25/03/2019 - 09:21

NGÀNH HÀNG TÔM XUẤT KHẨU

Xây dựng chuỗi giá trị để phát triển bền vững 

Vụ tôm năm 2019 bắt đầu vào mùa. Nhiều địa phương ÐBSCL có diện tích nuôi lớn và sản lượng cao, như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh… Các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) bắt đầu đồng hành cùng các địa phương có vùng nuôi tôm nước lợ triển khai kế hoạch ngành tôm năm 2019, với mong muốn khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng phát triển bền vững.

Tôm thẻ chân trắng được người dân vùng ĐBSCL ứng dụng mô hình 3 sạch vào quá trình nuôi trồng cho năng suất cao khi thu hoạch.                               

Ðể vụ tôm thắng lợi

Theo Tổng cục Thủy sản Bộ NN&PTNT, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2018 đạt trên 736.000ha (tăng 3% so với năm 2017). Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú đạt 632.000ha (tăng 3,2%), diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng là 104.000ha (tăng 1,4%). Các tỉnh có diện tích thả nuôi tăng gồm: Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng... Sản lượng tôm nuôi nước lợ năm 2018 đạt trên 762.000 tấn (sản lượng tôm sú đạt 298.000 tấn, tôm thẻ chân trắng đạt 464.000 tấn), tăng 6,3% so với năm 2017. Đây là vụ tôm thắng lợi về mặt sản lượng nhờ thời tiết thuận lợi và công tác quan trắc môi trường, phòng ngừa dịch bệnh cho tôm nuôi được khống chế. Tuy nhiên, vào các tháng đầu năm 2018, do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá tôm nguyên liệu trong nước giảm mạnh, tác động đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong thời gian này.

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (thuộc Tổng cục Thủy sản), cho biết: "Trước tác động của thị trường, Hội nghị "Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững" và sự tích cực vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp, ngành tôm đã kịp thời khôi phục sản xuất, các doanh nghiệp giữ vững thị trường, phát triển khá vào những tháng cuối năm 2018".

Cũng theo nhận định của Vụ Nuôi trồng Thủy sản, những đóng góp thành công đem lại vụ tôm trúng mùa là con giống. Do đó, ngay từ đầu năm nay Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp về quản lý tôm giống giữa các địa phương, nhằm tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường công tác quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản và phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi. Riêng năm 2018, Tổng cục Thủy sản và các địa phương triển khai quan trắc và giám sát môi trường định kỳ tại 449 điểm nuôi tôm nước lợ, 59 điểm nuôi tôm hùm... Nhờ đó, dịch bệnh được ngăn chặn kịp thời.

Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng: Tín hiệu đáng mừng cho ngành tôm năm 2018 nhờ có đóng góp từ mô hình nuôi tôm 3 sạch và duy trì đến nay. Đầu năm 2019, tôm nguyên liệu vẫn tiếp tục có giá cao, tôm cỡ 100 con/kg giá 100.000-110.000 đồng/kg, tôm cỡ 30 con/kg giá 160.000 đồng/kg… Chính nhờ giá tôm tăng cao nên vùng nuôi tăng gia sản xuất, tạo nguồn cung nguyên liệu dồi dào cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Nâng cao hiệu quả nuôi tôm

Mới đây, tại hội nghị triển khai kế hoạch ngành tôm năm 2019 ở Sóc Trăng, một số tồn tại, thách thức đối với ngành tôm Việt Nam đã được nêu rõ. Trong đó, vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa và chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu từ 200.000 - 250.000 con tôm chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải nhập ngoại). Giá thành sản xuất tôm vẫn cao hơn các nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia... nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (chiếm khoảng 65-70%). Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở một số cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ. Từ đó, đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn gặp khó khăn về các loại rào cản như thuế chống bán phá giá, chương trình SIMP của Mỹ, giá tôm nhập khẩu từ Ấn Độ thấp. Các thị trường tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm như thị trường Mỹ, EU, Ả Rập, Hàn Quốc... ngày càng khắt khe hơn. Với những thách thức trên, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần SAOTA, đề xuất: Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương sớm có giải pháp hỗ trợ để người nuôi, doanh nghiệp tập trung sản xuất tôm sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế và dễ truy xuất nguồn gốc, giá thành cạnh tranh… để tôm vào siêu thị cao cấp, bán giá cao, xuất khẩu ổn định.

Theo kế hoạch, năm 2019 ngành tôm cả nước phấn đấu duy trì diện tích nuôi hiện có, tập trung đẩy mạnh các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng. Trong năm, sản lượng tôm nước lợ phải đạt trên 780.000 tấn, trong đó sản lượng tôm sú 300.000 tấn và sản lượng tôm thẻ chân trắng trên 480.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2019 phải đạt 4,2 tỉ USD, tăng gần 10% so với năm 2018.

Để đạt mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, chỉ đạo: Năm 2019, ngành tôm cả nước cần phải thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm, nuôi trồng. Giải pháp đầu tiên là giảm giá thành và tăng giá trị sản phẩm cho con tôm. Trong đó, tất cả các khâu trong chuỗi nuôi trồng, chế biến đều phải giảm đồng bộ; chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người nuôi tôm phát triển; người bán thức ăn cũng chia sẻ khó khăn, thuận lợi với người nuôi; người nuôi cũng cần ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất… Tất cả vì mục đích phát triển lâu dài mới hạ được giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh: "Ngành tôm Việt Nam đã qua hơn 20 năm phát triển. Về phương thức chế biến, Việt Nam thuộc nhóm tiên tiến trên thế giới. Người nuôi tôm đã biết ứng dụng các tiến bộ khoa học và tất cả các mô hình như: nuôi dưới tán rừng, nuôi quảng canh, nuôi bán thâm canh, thâm canh đến siêu thâm canh… Ngoài ra, chúng ta còn hình thành các chuỗi cung ứng từ con giống đến thức ăn. Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm được 4,2 tỉ USD trong năm 2019, vấn đề đầu tiên là hình thành được chuỗi nuôi tôm theo hình thức khép kín, người nuôi tôm phải liên kết với các hợp tác xã, các doanh nghiệp đồng bộ từ khâu chế biến, nuôi trồng đến khâu thương mại. Chúng ta phải tuân thủ tất cả công đoạn theo quy trình kỹ thuật từ con giống, thức ăn, xử lý môi trường… thì hiệu quả nuôi tôm ngày càng phát triển, thị trường xuất khẩu ổn định".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết