04/08/2012 - 19:59

Lấy ý kiến Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050

Xây dựng Cần Thơ thành đô thị đáng sống...

Thời gian qua, Sở Xây dựng thành phố triển khai các thủ tục lựa chọn tư vấn trong và nước ngoài (Nhóm chuyên gia phản biện với sự chủ trì của Kiến trúc sư Patrice Berger - Viện Quy hoạch Lyon – Cộng hòa Pháp); lấy ý kiến của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực; người dân để phản biện đồ án điều chỉnh quy hoạch (QH) chung xây dựng thành phố Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo Sở Xây dựng, đến nay đã thu thập được hàng trăm ý kiến đóng góp; các tham luận đề xuất cụ thể, sát thực tiễn cho đồ án này… Chúng tôi trích đăng nội dung phản biện và những đề xuất của kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng), xung quanh QH này.

Theo nhận xét của KTS Nguyễn Tấn Vạn, QH chung xây dựng TP Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006, việc rà soát và điều chỉnh đồ án QH chung này là phù hợp với quy định chung, đồng thời phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và của Cần Thơ. Nội dung điều chỉnh QH này phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ đối với các đô thị lớn của Việt Nam. Xây dựng tầm nhìn với ý tưởng xây dựng một đô thị sông nước, một đô thị lưu thông, đô thị vườn cây ăn trái và đô thị quản lý nước tích hợp. Đây là cách tư duy và phương pháp QH có thể tiếp cận với xu thế phát triển đô thị trong thế kỷ 21- đô thị xanh, thân thiện môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy lợi thế thiên nhiên sẵn có.

Trưng bày đồ án quy hoạch chung TP Cần Thơ thu hút đông đảo người dân đến tìm hiểu thông tin. 

Điều chỉnh hướng phát triển không gian đô thị, theo đó, xây dựng TP Cần Thơ gồm các vùng phát triển đô thị; vùng phát triển công nghiệp; vùng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; vùng nông nghiệp; vùng bảo tồn thiên nhiên. Trong trường hợp Cần Thơ, một thành phố trẻ, năng động đang trên đà phát triển thì có thể nghiên cứu rõ chức năng đô thị để tổ chức không gian và quản lý phát triển đô thị phù hợp với mô hình lý thuyết. Trên cơ sở đó, đề nghị đồ án điều chỉnh theo cách dịch chuyển không gian các đô thị mới, như Ô Môn; hệ thống vườn cây bên sông Hậu để hình thành một thành phố vườn cây ăn trái. Đồng thời, đề xuất hoàn chỉnh hoặc vi chỉnh đường cao tốc, tạo trục kết nối đô thị, kết hợp giao thông bộ và chú trọng giao thông công cộng thủy, bảo vệ vườn cây ăn trái hiện hữu.

Phân tích về các đề xuất của đồ án QH chung điều chỉnh TP Cần Thơ lần này, đồ án nhấn mạnh vai trò xây dựng Cần Thơ thành một đô thị tầm cỡ quốc tế, trung tâm của vùng Đông Nam Á. Từ đó, đưa chức năng vùng quốc tế, cũng như xây dựng Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng có tầm quốc tế, hoặc xây dựng đô thị Ô Môn thành trung tâm thương mại-tài chính quốc tế; hoặc xây dựng hình ảnh đô thị Cần Thơ thành thành phố Đông Nam Á kiểu mẫu của thế kỷ 21 về đô thị sinh thái, thích ứng BĐKH. Có thể đây là mong ước, ý chí của chúng ta. Nhưng điều quan trọng không phải là “tầm cỡ”, là “ kiểu mẫu” mà chất lượng sống đô thị mang lại cho người dân là gì; khả năng dung nạp để phát triển đô thị, tài nguyên, năng lực tài chính và nhân lực; đặc biệt là sức hút của đô thị trong tương quan so sánh với sự phát triển của hệ thống đô thị cả nước, khu vực và quốc tế. Theo đó, Cần Thơ phải làm được vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL, hoàn chỉnh các tiêu chí của đô thị loại I; phát huy lợi thế các dự án đầu tư chiến lược của Nhà nước tại vùng ĐBSCL để xây dựng một đô thị không cần quy mô lớn về dân số, về diện tích đô thị, về tầng cao công trình, mà là chất lượng đô thị và bản sắc của đô thị. Cần Thơ không nên phát triển quá 2 triệu người (trong đó dân số đô thị khoảng 1,6-1,7 triệu người). Định hướng phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ theo hướng công nghệ cao, ít sử dụng lao động.

