06/05/2021 - 09:54

Vĩnh Long đề ra các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu 

Thời gian gần đây tuy lũ đầu nguồn sông Cửu Long không lớn nhưng ở Vĩnh Long đỉnh triều cường luôn ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước. Biến đổi khí hậu (BÐKH) đã và đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo tính toán của Trung tâm Tư vấn và kỹ thuật môi trường (thuộc Tổng cục Môi trường) cho thấy, các yếu tố khí tượng thủy văn ở tỉnh Vĩnh Long được dự báo có xu thế biến đổi theo hướng tiêu cực hơn trong tương lai: nhiệt độ, lượng mưa, mực nước sông gia tăng và nguy cơ xâm nhập mặn lan rộng...

Sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP được triển khai ứng dụng có hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng BĐKH.

Tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó BÐKH để triển khai thực hiện thông qua giải pháp phi công trình và công trình. Kiện toàn bộ máy tổ chức về ứng phó BÐKH. Xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó BÐKH, phòng, chống thiên tai. Thông tin truyền thông, giáo dục, nghiên cứu và theo dõi diễn biến BÐKH, khí tượng thủy văn, thiên tai.

Trong những năm qua, nhiều mô hình bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, các chương trình, dự án về giảm nhẹ khí nhà kính góp phần bảo vệ khí hậu đã được triển khai trên các ngành, lĩnh vực, như: phát triển năng lượng tái tạo - điện mặt trời, năng lượng mới - điện gió; triển khai chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; sản xuất vật liệu xanh, xây dựng công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái… Ðặc biệt là mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ đã phát triển mạnh mẽ.

Tỉnh đã di dời, bố trí ổn định nơi ở cho 350 hộ vùng bị thiên tai ngập lụt, sạt lở bờ sông và triển khai trồng được gần 160.000 cây xanh, cây lâm nghiệp phân tán góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó BÐKH. Về giải pháp công trình, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí đầu tư các dự án ứng phó BÐKH từ nguồn đầu tư công lồng ghép vào kế hoạch xây dựng cơ bản là 1.648 tỉ đồng. Thủy lợi được đầu tư bình quân 1.000 tỉ đồng/năm. Ðến nay, toàn tỉnh có 112.855ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp (chiếm trên 94% tổng số) nằm trong vùng đê bao đảm bảo các điều kiện về tưới tiêu và phòng, chống ngập, xâm nhập mặn. Một số công trình thủy lợi lớn đã được đầu tư, như: đê bao sông Măng Thít, cống Vũng Liêm, cống Tân Dinh, dự án đê bao chống ngập TP Vĩnh Long - khu vực sông Cái Cá... Hệ thống giao thông bộ từng bước được xây dựng, nâng cấp cải tạo kết nối với hệ thống thủy lợi trong ứng phó xâm nhập mặn, triều cường, nước dâng.

Kế hoạch hành động ứng phó BÐKH của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Kế hoạch đề ra các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ BÐKH, phát thải khí nhà kính… đồng thời đề xuất 61 danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn (2021-2030) với tổng kinh phí thực hiện hơn 12.300 tỉ đồng.

Bài, ảnh: HẠNH LÊ

Chia sẻ bài viết