14/11/2020 - 14:32

Vợ chồng “3 không” 

Hiện nay, có tình trạng vợ chồng dù không còn tình cảm nhưng vì nhiều lý do chưa chọn giải pháp chia tay mà chấp nhận sống theo kiểu “3 không”: không biết, không nghe, không thấy. Đa số những trường hợp này trong độ tuổi 40-50, kết hôn trên 10 năm. Chung nhà nhưng thân ai nấy lo, chỉ còn ràng buộc trên danh nghĩa về con cái, tài sản, sự nghiệp… Nhiều người ví von đây là kiểu “chiến tranh lạnh”, hay “sống chung với lũ”... Nhưng dù là kiểu gì thì cũng gây nhiều hệ lụy, tổn thương.

Từ khi biết vợ có quan hệ ngoài luồng, anh H ở quận Ninh Kiều nhắc nhở, cảnh báo nhưng vợ không thay đổi. Thương con trai còn nhỏ và sợ cha mẹ già buồn, anh H chấp nhận vẫn chung nhà với vợ, đợi đến khi con lớn sẽ giải quyết. Hơn 8 năm qua, anh đi về như chiếc bóng, vùi mình vào công việc để quên thực tại. Những bữa cơm gia đình đầm ấm hay cảnh cả nhà đưa nhau đi chơi cuối tuần đã thuộc về quá khứ. Anh H ăn cơm ngoài, trưa nghỉ lại cơ quan, tối về nhà khi con đã say ngủ. Hai phòng riêng của 2 vợ chồng chung vách tường mà vời vợi cách xa. Tổn thương, mệt mỏi, anh cũng chỉ lặng im, tâm tư chôn chặt, tình cảm chai sạn. Vợ anh cũng thế, muốn trao đổi gì thì kêu con nói lại hoặc nhắn tin, vợ chồng không nói chuyện trực tiếp với nhau. Có lần anh H bệnh nhập viện, phải tự lo hoặc nhờ bạn bè chăm sóc, vợ chẳng hỏi han. Lắm khi vợ đi cả tuần, anh cũng chẳng biết đi đâu, làm gì. Ðiều làm anh H ray rứt nhất là con trai chứng kiến cha mẹ như vậy sinh chán nản, nghiện game, rồi nghe lời mẹ, không yêu thương cha như trước. Năm rồi, sau khi con trai có việc làm ổn định, lập gia đình, anh H và vợ ly hôn. Anh H chua chát tâm sự: “Bất đắc dĩ tôi mới chọn giải pháp này, hy sinh phần mình để không ảnh hưởng người thân. Thời gian qua, dù  không còn quan tâm đến nhau nhưng tôi vẫn cố gắng làm hết những gì có thể trong mối quan hệ để tránh xung đột. Nhưng giờ ngẫm lại, tôi mất mát quá nhiều thứ, chua chát lắm, chỉ ở trong cuộc mới hiểu nỗi khổ của cảnh sống trên. Nếu như được lựa chọn lại, tôi sẽ mạnh dạn chấm dứt ngay khi không còn tình cảm nữa”.

Cũng như anh H, khi vợ chồng trục trặc, nhiều người đã cân nhắc giữa những cái được - mất khi ly hôn và không ly hôn. Họ sẵn sàng chấp nhận giữ lại gia đình dù chỉ là vỏ bọc, bởi có những ràng buộc lớn hơn quan hệ hôn nhân. Nhưng mấy ai đủ sức chịu đựng nổi cảnh chung một mái nhà, vẫn còn nhìn thấy nhau mà lòng chằng chịt vết thương và trái tim nguội lạnh?

Cưới nhau 13 năm, có 2 mặt con thì chồng chị K.T ở quận Ninh Kiều bắt đầu đổi tính. Anh thích tổ chức tiệc tùng với bạn bè, hay uống bia “tay vịn”, thường xuyên về khuya, đăng tải hình ảnh các cô gái mặc đồ mát mẻ trên mạng xã hội, mua sắm hàng hiệu đắt tiền dù gia đình không khá giả… Chị T góp ý rất nhiều lần nhưng chồng không thay đổi. Hai người thường xuyên cãi nhau và kết thúc bằng chiến tranh lạnh. Ban đầu là vài ngày, sau đó kéo dài vài tuần, vài tháng và bây giờ sống cảnh “không biết, không nghe, không thấy” đã hơn 1 năm. Chị T biết chồng có người khác bên ngoài nhưng cũng không muốn can thiệp bởi quá chán chường. Chị chia sẻ: “Nói là mạnh ai nấy sống nhưng ra vô chung nhà cũng ảnh hưởng, tôi mất ngủ triền miên, bị áp lực nhiều thứ, sức khỏe suy giảm. Con cái thấy cha mẹ lạnh nhạt cũng buồn theo. Vì tương lai của con, tôi ráng đợi thêm 2  năm, sau khi con tốt nghiệp THPT, sẽ ly hôn, chứ không còn đủ sức chịu đựng”.

Khoảng 4 năm nay, khi anh N ở quận Bình Thủy chuyển công việc sang lĩnh vực kinh doanh thì gia đình bắt đầu rạn nứt. Anh thường có những chuyến đi công tác dài ngày ở các khu du lịch, điểm mua sắm sang trọng với hình ảnh lung linh đăng đầy trên facebook. Trong khi đó, vợ anh tất bật với 2 con sinh đôi, đưa rước đi học, đảm đương việc cơ quan…, không còn thời gian chăm sóc bản thân. Thay vì bù đắp cho sự hy sinh của vợ, anh N lại có ý coi thường, chê bai người đã gắn bó gần 15 năm. Cả hai hễ gặp nhau là trách móc, hờn giận. Người hay cằn nhằn, người chán nản, vậy là bỏ mặc, ai muốn sống sao thì sống. Anh N cứ xuôi theo những thú vui bên ngoài, vợ chẳng buồn nhắc nhở, hỏi han. Tình cảm đi vào ngõ cụt, cảm xúc trơ lì, mọi chuyện xảy ra với đối phương chẳng khiến người chung nhà cảm thấy vui hay buồn. Rồi anh N vướng lưới tình bạn học cũ, vợ biết nhưng làm ngơ để con còn có cha và chồng vẫn chu cấp kinh tế hằng tháng. Mỗi người một góc riêng, cuộc sống chìm vào im lặng và chưa biết kéo dài tình trạng này đến bao lâu.

Tiếp xúc với một số trường hợp sống cảnh “3 không”, cảm nhận có sự chông chênh, có khi chán chường xen lẫn tiếc nuối. Ðã từng cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, nay sống chung nhà mà đối xử như người xa lạ, sao tránh khỏi những lúc chạnh lòng, có người còn nảy sinh cảm xúc tiêu cực, oán hận. Ðiều này không chỉ tổn thương cho mình mà còn tác động không tốt đến người thân, nhất là con cái. Trong cuộc sống vợ chồng, mâu thuẫn là điều khó tránh. Nếu còn thương thì đừng buông xuôi, mặc kệ, hãy cố gắng hóa giải để không thấy hối tiếc về sau, còn không có thiện ý hàn gắn thì mạnh dạn chấm dứt. Ðừng đi bên nhau như những cái bóng lạnh lẽo, đọa đày về cảm xúc lẫn tinh thần. Ðừng vì những cái được trước mắt mà để bản thân phải mất mát lớn hơn.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết