian (thực hiện trong giai đoạn 2021-2022), tiến tới nâng cấp thành “Trung tâm Quản lý Giao thông đô thị” của thành phố, với đầy đủ các chức năng của một đô thị thông minh (quản lý giao thông khu vực trung tâm thành phố, cải thiện các dịch vụ vận tải công cộng, quản lý và điều hành giao thông đô thị theo hướng thông minh cho thành phố…).

Về chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh, thành phố cụ thể hóa bằng các Chỉ số về cải cách hành chính và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trên cơ sở đó, thành phố triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến TP Cần Thơ và nâng cấp đồng bộ cho tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, cấp xã để tra cứu thông báo kết quả giải quyết hồ sơ cho tổ chức công dân, tích hợp với hệ thống tổng hợp, thu thập trực tuyến ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước...

Trong lĩnh vực xây dựng, thành phố đã triển khai xây dựng kiến trúc hệ thống thông tin quản lý bản đồ cây xanh nhằm đánh giá hiện trạng cây xanh công cộng đô thị trên địa bàn. Chiếu sáng thông minh và tiết kiệm năng lượng Việt Nam (SELP) tại TP Cần Thơ do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Lĩnh vực giáo dục, xây dựng Ðề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời, trọng tâm là học ngoại ngữ giai đoạn 2021-2030; 100% trường học trên địa bàn đã triển khai thực hiện cập nhật cơ sở dữ liệu ngành; 100% cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT trên địa bàn thành phố sử dụng phần mềm quản lý học sinh; triển khai một số hình thức dạy học trực tuyến, mô hình lớp học thông minh... Lĩnh vực y tế, triển khai thực hiện đề án y tế thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế cộng đồng; triển khai thí điểm mô hình bác sĩ gia đình, gắn với phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện có khoảng 82% dân số thành phố được lập hồ sơ sức khỏe điện tử… Lĩnh vực du lịch, triển khai Cổng thông tin du lịch và ứng dụng di động du lịch thông minh; phát triển, tích hợp các ứng dụng số để cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh; tích hợp bản đồ số du lịch; ứng dụng đánh giá mức độ hài lòng của người dân về du lịch…

Đẩy mạnh triển khai đề án đô thị thông minh

Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, cho biết: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc xây dựng chính quyền điện tử hướng đến đô thị thông minh đã trở thành một xu thế tất yếu, giúp các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ công mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dân và doanh nghiệp. Cần Thơ bắt đầu triển khai chính quyền điện tử từ những năm 2000; hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống mạng nội bộ các cơ quan nhà nước đã được đầu tư, nâng cấp; trung tâm dữ liệu, mạng truyền dữ liệu chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước đã được thực hiện đến cấp xã và vận hành ổn định; công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng được chú trọng. Thành phố còn thực hiện thí điểm trung tâm điều hành đô thị thông minh; triển khai một số lĩnh vực thông minh, như: y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, tài nguyên và môi trường, du lịch, an ninh trật tự…

Ðể tiếp tục phát triển chính quyền điện tử, chính quyền thông minh, theo định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 10-NQ/TU của Thành ủy, ông Huỳnh Hoàng Mến đề xuất một số giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền thông minh trong toàn công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân thành phố. Ðồng thời, tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, các nền tảng số và các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành: y tế, giáo dục, doanh nghiệp; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian trên cơ sở hợp nhất dữ liệu của các ngành, kết nối liên thông đồng bộ về kho dữ liệu dùng chung của thành phố để chia sẻ dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo…

Theo ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Thành ủy, ngành khoa học và công nghệ đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tham mưu UBND thành phố ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ 4.0 phục vụ phát triển TP Cần Thơ thành đô thị thông minh. Theo đó, đã triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất sản phẩm hàng hóa trên địa bàn TP Cần Thơ (các sản phẩm chủ lực của thành phố); triển khai 4 đề tài, dự án cấp thành phố phục vụ chuyển đổi ứng dụng khoa học công nghệ. Sở tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch về triển khai hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025; đang tham mưu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ, kết nối với trung tâm của quốc gia.

Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhấn mạnh: Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh vẫn trong quá trình vừa làm vừa học tập, rút kinh nghiệm và cập nhật bổ sung. Ban Tuyên giáo Thành ủy phải phối hợp các cơ quan, UBND thành phố tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu, kết luận của Thành ủy. Bổ sung, cập nhật những đánh giá, những kiến thức, những cách tiếp cận có tính khoa học theo mục tiêu Nghị quyết đã đề ra; đồng thời đẩy mạnh việc triển khai đề án đô thị thông minh TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết