02/08/2009 - 10:58

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tín

Vượt gian khó thực hiện ước mơ

Cô Nguyễn Thị Tín, giáo viên Trường Tiểu học số 2 phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, là một trong những nhà giáo của TP Cần Thơ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú trong năm 2009. Có tham gia những giờ dạy, chứng kiến lòng say mê, tỉ mỉ làm từng đồ dùng dạy học mới hiểu hết tâm huyết và tình yêu nghề, thương học sinh của cô. Tâm huyết và tình yêu ấy càng sâu sắc hơn khi con đường đi đến bục giảng của cô đầy gian truân vất vả với không ít lần tưởng chừng phải bỏ dở...

* 3 lần bỏ học...

Năm lớp 4, gia đình chuyển từ TP Cần Thơ (cũ) về xã Thới Thạnh, huyện Ô Môn (cũ) sinh sống, nên cô Tín phải bỏ dở việc học. Cô là con gái thứ hai trong gia đình có 9 anh chị em. Cả gia đình sống bằng nghề may của ba cô, nhưng những năm sau giải phóng, đời sống khó khăn, chẳng có mấy ai sắm sửa quần áo nên nhà cô Tín phải làm thuê kiếm sống. Con cái nheo nhóc, không thể cùng lúc lo ăn lo học cho tất cả, ba mẹ cô Tín quyết định cho con nghỉ học bớt. Là chị lớn, cô Tín nhường cho các em được tiếp tục đến trường.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Tín. 

Mùa nước nổi, cô bơi xuồng đưa em đi học. Trong lúc ngồi chờ rước em về, cô tranh thủ vừa câu cá trước cửa lớp vừa nghe lén cô giáo giảng bài. Nghe riết rồi nhớ bài lúc nào không biết. Cô Tín kể: “Khi em gái tôi vào học lớp 5 được 3 tháng, thì cô giáo hỏi tôi có muốn đi học không. Tôi trả lời rằng mình không tiền, không học bạ nên không học được”. Thấy cô Tín ham học, cô giáo liền cho tập, đóng tiền để cô Tín được vào học cùng em gái. Không phụ lòng của cô giáo, cô Tín học rất giỏi. Hết năm lớp 5, cả hai chị em cô đều đậu vào lớp 6, Trường Phổ thông Võ Sông Nhơn (nay là Trường THCS Phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn). Với cô Tín, được đến trường là một món quà quí báu nên rất trân trọng và tận dụng từng giây phút để học thật giỏi. Ngoài giờ học, cô Tín phải cắt lúa mướn, hái rau mang ra chợ bán, ban đêm thì đi giăng lưới bắt cá... Không ngày nào cô Tín có thể ngủ sớm. Cô cười rồi nhắc lại: “Cực vậy nhưng vui lắm vì mấy chị em đều được đi học”.

Thế nhưng chưa kịp vui mừng lâu thì năm học lớp 8, cô Tín phải nghỉ học để làm thêm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Không biết bao lần cô đã khóc vì nhớ trường lớp, nhớ bạn bè và tiếc nuối ước mơ không thể thực hiện được. Cô Ngô Thị Nguyệt, giáo viên dạy môn Văn của cô Tín thời cấp 2, kể về cô học trò nghèo của mình: “Nhà nghèo, Tín chăm, ngoan và học rất giỏi. Vừa phải giữ em, vừa làm thuê phụ gia đình, nhưng Tín không bao giờ bỏ học. Sự cẩn thận, chịu thương, chịu khó của Tín luôn làm tất cả giáo viên hài lòng”. Nghỉ học ở nhà phụ gia đình, cô Tín thường tránh mặt các bạn cùng lớp, tránh đi ra đường vào giờ tan học để khỏi phải nhìn bạn bè cùng trang lứa mà tủi thân. Cô Tín nhớ lại: “Nghỉ học là tôi lao vào làm thuê để có tiền đong gạo cho gia đình. Cứ nghĩ làm việc mệt mỏi cả ngày, tối về nằm xuống là ngủ nhưng không hiểu sao tôi không chợp mắt được, nước mắt cứ trào ra”.

