01/09/2016 - 20:31

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012

Xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua hợp tác xã

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa TP Cần Thơ tích cực đổi mới phương thức hoạt động, chủ động liên kết, hợp tác sản xuất để tạo ra nguồn hàng phong phú, có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đảm bảo… Nhờ đó, cùng với những trợ lực từ các ngành chức năng đã giúp các HTX nông nghiệp gia tăng chuỗi giá trị hàng nông thủy sản, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Hiệu quả bước đầu

Ông Nguyễn Anh Thùy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ có nhiều bước chuyển tích cực. Trong đó, nổi bật là việc hỗ trợ các HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã góp phần nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ quản lý HTX, gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các HTX nông nghiệp. Từ ngày 1-7-2013, khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, Sở NN&PTNT thành phố đã phối hợp cùng Liên minh HTX TP Cần Thơ tổ chức khoảng 29 lớp bồi dưỡng kỹ năng quản trị cho cán bộ chủ chốt tại các HTX nông nghiệp. Đồng thời, tập huấn kỹ năng quản lý điều hành, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản… cho các HTX trên địa bàn thành phố. Qua 3 năm triển khai Luật HTX năm 2012, đến nay, thành phố có 50/92 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đạt hơn 54%.

 Hợp tác xã hoa kiểng Bình An (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) được ngành chức năng quận và thành phố hỗ trợ nhiều giống hoa cấy mô với đặc tính tốt..., góp phần mang lại hiệu quả sản xuất và tăng lợi nhuận cho thành viên HTX.

Để hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Sở NN&PTNT thành phố đã triển khai nhiều chương trình khuyến công, đào tạo nghề. Đồng thời, triển khai nhiều đề tài, dự án hỗ trợ các HTX thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, bảo quản, chế biến nông sản, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng hàng nông sản, xây dựng quảng bá thương hiệu, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho các HTX. Trong đó, có nhiều chương trình, đề án hỗ trợ kinh phí mua máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy phun thuốc,… Ngoài ra, hỗ trợ làm đê bao khép kín để nông dân sản xuất theo đúng lịch thời vụ; chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân tham gia vào các HTX… Song song đó, thành phố còn tổ chức nhiều hội thảo, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá hàng nông sản của các HTX nông nghiệp. Từ đó, giúp các HTX nông nghiệp liên kết ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Cùng với hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ chủ động đổi mới phương thức hoạt động liên kết hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đây được xem là một bước tiến lớn, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Phần lớn các HTX nông nghiệp chủ yếu thực hiện các dịch vụ sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ cho các thành viên. Ngoài ra, các HTX nông nghiệp còn chủ động nâng cao năng lực hoạt động, sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đủ các yêu cầu của thị trường, góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân tham gia vào HTX. Hiện có nhiều HTX điển hình chế biến xuất khẩu gạo, nuôi cá tra xuất khẩu có doanh thu lớn, như: HTX Nông nghiệp Thủy sản Thắng Lợi, HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt… Các HTX này thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp từ đầu tư sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Nổi bật trong phương thức hoạt động là các HTX rau an toàn, như: Hòa Phát, Long Tuyền và Phúc Thạnh liên kết với nhau thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp từ rau an toàn vào tháng 6-2014. Sự liên kết này không chỉ góp phần nâng cao kỹ thuật sản xuất giữa các thành viên HTX với nhau mà còn tạo ra nguồn hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần đưa rau an toàn phát triển theo hướng an toàn, bền vững… Cùng với những nỗ lực từ các HTX, sự hỗ trợ của các ngành chức năng về đào tạo nhân lực, về vốn, khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu… đã và đang giúp các HTX định hướng đúng đắn trong xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác. Từ đó, tạo động lực cho các HTX cùng liên kết, cùng sản xuất tạo ra nguồn hàng với sản lượng lớn, có chất lượng đồng đều, có truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đảm bảo an toàn chất lượng… đáp ứng các yêu cầu thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần tăng sức cạnh tranh và giá trị cho các mặt hàng nông thủy sản.

Phát triển theo chuỗi giá trị

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo bồi dưỡng về Luật HTX năm 2012; triển khai các nội dung về đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ điều hành các HTX nông nghiệp. Tuyên truyền sâu sát thực tế bằng nhiều hình thức, phát động phong trào thi đua sản xuất ở nông thôn để người dân hiểu và tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác. Đồng thời, phối hợp cùng Liên minh HTX thành phố và các địa phương khảo sát, đánh giá hoạt động các HTX nông nghiệp. Từ đó, vận động các HTX làm ăn có hiệu quả mở rộng các dịch vụ đầu vào, đầu ra…; hỗ trợ các HTX xây dựng kế hoạch đổi mới, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, mở rộng thị trường, liên kết với các HTX nông nghiệp với nhau để nâng cao chất lượng hoạt động, hướng tới thành lập liên hiệp HTX trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tập trung phát triển các mô hình HTX điển hình có thế mạnh trong từng lĩnh vực để làm mô hình thí điểm nhân rộng trên địa bàn thành phố. Xây dựng từ 3-5 mô hình HTX nông nghiệp điểm trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của địa phương. Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các ngành hữu quan trong công tác hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Sở NN&PTNT TP Cần Thơ sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình HTX nông nghiệp, tổ hợp tác gắn với chuỗi giá trị nông sản an toàn và có giá trị. Thực hiện các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân sản xuất tại các cánh đồng lớn thông qua HTX và tổ hợp tác. Song song đó, tập trung thực hiện thí điểm hoàn thiện mô hình HTX, liên hiệp HTX sản xuất các sản phẩm chủ lực, như: lúa gạo, thủy sản và trái cây. Tại mỗi quận, huyện sẽ có ít nhất 5 HTX, tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, cánh đồng lớn sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ nông nghiệp có hiệu quả… Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế. Trong đó, thực hiện hỗ trợ và xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị phù hợp với từng ngành hàng nông sản. Rà soát quy hoạch tổng thể vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng. Mở rộng quy mô sản xuất để tạo ra lượng sản phẩm lớn, chất lượng đồng đều cung cấp cho doanh nghiệp. Tranh thủ các nguồn vốn, chương trình dự án từ các tổ chức phi Chính phủ, chương trình VNSAT… để hỗ trợ sự phát triển cho các HTX. Triển khai có hiệu quả giai đoạn 2 của Đề án Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố…

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết