26/05/2011 - 08:25

Windows 8 sẽ thoát khỏi "cáo ao Wintel"

Hôm 23-5, ông chủ tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới Steve Ballmer đã công bố phiên bản mới của hệ điều hành Windows, mang tên Windows 8, sẽ xuất hiện vào năm 2012. Đây là lần đầu tiên Microsoft chính thức khẳng định cái tên Windows 8 và thời điểm 2012. Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn “tin đồn”, song tạp chí PCWorld đã nắm được rất nhiều thông tin rằng hệ điều hành mới sẽ hỗ trợ hệ thống trên một chip (system-on-a-chip – SoC tích hợp tất cả thành phần của một máy tính vào một con chip) và các bộ xử lý ARM di động. Nó sẽ giúp mở ra một hướng phát triển máy tính mới và nói lời tạm biệt “Wintel”.

 

Theo trang web Windows 8 Italia, phiên bản mới của Windows rất có thể sẽ trang bị tính năng “hybrid boot” (khởi động lai) sử dụng chức năng ngủ đông (hibernation) cao cấp. Do đó, máy tính sẽ tắt và khởi động nhanh hơn, có thể trong vòng chỉ 20 giây. Windows 8 cũng sẽ hỗ trợ 3D, nhận diện khuôn mặt và tích hợp cửa hàng ứng dụng Microsoft. Điều này có vẻ như Microsoft sẽ đi theo xu hướng của thị trường máy tính bảng đang “nổi đình nổi đám”. Windows 8 cũng trở về với bộ xử lý ARM ít tiêu hao điện năng, hứa hẹn một sự thay đổi thực sự, một bước đi thoát khỏi các máy tính “Wintel” (Windows với bộ xử lý Intel) truyền thống quá cũ kỹ.

Kiến trúc chip ARM đã được sử dụng trong nhiều máy tính bảng. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn từ nền tảng x86 truyền thống mà Intel và AMD đã tạo ra, và rõ ràng là Microsoft đang xem máy tính bảng như hướng đi của tương lai. Kiến trúc x86 của Intel, đã tồn tại khoảng 20 năm, sẽ vẫn hỗ trợ những thiết bị Windows cũ và mới, nhưng nó có vẻ như Microsoft đang nỗ lực vượt ra ngoài “cái ao Wintel” và tìm hướng phát triển tốt hơn.

Cho tới thời điểm này trong năm nay, sự thâm nhập của Windows 7 vào thị trường máy tính bảng đã đi từ chậm rãi cho đến chững lại. Microsoft đang hướng đến tương lai. Ở đó, điều thú vị là Windows 8 sẽ hỗ trợ chức năng của máy tính bảng, bao gồm giao diện dựa trên cảm ứng và trình đơn dựa trên đồ họa phát triển hơn, cả ở dạng di động lẫn để bàn.

Liệu nó có thể thay đổi máy tính để bàn truyền thống thành một thiết bị giống máy tính bảng với màn hình cảm ứng mới? Điều này hoàn toàn có khả năng, nhưng Microsoft đang hướng nhiều hơn đến nâng cấp phần mềm so với phần cứng. Sở dĩ như thế là vì Windows 7 vẫn chưa đạt được sự đón nhận “nồng nhiệt” như các phiên bản trước.

Số người dùng gắn bó với Windows XP, hiện đã 10 năm tuổi, vẫn rất cao. Theo Consumer Reports, có đến 54% máy tính Windows vẫn chạy hệ điều hành Windows XP. Với triển vọng mở rộng chân trời di động của Windows 8, Microsoft đang “đặt cược” vào phiên bản mới để thúc đẩy doanh số.

LÊ PHI (Theo PCWorld)

Chia sẻ bài viết