11/08/2009 - 20:19

Nghề khai thác biển ở Kiên Giang và Sóc Trăng

Vững vàng trước "đợt sóng" tăng giá xăng dầu

Trúng mùa biển, đội tàu khai thác của Công ty Khánh Hoàng (Sóc Trăng) phải huy động nhiều nhân công để giải phóng hàng nhanh cho tàu. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Mỗi khi xăng dầu tăng giá, hoạt động của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Trong “cái khó ló cái khôn” nhiều ngư dân ở Sóc Trăng và Kiên Giang đã biết cách liên kết để vững vàng ra khơi, bám biển...

NGƯ TRƯỜNG NHỘN NHỊP

Hiện nay, vùng biển Kiên Giang đang tấp nập tàu thuyền đánh cá của tỉnh và nhiều tỉnh bạn. Nếu như vùng biển Đông thường xuyên bị ảnh hưởng của những cơn bão đầu mùa thì vùng biển Tây ít chịu tác động nên ngư trường luôn nhộn nhịp. Đặc biệt, từ khi có sự hỗ trợ giá dầu theo Quyết định 289 của Thủ tướng Chính phủ, ngư dân Kiên Giang đã cải thiện đáng kể điều kiện khai thác. Nhiều hộ đã chủ động nâng công suất hoạt động của tàu, tăng hiệu quả khai thác. Ông Huỳnh Công Ba ở xã Nam Du (Kiên Hải), cho biết: “Gia đình tôi khai thác mực bằng ghe 5 tấn đã cũ, nhờ hỗ trợ của Chính phủ và tích lũy vốn đã đóng được ghe mới trọng tải gấp đôi, thu nhập gia đình khá hơn...”. Khi thực hiện Quyết định này, Kiên Giang đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để ngư dân đăng ký bổ sung. Vì vậy, số lượng phương tiện đăng ký đăng kiểm từ trên 7.200 chiếc lên hơn 10.000 chiếc. Nhiều phương tiện nhỏ tham gia đăng kiểm để được hỗ trợ, nâng cấp phương tiện, khai thác có hiệu quả và ổn định cuộc sống...

Tại Sóc Trăng, sau tác động của tăng giá xăng dầu, các ngư dân vẫn kiên trì bám biển. Ngư dân Diệp Văn Dẫn, chủ một ghe cào có công suất 350CV đang lên hàng tại cảng Trần Đề, huyện Long Phú, cho biết: “Chuyến đi biển chỉ 14 ngày mà đánh bắt được hơn 1 tấn mực nang xẻ và 7-8 tấn cá. Mấy tháng nay ghe lưới phải nằm bờ vì không có cá, nhưng ghe cào lại rất trúng. Với ghe cào chiếc như tôi, mỗi chuyến đi biển khoảng nửa tháng cũng kiếm lời khoảng trên 20 triệu đồng, còn những cặp cào đôi thì lời hơn nhiều. Mùa cào còn kéo dài đến hết tháng 9 nên tôi hy vọng vẫn tiếp tục kiếm ăn được”.

Vấn đề ngư dân quan tâm nhất hiện nay chính là sản lượng khai thác và giá cả tiêu thụ. Ông Tô Văn Long, bộc bạch: “Ngư dân chúng tôi phải tập làm quen với chuyện tăng giảm giá dầu, chỉ cần tình hình khai thác và giá ổn định như hiện nay thì nghề cào vẫn có thể bám biển được cho đến cuối vụ”.

THỊ TRƯỜNG ỔN ĐỊNH

Hiện nay, tại Kiên Giang, nhiều doanh nghiệp chế biến mực xuất khẩu chỉ hoạt động 30% công suất, nhưng lượng mực khai thác được vẫn tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa. Giá mực nang vẫn giữ ở mức khoảng 40.000 đồng/kg. Riêng các mặt hàng cá bán “sô”, giá tăng khoảng 500 đồng/kg. Trong khi giá dầu liên tục tăng 5 lần trong thời gian qua làm tăng chi phí mỗi chuyến biển lên khoảng 100 triệu đồng/cặp cào đôi. Đoàn Hồng Chương, chủ cặp cào đôi ở TP Rạch Giá, cho biết: “Trước đây, ngư dân gặp khó chủ yếu là giá nhiên liệu tăng, song giá bán cá lại không tăng hoặc tăng không đáng kể. Nhưng hiện nay, nhờ giá các loại thủy sản ổn định và đứng ở mức cao, nên trừ chi phí ngư dân vẫn còn lời...”.

Trong khi đó, ở Sóc Trăng, giá sản phẩm của nghề cào năm nay khá ổn định, ngay cả loại cá phân cũng bán được giá 3.000 - 3.200 đồng/kg. Theo ông Diệp Văn Dẫn, ngư dân ấp Trần Đề, xã Trung Bình, huyện Long Phú nói: “Chỉ cần trúng vài mẻ lưới cá bò trên chục tấn cũng đủ kiếm lời cho một chuyến biển, còn nếu trúng mực nang hay mực ống thì coi như lời khẩm. Một ký mực ống xẻ loại lớn còn tươi có giá 70.000-90.000 đồng/kg, mực nang xẻ hiện trên 40.000 đồng/kg. Các loại cá thương phẩm khác đều có giá từ 12.000 đồng đến cả trăm ngàn đồng/kg”.

Ông Tô Văn Long, ngư dân ở ấp Trần Đề, cho biết: “Dù giá dầu đã tăng mới đây nhưng nghề cào vẫn đứng vững được là nhờ trúng mùa và giá khá ổn định. Một cặp cào đôi có tổng công suất 450CV như của tôi mỗi chuyến biển cũng thu được 300-400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 70-80 triệu đồng lúc giá dầu chưa tăng, còn bây giờ tính ra cũng lời 30-40 triệu đồng/chuyến”.

Gần đây, trong số những người làm nghề cào đôi trúng nhất ở Kinh Ba phải kể đến ông Ba Trọng, chỉ sau 2 chuyến biển ông thu được trên 1 tỉ đồng, còn những cào chiếc cũng thu lãi mỗi chuyến khoảng 20 triệu đồng. Mới đây, sau hơn một tháng ra khơi trở về, cặp cào đôi của chị Thu, một ngư dân ở Kinh Ba chia lãi cho ngư phủ mỗi người bình quân 20 triệu đồng, mức chia cao nhất trong những năm gần đây. Đối với những cặp cào đôi loại nhỏ, trung bình mỗi chuyến biển tiêu hao khoảng 13.000 lít dầu, còn cào đôi công suất lớn 20.000-30.000 lít dầu, nên có thể thấy giá dầu tăng lên 1.600 đồng/lít sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của ngư dân.

LIÊN KẾT ĐỂ BÁM BIỂN

Ông Tô Văn Long đang đóng mới thêm một chiếc ghe để sử dụng làm tàu hàng vận chuyển cho đội tàu trong nhóm, nhằm giảm chi phí xăng dầu. Ông Long nói: “Mỗi chiếc khai thác có thể ở ngoài biển vài tháng cũng được vì đã có tàu hàng làm nhiệm vụ đưa sản phẩm vào bờ bán và chở dầu, nước đá cùng những thứ khác ra. Cách làm này vừa giảm được chi phí dầu, vừa bán được sản phẩm có giá”. Đây là hình thức hợp tác mới của ngư dân Sóc Trăng để đối phó với tình trạng biến động giá xăng dầu. Hầu hết, những con tàu ra khơi từ cảng cá Trần Đề hiện nay đều liên kết với nhau thành từng tổ luân phiên nhau gom hàng vào đất liền mỗi khi thị trường tăng giá. Nhờ cách làm này, nên những đội ghe cào vừa tiết kiệm được chi phí nhiên liệu vừa bán được đúng thời điểm sản phẩm có giá.

Sự chủ động liên kết của ngư dân Kiên Giang cũng đã góp phần làm giảm chi phí, tăng hiệu quả khai thác. Ngư dân đã tổ chức lại sản xuất bằng cách ở lại ngư trường suốt 6 tháng thay vì mỗi chuyến biển chỉ gói gọn 30-45 ngày như trước đây. Nhiều tàu khai thác chuyển sang vận chuyển nhiên liệu và các nhu yếu phẩm từ đất liền ra ngư trường cung cấp cho các tàu khai thác và tiếp nhận hải sản chuyển về đất liền. Hình thức tổ chức này giúp tàu đánh bắt xa bờ giảm ít nhất 2.000 lít dầu để ra vào cảng sau mỗi chuyến biển, đồng thời tăng thời gian ở lại ngư trường, góp phần tăng sản lượng khai thác và tăng hiệu quả kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ cặp cào đôi ở Tắc Cậu (Châu Thành, Kiên Giang), tâm đắc: “Ngư trường ngày càng cạn kiệt, chi phí mỗi chuyến biển tăng, hình thức tổ chức khai thác này giúp ngư dân có thể sống được với nghề. Đây là điều kiện tốt để tàu bám biển hoạt động, không bị nằm bờ như trước đây...”.

XUÂN TRƯỜNG- THÀNH NHÂN

Chia sẻ bài viết