30/12/2019 - 07:44

Vui buồn nghe “Trưởng thôn kể chuyện” 

“Trưởng thôn kể chuyện” (NXB Hội nhà văn) là tập tạp văn của tác giả Thanh Bình. Sách gồm 39 câu chuyện là những lát cắt đời thường với đủ sắc màu bi hài về thế thái nhân tình, để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm về cuộc sống.

Tác giả Thanh Bình quê ở Huế, trải qua tuổi thơ vất vả nên cố gắng học hành vươn lên. Anh tốt nghiệp đại học ngành Luật và thạc sĩ Kinh tế, làm việc cho nhiều tập đoàn lớn. Trong lời mở đầu, tác giả dí dỏm cho biết, ngay căn hộ nơi anh ở, người ta bầu anh vào ban quản trị, điều hành hoạt động hằng ngày của cư dân nơi đây. Anh tự “gán chức” cho mình là “Trưởng thôn”. Vì “Trưởng thôn” hay quan sát, thích viết lách nên thu lượm không ít câu chuyện hay để kể cho độc giả.

Phần lớn bối cảnh các câu chuyện diễn ra ở Huế - quê hương của tác giả - và một số ở Sài Gòn, nơi tác giả sinh sống, làm việc. Nhưng dù ở đâu thì những câu chuyện vẫn luôn khiến người nghe day dứt, suy tư. Như chuyện hai vợ chồng nghèo nhận nuôi một đứa bé gái bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng. Đứa bé lớn lên trong sự bàn tán của xóm giềng, sự kỳ thị của anh chị và cả những lời đồn đoán cay độc: con nuôi dễ thay lòng đổi dạ. Ấy vậy mà, khi cha mẹ già, ốm đau bệnh tật, chính cô con gái nuôi ấy lại là người chăm sóc, thuốc thang tận tình, trong khi những đứa con ruột lại lạnh nhạt sau khi đã hưởng được phần chia tài sản của cha mẹ (truyện “Con nuôi”). Hình ảnh những bậc sinh thành hết lòng vì con cái nhưng cuối cùng bị những đứa con ruồng rẫy được kể khá nhiều với những cảnh ngộ khác nhau nhưng cùng chung một nỗi đau. Đọc “Các con ơi sao nỡ…”, “Tấm lòng ngưởi mẹ”, “Vé một chiều”, “Giờ mình đi đâu?”, “Nước mắt của cha”, “Chuyện thường vẫn thấy quanh quẩn đâu đây”… sao mà xót xa và buồn khi chữ “Hiếu” bị xem nhẹ hơn đồng tiền, vật chất.

Mối quan hệ giữa vợ chồng, nỗi lòng của những người phụ nữ bất hạnh trong hôn nhân hay sai lầm trong lựa chọn cũng được tác giả chú tâm khai thác. Đó là chuyện những người vợ bất hạnh suốt ngày bị bạo hành nhưng vì thương con, thương cha mẹ mà cam chịu, nhẫn nhịn; chuyện cô gái trẻ đi du học Mỹ vì không lo nổi học phí phải chấp nhận kết hôn giả với người chồng không bình thường để rồi cuối cùng dang dở việc học và những ước mơ; chuyện những người phụ nữ có chồng giàu sang nhưng thiếu thốn tình cảm, sa ngã vào vòng tay của nhân tình trẻ; hay cô vợ cạn nghĩ khiến gia đình tan nát vì nợ nần… Với họ, người đọc vừa thương, vừa giận, vừa tiếc cho những sai lầm không đáng.

Tâm lý ỷ lại, thói sĩ diện hão của không ít người khiến người thân bị áp lực, mang gánh nặng kinh tế và tâm lý, dẫn đến tình cảm phai nhạt và rạn nứt được khắc họa khéo léo và châm biếm qua các truyện: “Nơi có tuyết rơi”, “Ngã quỵ”, “Sinh đôi”, “Khổ”... Một đề tài nhạy cảm được viết khá nhiều trong tập truyện là về người đồng tính. Nhưng với góc nhìn nhân văn, không kỳ thị, tác giả đưa người đọc đến với những nỗi niềm, những góc khuất khó giãi bày của những người mang giới tính thứ ba. Đặc biệt, tâm lý người mẹ khi phát hiện con mình không bình thường về giới tính được khai thác ở nhiều góc cạnh. Dù phản đối hay cảm thông thì tình yêu của mẹ dành cho con vẫn không hề thay đổi…

“Trưởng thôn kể chuyện” thể hiện sự từng trải và góc nhìn đa chiều, sâu sắc của người viết. Những câu chuyện ngắn nhưng ý nghĩa sẽ là những trang viết khó quên trong lòng độc giả khi khép lại trang sách.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết