Vươn lên làm giàu từ cây lúa
Với tinh thần chịu khó làm ăn, nhà nông Nguyễn Văn Phán, ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi, áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa chất lượng cao. Với nỗ lực và quyết tâm vươn lên làm giàu từ cây lúa, đến nay nhà nông Nguyễn Văn Phán đã xây được ngôi nhà ở khang trang và sở hữu trên 3ha đất trồng lúa, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình hơn 1 tỉ đồng/năm. Cùng đó, với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thịnh Phát, ông Phán đã dìu dắt 24 thành viên cùng 100 hộ nông dân cùng nhau canh tác lúa chất lượng cao trên 3 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 1.500ha, từng bước phát triển kinh tế ổn định cho xã viên trong HTX.
Ông Nguyễn Văn Phán giới thiệu giống lúa chất lượng cao được canh tác ở cánh đồng lớn trên địa bàn xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.
Vượt khó, vươn lên...
Ông Nguyễn Văn Phán sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông ở Kênh E, ấp E1, xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Sau khi lập gia đình, ông Phán được cha mẹ cho 5 công ruộng và qua nhiều năm gắn bó với nghề trồng lúa, ông Phán đã không ngừng nỗ lực, chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, từng bước đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa Ðài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 34 đạt chất lượng cao theo xu hướng của thị trường. Nhờ đó, mỗi khi vào vụ thu hoạch, lúa của gia đình ông Phán đều được thương lái thu mua với giá cao, giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định. Ông Phán còn mạnh dạn sản xuất nhiều loại lúa giống trên ruộng nhà và từng bước nhân rộng cho bà con xung quanh. Từ đó, ngày càng “ăn nên, làm ra” và bắt đầu tích góp tiền mua thêm đất, từng bước mở rộng diện tích canh tác. Hiện ông Phán sở hữu trong tay 3ha đất chuyên trồng lúa hàng hóa và lúa giống chất lượng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình trên 1 tỉ đồng mỗi năm.
Kể về quá trình gắn bó làm nghề nông qua 40 năm tại Kênh E, ấp E1, xã Thạnh An, ông Phán, chia sẻ: Trước đây làm lúa theo cách cũ, năng suất thấp, giá lúa lại lên xuống thất thường, nên cuộc sống gia đình tôi luôn thiếu trước hụt sau. Không cam chịu với nguồn lợi thu về không được bao nhiêu từ nghề nông, do đó ông Phán đã chịu khó tìm tòi, học hỏi kiến thức làm nông theo xu hướng mới, tham gia nhiều lớp tập huấn do ngành Nông nghiệp tổ chức để nắm bắt được các kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây lúa; kết hợp tham quan thực tế nhiều mô hình canh tác lúa chất lượng cao trong và ngoài địa phương… Qua đó, ông Phán đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, từng bước áp dụng có hiệu quả quy trình canh tác lúa theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” để giảm chi phí đầu tư sản xuất, mà vẫn đảm bảo tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Không chỉ dừng lại đó, ông Phán còn khởi xướng làm lúa giống để sử dụng trên ruộng nhà và chia sẻ cách làm cho bà con nông dân xung quanh. Qua nhiều năm sản xuất, đến nay các giống lúa như OM 18, OM 5451, OM 34 do ông Phán làm ra cho năng suất và chất lượng cao, do thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, nhất là có đặc tính tốt, khả năng chống chịu đổ ngã, nên dễ chăm sóc trong mọi điều kiện thời tiết, thời gian sinh trưởng từ gieo, sạ đến thu hoạch chỉ có 95 ngày, lại có đầu ra ổn định, nên được nhiều bà con nông dân ở tuyến Kênh E, ấp E1 tin tưởng và làm theo để gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống gia đình.