Thấy con gái khóc hoài, ba mẹ của cô Tín quyết định cho cô đi học lại. Trở lại trường, cô càng cảm nhận sâu sắc hơn sự quí báu của việc học tập nên càng chăm chỉ. Kết quả, cô luôn là một trong những học sinh đứng đầu lớp. Học hết cấp II, gia đình không có khả năng lo cho cô vào học cấp III, cô Tín đành an phận về nhà, theo nghề cha, làm thợ may... Cứ nghĩ như thế là cuộc đời mãi mãi gắn với kim, chỉ, bàn máy... Thế nhưng, vận may lại đến với cô một lần nữa khi ngành giáo dục huyện Ô Môn (cũ) tuyển sinh các lớp đào tạo giáo viên tiểu học trình độ 9+3. Biết con gái ham học và mơ ước trở thành giáo viên, nên ba mẹ cô động viên cô theo học lớp này. Cô Tín kể: “Không có tiền mua quần áo cho con gái, ba tôi sửa lại hai bộ đồ của ba cho tôi mặc. Lúc ấy, niềm vui được đi học quá lớn, lấn át cả những mặc cảm nghèo khó”.

* Tâm huyết với học sinh

Từng trải qua tuổi thơ nghèo khó, vất vả với bao lần bỏ học, cô Tín rất thương yêu và quan tâm đến hoàn cảnh học sinh của mình. Đứng trên bục giảng, cô tâm huyết truyền thụ kiến thức đến học sinh với hy vọng góp phần tạo cho các em nền tảng tri thức vững chắc khi bước vào đời. Cô Đặng Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Phường Châu Văn Liêm, nhận xét: “Cô Tín không chỉ chịu thương, chịu khó trong công việc mà còn là một giáo viên tâm huyết và đặc biệt rất yêu thương học sinh”. Tình yêu nghề được cô thể hiện bằng những hành động cụ thể để hoàn thành tốt công việc của mình. Nhìn cô Tín mày mò với bảng điểm 10, chăm chú thực hiện các đồ dùng dạy học nhỏ nhắn... mới thấy hết tấm lòng của cô. Cô Tín nói: “Bảng điểm 10 là cách tôi kích thích học sinh tham gia vào các tiết học một cách nhiệt tình, giúp các em tự tin hơn. Đối với các phương pháp mới hiện nay, yêu cầu dạy theo phương pháp trực quan, sinh động là rất cần thiết nên tôi dành nhiều thời gian để làm đồ dùng dạy học, giúp các em tư duy bài học hiệu quả hơn”. Có lẽ vì vậy mà năm học nào đồ dùng dạy học của cô Tín cũng đoạt giải cao ở các cuộc thi đồ dùng dạy học cấp quận, cấp thành phố.

Hầu hết phụ huynh có con học với cô Tín đều nhận xét cô không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh, mà còn giáo dục nhân cách các em qua từng lời ăn tiếng nói hằng ngày. Nhờ vậy, học sinh ngoan hơn và biết quan tâm tới các bạn hơn. Dạy 2 buổi mỗi ngày, lại phải dành thời gian chăm sóc mẹ già nhưng cô Tín vẫn đảm nhận tốt vai trò của một trưởng ban nữ công và kế toán Công đoàn trường. Cô Ngô Thị Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn trường, nhận xét: “Cô Tín luôn quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp, nhất là những giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm thực tế, còn hụt hẫng trong chuyên môn”.

* * *

Gắn bó với trường lớp hơn 20 năm, bề dày thành tích của cô Tín khá ấn tượng: hơn 10 năm liên tục là giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố; đạt giải thưởng Võ Trường Toản, viên phấn trắng cấp thành phố, giáo viên viết chữ đẹp cấp quốc gia... Cô vừa được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Thế nhưng, phần thưởng quí báu nhất với cô chính là sự trưởng thành của các lớp học sinh. Dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn nhưng cô Tín rất lạc quan: “So với 30 năm trước, hoàn cảnh hiện tại của tôi đã khá hơn rất nhiều. Ước mơ làm cô giáo của tôi đã trở thành sự thật. Bây giờ, tôi mang hết sức mình để dạy dỗ các em”.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết