Bài, ảnh: ÁI LAM
Theo kế hoạch, 15-3 là thời điểm Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế cả về đường không, đường bộ, đường biển; được xem là cơ hội vàng để phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn khiến các địa phương, doanh nghiệp du lịch còn nhiều trăn trở và nỗ lực vượt qua.
Du khách làm thủ tục tại Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ.
Vẫn chưa thống nhất các quy định
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 49.200 lượt, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 43.200 lượt, chiếm 87,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 135,4%. Ðiều này cho thấy khách sử dụng đường hàng không chiếm số lượng lớn.
Trên thực tế, Việt Nam đã dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ ngày 15-2-2022. Theo đó, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài được phép khai thác với tần suất, đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở các thỏa thuận tại hiệp định hàng không song phương, đa phương đã ký kết, không hạn chế tần suất khai thác như giai đoạn xảy ra dịch COVID-19. Hiện Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi, đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (so với lịch bay năm 2019, thời điểm trước dịch là 28 quốc gia và vùng lãnh thổ). Khi các đường bay quốc tế hoạt động trở lại sẽ tạo điều kiện kết nối thị trường du khách quốc tế. Trên cơ sở này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang xây dựng phương án để mở cửa du lịch từ 15-3.
Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn bởi các chính sách, quy định còn chồng chéo. Cụ thể, việc cấp thị thực là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển quốc tế. Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vaccine, giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhưng hiện mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Do đó việc đưa khách đi nước ngoài (outbound) sẽ bị hạn chế. Trong khi đó, các chính sách cấp visa dành cho du khách quốc tế đến Việt Nam cũng còn nhiều quy định gây khó cho du khách khi muốn nhập cảnh vào Việt Nam. Hiện Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia, trong khi nhiều quốc gia mở cửa du lịch khác trong khu vực rất thoáng về chính sách visa. Cụ thể như Thái Lan miễn cho 64 quốc gia, Singapore miễn cho khoảng 120-130 quốc gia… Khó khăn về visa sẽ tác động nhiều đến tâm lý du khách khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến.
Những quy định về y tế chưa thống nhất giữa các bên cũng khiến cho các hoạt động du lịch khó khăn. Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất khách nhập cảnh qua đường hàng không phải có chứng nhận tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh, cùng với kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR có giá trị 72 giờ hoặc kết quả xét nghiệm nhanh có giá trị 24 giờ trước khi đến Việt Nam. Khi hạ cánh xuống sân bay, khách đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký và thực hiện xét nghiệm tại cơ sở lưu trú. Du khách quốc tế sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như điều kiện của khách nội địa. Tuy nhiên, đề xuất từ Bộ Y tế lại quy định khắt khe hơn: du khách không ra khỏi nơi lưu trú trong 72 giờ; nếu có nhu cầu ra khỏi nơi cư trú sau 24 giờ thì mỗi ngày phải xét nghiệm. Với những quy định như thế không chỉ du khách quốc tế mà các đơn vị lữ hành cũng phải đau đầu.
Mở cửa an toàn nhưng cần thông thoáng
Mở cửa du lịch trên cơ sở đảm bảo an toàn, hiệu quả nhưng cũng cần phải đảm bảo linh loạt và phù hợp. Vấn đề đặt ra ở đây chính là nguồn khách. Nếu như các quy định quá khắt khe, du khách quốc tế hẳn sẽ cân nhắc lựa chọn điểm đến khác ngoài Việt Nam. Thêm vào đó, lộ trình đón khách quốc tế cần sớm được thống nhất để các đơn vị lữ hành và các ngành dịch vụ liên quan có những phương án quảng bá, tiếp cận thị trường hiệu quả. Theo dự đoán của các đơn vị lữ hành, các dòng khách từ khu vực Ðông Bắc Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… ít nhất đến quý III năm 2022 mới trở lại. Trong khi đó, dòng khách châu Âu có khả năng sớm hơn. Tuy nhiên, đặc tính của du khách quốc tế thường có kế hoạch du lịch trước từ 3-6 tháng. Do đó, nếu như Việt Nam không sớm đưa ra phương án mở cửa phù hợp thì rất có khả năng sẽ bị khách quốc tế bị bỏ qua khi đưa vào kế hoạch du lịch.
Victoria Mekong Cruises đón khách quốc tế từ tháng 6-2022. Trong ảnh: Du khách tham quan quầy lưu niệm trên du thuyền Victoria Mekong Cruises.
Ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc du thuyền Victoria Mekong Cruises, cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã có những khách quốc tế đặt sê-ri từ tháng 6 này, tuy nhiên sớm nhất là tháng 8 các dòng khách quốc tế mới trở lại Việt Nam. Thực tế thì khách quốc tế họ thường có kế hoạch du lịch từ rất sớm, do đó khi đón đầu dòng khách này, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Dự đoán đến năm 2023 thị trường khách quốc tế mới có thể dần khôi phục nhưng với điều kiện là các chính sách phải rõ ràng, thông thoáng”. Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Du lịch Hồng Hiếu (Hieutour Co., Ltd), một trong những đơn vị chuyên đón khách quốc tế tại Cần Thơ, cho biết: “Muốn mở cửa du lịch quốc tế thì phải có những cơ chế mở, các chính sách, quy định cũng cần thống nhất và đơn giản. Như vậy mới tạo được hành lang kết nối giữa các bên, tạo được sự hiệu quả trong quá trình phục hồi du lịch”.
Bên cạnh các chính sách từ cơ quan chức năng thì sự phối hợp giữa các đơn vị hàng không với các doanh nghiệp du lịch, hay các ngành hữu quan cũng là yếu tố quan trọng tác động đến quá trình phục hồi du lịch. Sự cân bằng giữa cung cầu của thị trường khách đi và đến rất quan trọng, bởi nó sẽ tác động làm giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá thành chi phí của các công ty du lịch, góp phần kích cầu du lịch hiệu quả hơn. Do đó, các đơn vị hàng không, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến, điểm lưu trú đang có xu hướng bắt tay nhau liên kết để tạo ra những gói sản phẩm liên kết chất lượng, hợp lực để để hỗ trợ nhau gia tăng nguồn khách và thị trường tiềm năng. Cụ thể như, sự hợp tác giữ Vietnam Airlines với Tập đoàn Thiên Minh (chủ hệ thống lưu trú nghỉ dưỡng Victoria và nhiều dịch vụ du lịch khác), hay hợp tác giữa Tập đoàn SunGroup với Vietnam Airlines…
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho biết: “Mở cửa du lịch hiện nay đã khác với giai đoạn trước. Chúng ta vẫn lấy yếu tố an toàn làm nền tảng nhưng an toàn ở đây chính là tạo cảm giác an toàn trước các tình huống rủi ro. Nghĩa là mình phải chú trọng các quy trình sao cho đơn giản và tạo tâm lý thoải mái cho du khách khi đến. Bên cạnh đó, phải có sự hỗ trợ gỡ khó cho các doanh nghiệp du lịch và người lao động trong ngành. Như vậy, mới tạo động lực để các đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn này, góp phần phục hồi du lịch nhanh chóng hơn”.
Mở cửa thị trường quốc tế là cơ hội để du lịch Việt Nam sớm phục hồi. Tuy nhiên, các khó khăn phải được tháo gỡ phù hợp, nhất là các quy định liên quan đến chính sách nhập cảnh và y tế. Các quy định này cần được thống nhất sớm, đơn giản và thông thoáng, như vậy mới có thể đón đầu dòng khách quốc tế trở lại hiệu quả.