Dìu dắt nông dân trồng lúa chất lượng cao
Không chỉ vượt khó, vươn lên làm giàu cho bản thân, ông Phán còn tích cực vận động bà con nông dân trong vùng tham gia các lớp tập huấn sản xuất lúa theo hướng chuyên canh, chất lượng cao do ngành Nông nghiệp tổ chức, từ đó đã giúp nhà nông nâng cao kỹ thuật canh tác, sản xuất lúa ngày càng đạt năng suất và chất lượng cao theo xu hướng của thị trường. Với sự năng nổ và tích cực của ông Phán, năm 2018, khi chính quyền địa phương vận động thành lập HTX Thịnh Phát, ông Phán được bầu làm giám đốc HTX cho tới nay. Theo đó, ông Phán cùng với 24 thành viên trong HTX bắt tay hợp tác sản xuất lúa Ðài Thơm 8, OM 5451, OM 34 theo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ đó, lúa của HTX làm ra đều được các thương lái và doanh nghiệp đặt cọc thu mua với giá cao hơn giá thị trường, giúp các thành viên nâng cao lợi nhuận, từ đó nâng cao uy tín của HTX trong lòng thành viên và ngày càng thu hút nhiều nông hộ tham gia. Qua 6 năm hình thành, đến nay HTX có 24 thành viên và hơn 100 hộ nông dân liên kết, sản xuất lúa hàng hóa tập trung trên 3 cánh đồng lớn, với tổng diện tích 1.500ha, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên và thành viên vào HTX.
Ðể HTX phát triển bền vững và trở thành chỗ dựa vững chắc cho thành viên và nông dân trong ngôi nhà chung. Ông Phán cùng với tập thể HTX Thịnh Phát rất chú trọng công tác đào tạo, hỗ trợ thành viên và nông dân trồng lúa trong HTX áp dụng tốt các kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng nhu cầu về chất lượng lẫn sản lượng theo đơn đặt hàng cho các đối tác, doanh nghiệp. Cùng đó, ông Phán còn tập hợp các thành viên có máy gặt đập liên hợp, máy bay không người lái để tổ chức mô hình cung cấp các dịch vụ thu hoạch lúa, gieo sạ lúa, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên và nông dân sản xuất lúa ở các cánh đồng lớn. Bên cạnh huy động tiềm lực của thành viên, HTX còn được ngành chức năng thành phố hỗ trợ 7 máy cày cùng 3 trạm bơm điện… Với cơ sở vật chất hiện có, HTX Thịnh Phát đã cơ bản cung cấp được 5 dịch vụ đầu vào, bao gồm: bơm tưới, làm đất, gieo sạ, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch lúa, phục vụ cho nhu cầu thành viên và nông dân đang canh tác ở 3 cánh đồng lớn của HTX.
Ông Nguyễn Văn Phán thăm hỏi tình hình cung cấp dịch vụ thu hoạch lúa của thành viên trong HTX Thịnh Phát.
Nhờ có ưu thế về số lượng thành viên đông và diện tích sản xuất lớn, nên HTX Thịnh Phát đã gầy dựng được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung có quy mô và dễ dàng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ðiều này không chỉ giúp HTX tiết giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường, mà còn dễ dàng thương thảo, ký kết hợp đồng tiêu thụ với nhiều đối tác, doanh nghiệp thu mua, giúp thành viên và nhà nông vào HTX bán được lúa với giá cao hơn giá thị trường. Theo ông Phán, bình quân mỗi hộ nông dân trong HTX có diện tích sản xuất từ 3-5ha, canh tác lúa 3 vụ/năm, với năng suất đạt trung bình từ 7,5-10 tấn/ha, tùy mùa vụ, sẽ cho thu nhập trên dưới 1 tỉ đồng/năm.
Với cách tổ chức dịch vụ hỗ trợ đầu vào và đầu ra bài bản cho thành viên cùng với sự tích cực hướng dẫn nhà nông tuân thủ quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn chất lượng của ông Nguyễn Văn Phán, Giám đốc HTX Thịnh Phát đã giúp HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, đem lại lợi ích và thu nhập cao hơn cho thành viên và nông dân vào HTX. Song để thích ứng với bối cảnh kinh tế thị trường, HTX Thịnh Phát tiếp tục phấn đấu tổ chức tốt và phát triển thêm dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường tích lũy để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại hơn để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm lúa giống cũng như cung cấp thêm nhiều dịch vụ, phục vụ ngày càng tốt hơn cho thành viên và bà con nông dân trong HTX. Ðồng thời, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa đạt chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của doanh nghiệp… Từ đó tạo nền tảng cho HTX phát triển ngày càng vững mạnh và trở thành mô hình điển hình, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế hợp tác, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bài, ảnh: MỸ HOA
Chia sẻ bài viết |
|