24/04/2010 - 23:02

TP Cần Thơ

Xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý rác

Hiện nay, việc thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố chủ yếu do Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ đảm nhận.

UBND TP Cần Thơ đã giao cho Sở Xây dựng TP Cần Thơ xây dựng Đề án “Khuyến khích xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020”. Đề án này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các sở, ngành và các địa phương...

*THU GOM RÁC THẢI CHƯA TRIỆT ĐỂ

Theo đánh giá của Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cùng với sự phát triển của thành phố, chất thải rắn đang gia tăng nhanh chóng. Ước tính toàn thành phố thải ra khoảng 650 tấn chất thải rắn sinh hoạt mỗi ngày, nhưng tỷ lệ thu gom đạt thấp (khoảng 63% vào năm 2008, đến năm 2009 tỷ lệ này nâng lên không đáng kể), lượng rác còn lại được người dân thải vào các ao, sông, rạch... Năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa bàn các quận nội thành nhìn chung khá tốt; nhưng đối với các quận, huyện ngoại thành (Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh...) việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, các quận trung tâm thành phố như: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Ô Môn đang hợp đồng với Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ thu gom rác. Tổng lượng rác công ty này thu gom cao nhất là 450 tấn/ngày. Rác thải do Công ty Công trình đô thị thu gom ở 3 quận (Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy) được đem đổ tập trung tại Bãi rác Tân Long (ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Riêng rác thu gom ở quận Ô Môn được đổ tại bãi rác tạm trên địa bàn quận. Ở huyện Phong Điền, hiện lượng rác thu gom hàng ngày chỉ khoảng 0,95 tấn, còn lại 51,55 tấn rác/ngày chưa được thu gom và xử lý. Quận Thốt Nốt có lượng rác phát sinh hàng ngày là 41,5 tấn và tỷ lệ thu gom cũng chỉ khoảng 60%. Huyện Vĩnh Thạnh lượng rác phát sinh hàng ngày khoảng 5 tấn và tỷ lệ thu gom hiện nay là khoảng 40%.

Đối với chất thải rắn ở khu công nghiệp, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ phối hợp với Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ bố trí trạm lưu trữ, vận hành thử nghiệm thiết bị đốt rác nguy hại tại Khu công nghiệp Trà Nóc 1 và 2 để xử lý rác thải. Đối với chất thải rắn y tế, thành phố có 11 bệnh viện đa khoa, 8 bệnh viện chuyên khoa, 2 trường đào tạo nghiệp vụ y tế... với lượng rác phát sinh hàng ngày khoảng 2,42 tấn. Khối lượng chất thải rắn y tế tại các bệnh viện công lập và 2 bệnh viện tư nhân được thu gom và xử lý theo quy định; một số bệnh viện trang bị lò xử lý rác, phần lớn các bệnh viện xử lý rác tại lò đốt rác của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tuy nhiên, do chưa quản lý chặt chẽ rác thải y tế của các cơ sở y tế tư nhân nhỏ lẻ như: nhà thuốc, phòng mạch tư... nên rác thải y tế vẫn trộn lẫn với rác sinh hoạt...

*CẦN NHANH CHÓNG XÃ HỘI HÓA

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn để phấn đấu đạt tới mục tiêu 100% rác sinh hoạt được thu gom và xử lý hợp vệ sinh, 100% chất thải công nghiệp và rác thải nguy hại được thu gom và xử lý, đến năm 2015 thực hiện hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố và 100% chất thải y tế được xử lý đúng qui định...

Dự thảo Đề án “Khuyến khích xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020” được chia ra làm 2 giai đoạn thực hiện. Trong đó, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 sẽ tăng cường công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp-độc hại; xây dựng và đưa vào vận hành các trạm trung chuyển rác tại các quận, huyện; quy hoạch quản lý chất thải rắn. Đồng thời, triển khai xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại phường Phước Thới (quận Ô Môn) với qui mô 47 ha, công suất 700-1.000 tấn/ngày; xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh tạm thời qui mô 20 ha (trong thời gian nhà máy xử lý chất thải rắn xây dựng và sau khi bãi rác Tân Long lấp đầy, đóng cửa); xây dựng khu xử lý rác thải y tế tập trung... Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, phân loại rác thải tại nguồn; xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn... Dự thảo đề án cũng dự báo khối lượng chất thải rắn phát sinh đến năm 2015 khoảng 754 tấn/ngày, đến năm 2020 khoảng 870 tấn/ngày. Kinh phí dự kiến thực hiện đề án là hơn 1.150 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố hơn 100 tỉ đồng, vốn vay ODA 150 tỉ đồng và còn lại 900 tỉ từ các doanh nghiệp đầu tư...

Tại cuộc họp góp ý Đề án “Khuyến khích xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020” mới đây, các sở, ngành và các quận, huyện đã có nhiều đóng góp thiết thực để Sở Xây dựng hoàn thiện đề án. Ông Đỗ Ngọc Bắc, Phó Giám đốc Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ, nói: “Công ty rất ủng hộ đề án này, bởi vì hiện nay Công ty Công trình đô thị không thể đảm đương thu gom, vận chuyển, xử lý hết lượng rác thải của thành phố. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động này, đề án phải có giải pháp tài chính sao cho các đơn vị tham gia phải từ hòa vốn đến có lời, để các doanh nghiệp có điều kiện tái đầu tư, vì phương tiện thu gom và vận chuyển rác phải đầu tư lớn nhưng thời gian sử dụng mau hư hỏng. Đồng thời, Nhà nước nên đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển rác và thu phí các đơn vị sử dụng các trạm này (kinh phí xây dựng các trạm trung chuyển rất lớn). Mục tiêu của đề án phải làm giảm chi phí cho Nhà nước, nhưng đồng phải cũng phải tăng cường chất lượng phục vụ vệ sinh môi trường...”.

Nhiều ý kiến khác của các đại biểu cho rằng, việc phân kỳ đề án với giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 chỉ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 mới tập trung xã hội hóa là chưa phù hợp. Cần phải sớm triển khai xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố hiện nay, hướng tới thu gom và xử lý triệt để rác thải trên địa bàn thành phố, đảm bảo vệ sinh môi trường lâu dài, bền vững. Ngoài ra, đề án phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia; thành phố cũng nên có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Có như vậy mới có nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố trong thời gian tới...

Những ý kiến đóng góp sẽ được Sở Xây dựng tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện đề án. Hy vọng rằng Đề án “Khuyến khích xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020” sớm được UBND thành phố phê quyệt, để công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác trên địa bàn thành phố hoàn thiện hơn trong những năm tới...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết