21/06/2020 - 06:25

Vững tâm thế ``người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng'' 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động báo chí ngày càng mạnh mẽ hơn. Báo chí hiện đại đòi hỏi nhà báo phải luôn học hỏi, cập nhật, tự làm mới những kỹ năng để thích nghi, thực hiện tốt sứ mệnh “thư ký cuộc sống” và hoàn thành nhiệm vụ của người làm báo cách mạng.

Nhà báo “3 trong 1”

Các cán bộ, phóng viên Báo Cần Thơ học làm báo hình với đạo diễn Vũ Gia Ninh (HTV). Ảnh: Kim Xuân

Anh Nguyễn Thanh Liêm, phóng viên Cơ quan thường trú Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại TP Cần Thơ được nhiều đồng nghiệp quý mến, trân trọng vì tình yêu nghề, sự cầu tiến trong công việc. Tốt nghiệp ngành Ngữ văn Trường Đại học Cần Thơ năm 2013, anh Liêm đăng ký dự thi và được tuyển dụng vào TTXVN làm việc. Sau một thời gian ngắn được đào tạo nghiệp vụ báo chí, anh Liêm bắt tay vào công việc của một phóng viên tại tỉnh Bạc Liêu. Trước khi về TP Cần Thơ công tác, anh Liêm đã có 3 năm làm việc ngoài thành phố. Anh kể, nhờ những khóa học nghiệp vụ, anh nắm được cơ bản về quay phim, làm tin truyền hình đơn giản. Nhưng khi đi vào thực tế công việc mới thấy khó khăn trăm bề, một số tin truyền hình anh làm không đạt.

Quyết tâm theo đuổi nghề báo, anh Liêm kiên trì học hỏi đồng nghiệp từ cách quay phim đến dựng hình…; thường xuyên đăng ký tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo TP Cần Thơ tổ chức. Nhờ đó, anh Liêm dần thực hiện được tin văn bản, tin - ảnh rồi tin truyền hình cho các sản phẩm của TTXVN. Theo anh Liêm, muốn đạt đến sự chuyên nghiệp, tạo được dấu ấn thì mỗi phóng viên, nhà báo phải tự đào sâu, tìm tòi học tập để nâng cao trình độ. “Tôi đang theo học lớp cao học báo chí về quản lý truyền thông để nắm vững kiến thức về nghề báo, tránh phạm phải sai lầm không đáng có. Tôi nghĩ việc học tập, bổ sung kiến thức là điều cần thiết để mỗi người làm báo ngày càng hiểu nghề, yêu nghề” - anh Liêm chia sẻ.

Nhận xét về nhà báo Nguyễn Thanh Liêm, nhà báo Trần Ngọc Thiện, Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại TP Cần Thơ, cho biết, anh Liêm là một trong những phóng viên giỏi của Cơ quan thường trú TTXVN, bởi có thể làm tốt cả 3 loại hình thông tin. Với sự yêu nghề, không ngừng nỗ lực trong học tập, tác nghiệp, anh Liêm đã có nhiều tác phẩm báo chí đạt giải cao trong Cơ quan TTXVN cũng như các giải báo chí địa phương.

Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm (bìa trái) tác nghiệp tại hiện trường vụ sạt lở ở vàm Thới An, phường Thới An, quận Ô Môn.  Ảnh: CTV

Suốt 11 năm qua, nhà báo Đặng Duy Khôi, phóng viên Phòng Khoa giáo Báo Cần Thơ, “chuyên trị” mảng văn hóa - văn nghệ, văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố và các tỉnh ĐBSCL. Song song với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ cho tờ báo in, Duy Khôi nỗ lực tham gia làm báo điện tử theo phương châm của Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Cần Thơ đưa ra: “Mỗi phóng viên đều có thể tham gia tác nghiệp cho báo điện tử”. Trong quá trình tác nghiệp, nhà báo Duy Khôi luôn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm để thực hiện tốt các phóng sự truyền hình, tin truyền hình. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, từ tháng 3 đến tháng 4-2020, nhà báo Duy Khôi là một trong những phóng viên xông xáo của Báo Cần Thơ. Quan tâm tìm hiểu, khai thác mảng đề tài tình người Cần Thơ trong dịch bệnh, anh Khôi đã thực hiện hơn 20 tác phẩm báo điện tử, báo hình. Đầu tiên là bài viết về một chủ cửa hàng bán quần áo ở Khu dân cư Metro tặng miễn phí khẩu trang cho mọi người. Báo Cần Thơ là kênh thông tin đầu tiên về cô chủ sinh năm 1987 này. Anh cũng là người đầu tiên đưa tin về ATM gạo ở TP Cần Thơ…

Anh Khôi thường xuyên trau dồi, cập nhật kiến thức mới trong làm báo đa phương tiện. Hai năm qua, anh đã thực hiện được gần 100 phóng sự ảnh, phóng sự truyền hình, bài báo điện tử, thu hút đông đảo người đọc, người xem. Nhiều tác phẩm đạt số lượng hàng triệu lượt truy cập. Chia sẻ về kinh nghiệm làm báo đa phương tiện, anh Khôi cho biết, anh tham gia nhiều lớp bồi dưỡng quay phim, chụp ảnh, viết tin - bài cho báo điện tử… Ngoài việc nhanh nhạy nắm bắt nguồn tin, anh Khôi luôn tìm cơ hội tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, từ quy trình dựng phóng sự truyền hình, đường hình, cỡ hình cho đến các phần mềm nâng cao chất lượng ảnh...

Nhà báo Đặng Duy Khôi tác nghiệp tại ATM gạo trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Đăng Huỳnh

Thời đại mới - tâm thế mới

Theo nhà báo Trần Ngọc Thiện, phóng viên TTXVN thường trú tại các địa phương là phóng viên 3 trong 1 - cùng lúc thực hiện 3 loại hình báo chí: làm tin, bài bằng văn bản, tin - ảnh và tin truyền hình. TTXVN ngoài nhiệm vụ chính cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước, còn trực tiếp sản xuất các ấn phẩm: Báo Tin Tức, Tin Tức cuối tuần, Việt Nam News, Vietnamplus, Truyền hình thông tấn… Do đó, mỗi phóng viên phải thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp. Đặc biệt, Cơ quan thường trú TTXVN tại TP Cần Thơ được lãnh đạo ngành xác định là cơ quan thường trú trọng điểm của khu vực Tây Nam bộ, có vai trò tổ chức, phối hợp với các cơ quan thường trú trong khu vực thực hiện các sản phẩm báo chí cấp vùng nên được lãnh đạo ngành quan tâm, hỗ trợ về nhân lực, phương tiện tác nghiệp nhiều hơn. Bên cạnh đó, lãnh đạo cơ quan vẫn xác định, phóng viên phải thuần thục kỹ năng tác nghiệp trên điện thoại, để trong một số hoàn cảnh đột xuất, có thể sử dụng điện thoại thông minh làm ra sản phẩm báo chí một cách nhanh nhất.

Các phóng viên, nhất là các phóng viên trẻ của TTXVN luôn thể hiện khả năng chiếm lĩnh tri thức công nghệ để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ. Tuy nhiên, theo nhà báo Trần Ngọc Thiện, điều quan trọng của một người làm báo cách mạng là phải có quan điểm lập trường vững vàng. Trong nghiệp vụ báo chí, phải xác định nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của người làm báo là phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Để đạt được mục tiêu đó, phóng viên cần có những kỹ năng về công nghệ thông tin, vận dụng đáp ứng thông tin nhanh; đồng thời phải chính xác, đúng định hướng.

Theo nhà báo Nguyễn Trung Hiếu, Thư ký Chi hội Nhà báo, Trưởng Phòng Kinh tế Báo Cần Thơ, trước đây, phương tiện của người làm báo đơn giản chỉ có cây viết, máy ảnh và cuốn sổ. Nhưng hiện nay, tòa soạn điện tử đã phổ biến, máy móc, thiết bị dành cho người làm báo nhiều và hiện đại hơn. Người làm báo phải tiếp cận cách làm báo thời đại số. Trong xu tế toàn cầu hóa, nhà báo phải có vốn ngoại ngữ, ít nhất là tiếng Anh. Bởi ngoại ngữ là phương tiện quan trọng giúp phóng viên, nhà báo khai thác các nguồn thông tin ngoài nước, mở mang tri thức, học hỏi kinh nghiệm của báo chí thế giới, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp.

Hiện nay, phóng viên, nhà báo không chỉ cần có kinh nghiệm, nhiệt huyết mà còn phải có tri thức, vận dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các phóng viên trẻ cần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp cận và sử dụng hiệu quả những thành tựu của khoa học - công nghệ để tạo ra những tác phẩm báo chí vừa có giá trị về nội dung tư tưởng, vừa hấp dẫn trong hình thức, cách thức thể hiện. Báo Cần Thơ đã đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện tác nghiệp báo chí. Qua đó, giúp đội ngũ phóng viên nắm bắt được kỹ thuật, chuyển hóa thành chất xám, tư duy để đáp ứng yêu cầu làm báo trong thời kỳ hội nhập.

Nền báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng. Nếu không bản lĩnh chính trị vững vàng, phóng viên, nhà báo khó có thể hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống lại những quan điểm thù địch, sai trái với nhiều phương cách, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp như hiện nay. “Bên cạnh thay đổi về khả năng tác nghiệp để phù hợp với tình hình mới, người làm báo hôm nay phải giữ vững tâm thế “người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, không sa ngã trước cám dỗ vật chất, quyền lợi. Không chỉ giỏi về nghiệp vụ, biết sử dụng các phương tiện làm việc hiện đại, nhà báo cần có sự trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của một người làm báo chân chính” - anh Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.

Phạm Trung

Chia sẻ bài viết