08/08/2023 - 14:58

Vươn lên sau vấp ngã 

Bài, ảnh: HIỂN DƯƠNG

Với chính sách khoan hồng của Ðảng, Nhà nước, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương, nhiều người sau khi vấp ngã đã nỗ lực sửa đổi bản thân, làm lại cuộc đời, trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội. Anh P.H.L, 33 tuổi; chị Ð.T.K.Q, 34 tuổi, cùng ngụ xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, là hai trong nhiều trường hợp đã vững bước đứng lên sau lần vấp ngã. 

Công an xã Đông Hiệp hướng dẫn chị Q thực hiện thủ tục hành chính.  

Dẫu con đường hoàn lương không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh P.H.L luôn nỗ lực và có nhiều tiến bộ sau khi được chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương giáo dục, cảm hóa.

Nhắc lại chuyện cũ, anh L kể: “Gia cảnh túng quẫn, tôi suy nghĩ nông cạn, nên làm bậy, ra tay trộm cắp tài sản của người dân trong xóm. Sau đó, vụ việc bị phát hiện. Tôi bị tòa án xử phạt 9 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo”. Mỗi khi nhắc tới chuyện này, anh Liêm luôn hối hận và mang nặng mặc cảm với bà con xóm giềng.

Với tâm lý tự ti, anh L suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà. Tuy nhiên, được gia đình động viên, sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh đã vượt qua mặc cảm, quyết tâm sửa sai để trở thành người có ích. Học hành dở dang, bằng cấp và nghề nghiệp không có, anh L xin làm phụ hồ. Ngày qua ngày, anh chịu khó làm việc. Tiền công dù ít nhưng anh luôn thấy hài lòng và hạnh phúc, bởi đó là đồng tiền lương thiện kiếm được từ mồ hôi, công sức của bản thân.

Anh L lao vào công việc để bù đắp lại quãng thời gian đã mất, nhằm vực dậy cuộc sống của bản thân và gia đình. Sau khi lành nghề, anh được lên thợ hồ, thu nhập 300.000 đồng/ngày. Chị T.T.B - vợ anh L, bộc bạch: “Dù kinh tế gia đình còn thiếu trước hụt sau, nhưng tôi luôn động viên chồng chí thú làm ăn, ổn định cuộc sống, chăm lo cho 2 con ăn học”.  

Chị Ð.T.K.Q sau 9 tháng chấp hành án về tôi đánh bạc, trở về quê năm 2022, chị được chính quyền, gia đình, hàng xóm động viên và đã vững tin tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, chị bán tiệm tạp hóa, thu nhập ổn định. Chị Q bộc bạch: “Trong khoảng thời gian chấp hành án, nhiều đêm tôi không hề chợp mắt, nhất là khi nghĩ đến hình ảnh mẹ già, chồng con buồn rầu, mặc cảm với bà con lối xóm. Từ đó, tôi quyết tâm lao động, cải tạo tốt để sớm đoàn tụ cùng gia đình”.

Trung tá Ðào Quang Hiếu, Trưởng Công an xã Ðông Hiệp, cho biết: “Sau thời gian được chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương giáo dục, cảm hóa, đến nay, anh L, chị Q đã có nhiều tiến bộ, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, cả hai còn tích cực tham gia các phong trào, nhất là việc giữ gìn an ninh trật tự; tuyên truyền, vận động thanh niên trong ấp chấp hành tốt các quy định pháp luật”.

Thực chất, con đường hoàn lương đối với những mảnh đời lầm lỡ rất chông gai, nhưng với điểm tựa vững chắc từ chính quyền địa phương và gia đình, cộng với ý chí, quyết tâm làm lại cuộc đời, anh L, chị Q đã vượt lên chính mình, cố gắng lao động, ổn định cuộc sống; đồng thời chung sức giữ gìn trật tự địa phương, trở thành người hữu ích cho gia đình và cộng đồng.

Chia sẻ bài viết