05/03/2024 - 09:20

Xác định nhiều hóa chất nông nghiệp liên quan đến bệnh Parkinson 

Nghiên cứu gần đây cho thấy thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ góp phần làm tăng tỷ lệ mắc hội chứng liệt rung - bệnh Parkinson - ở một số vùng của Mỹ. Những phát hiện mới “đáng quan ngại” này nhấn mạnh sự cần thiết phải có những nghiên cứu sâu hơn và thúc đẩy giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp để hạn chế nguy cơ mắc căn bệnh thoái hóa thần kinh này.

Ảnh: Earth.com

Trong nghiên cứu công bố tại Hội nghị thường niên lần thứ 76 của Viện Thần kinh học Mỹ, các nhà khoa học của Viện Thần kinh học Barrow ở Phoenix (bang Arizona) đã chỉ ra mối liên quan giữa thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ với bệnh Parkinson ở một số vùng của nước này.

Các chuyên gia đã kiểm tra tỷ lệ mắc bệnh Parkinson trên khắp nước Mỹ và so sánh tỷ lệ đó với mức độ sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ trong từng khu vực địa lý. Tiến sĩ Brittany Krzyzanowski, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết những nơi cho thấy mối quan hệ mạnh nhất giữa mức độ sử dụng các hóa chất trên và tỷ lệ cao mắc bệnh Parkinson là một số khu vực ở bang Colorado, Idaho, Kansas, Montana, Nebraska, Nevada, New Mexico, North Dakota, Oklahoma, South Dakota, Texas, Utah và Wyoming.

Nghiên cứu cũng xem xét hồ sơ từ 21,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế quốc gia Medicare để xác định tỷ lệ mắc bệnh Parkinson ở các vùng khác nhau trên cả nước, sau đó tìm hiểu mối quan hệ giữa tỷ lệ mắc bệnh Parkinson và việc sử dụng 65 loại hóa chất nông nghiệp. Họ phát hiện rằng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ Simazine, Atrazine và Lindane có liên quan mạnh nhất với bệnh Parkinson.

Khi chia đối tượng nghiên cứu thành 10 nhóm dựa trên mức độ tiếp xúc với thuốc trừ sâu, các chuyên gia phát hiện những người sống ở nơi có mức độ sử dụng thuốc diệt cỏ Simazine cao nhất có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn 36% so với ở nơi có mức độ phơi nhiễm thấp nhất. Cụ thể, ở các quận có mức phơi nhiễm Simazine cao nhất, cứ 100.000 người thì có 411 ca bệnh mới, so với 380 ca ở các quận phơi nhiễm thấp nhất.

Tương tự, những người tiếp xúc thuốc diệt cỏ Atrazine nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao hơn 31% so với những người tiếp xúc ít nhất. Ở các quận có mức phơi nhiễm Atrazine cao nhất, cứ 100.000 người thì có 475 ca Parkinson mới, so với 398 ca ở các quận phơi nhiễm thấp nhất.

Đối với thuốc trừ sâu Lindane, những người tiếp xúc nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 25%. Ở các quận có mức phơi nhiễm Lindane cao nhất, cứ 100.000 người thì có 386 ca bệnh Parkinson mới, so với 349 ca ở các quận phơi nhiễm thấp nhất.

Kết quả trên không đổi ngay cả khi đã tính đến các yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh Parkinson, như tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Krzyzanowski hy vọng các phát hiện mới sẽ thúc giục nhiều người thực hiện các bước nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh, bằng cách giảm mức độ sử dụng các loại hóa chất nông nghiệp.

T. TRÚC (Theo SciTechDaily, Earth.com)

Chia sẻ bài viết