Về giải pháp phát triển đô thị trước BĐKH, đây là một trong những nhiệm vụ của điều chỉnh QH chung các đô thị giai đoạn 2010-2030 tầm nhìn 2050. Báo cáo dự án chỉ đề cập đến ý tưởng về kiến tạo địa hình thích ứng với BĐKH, mà chưa đưa ra các kịch bản và các dự án chiến lược đảm bảo sự phát triển bền vững trước BĐKH. Cần Thơ chắc chắn đã có kịch bản vì ĐBSCL là nơi trọng tâm bị tác động bởi BĐKH của Việt Nam. Đây là một nội dung rất quan trọng trong đồ án QH này. Bởi nó có thể điều chỉnh hoặc thay đổi cơ cấu, cấu trúc đô thị, kể cả hình ảnh đô thị, đồng thời đảm bảo tính khoa học, độ tin cậy về sự phát triển bền vững của Cần Thơ trước BĐKH.

Các dự án chiến lược đề cập trong đồ án này là quan trọng nhưng lệ thuộc nhiều vào khả năng, tiến độ thực hiện của Chính phủ mang tính toàn vùng. Nếu các dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ chưa đầu tư; cầu Cần Thơ 3 chưa hình thành, thì chắc chắn đô thị Ô Môn, Thốt Nốt không có động lực để phát triển. Cũng theo đó, cảng biển qua kênh Quan Chánh Bố chưa hình thành, thì việc xây dựng khu công nghiệp cảng ở quận Cái Răng còn gặp nhiều khó khăn. Nên chăng, cần xây dựng một dự án chiến lược nhưng mang tính chủ động của thành phố về chỉnh trang, nâng cấp đô thị hiện hữu, trong đó cần coi trọng đầu tư trục đô thị đối ngoại từ sân bay Trà Nóc về trung tâm thành phố hiện nay (đường Võ Văn Kiệt - Mậu Thân). Ấn tượng, sự hấp dẫn đầu tư của thành phố về thương mại, dịch vụ... ở trục này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đô thị. Mặt khác, cần coi trọng tạo dựng cơ sở hạ tầng để xây dựng các cơ sở đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực nông-thủy sản tại Cần Thơ, nhằm thực hiện mục tiêu là trung tâm về đào tạo, nghiên cứu khoa học của vùng, của đất nước, tiến tới là khu vực.

Theo kinh nghiệm và thực tiễn xây dựng, ở Cần Thơ nên chọn giải pháp đô thị nén cho vùng phát triển; đô thị tập trung (cho khu vực Cần Thơ hiện nay) cũng như đô thị Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng trong tương lai. Đồng thời khống chế tầng cao tối đa khoảng 9-12 tầng (trừ trường hợp cá biệt tạo điểm nhấn), tầng cao trung bình khoảng 4 tầng. Với quan điểm này, trong QH phải tính đến quy mô sử dụng đất cho đô thị hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. TP Cần Thơ mặc nhiên đã được xác lập là trung tâm vùng trong quá trình phát triển. Chính phủ đã tập trung đầu tư để thông đường-cầu; thông bầu trời và thông biển sau 20 năm phấn đấu. Đó là tiền đề quan trọng. Trước BĐKH, khủng hoảng kinh tế - lạm phát, chúng ta còn gặp nhiều thách thức, khó khăn trong phát triển thành phố. Do vậy, dự báo càng sát với thực tiễn phát triển, không thổi phồng nhưng cũng không quá tự ti sẽ giúp cho thành phố lựa chọn đúng mục tiêu và dự án đầu tư để phát triển bền vững, xây dựng Cần Thơ thành đô thị đáng sống...

THIỆN KHIÊM (lược ghi)

Chia sẻ bài viết