11/11/2017 - 14:31

Đồng chí Võ Bá Ly, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Tây Đô 2:

Vì Tổ quốc, không tiếc máu xương 

Tôi tham gia Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 suốt từ đầu đến khi quân ta về rạch Ông Cửu. Lúc đó, tôi là cán bộ Trung đội 1,  C20, Tiểu đoàn Tây Đô 1.

20 ngày đêm ác liệt

Theo lệnh của cấp trên, đêm 30 rạng sáng mùng Một Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi hành quân từ nơi đóng quân ở So Đũa chuẩn bị đánh vào nội thành Cần Thơ. Trước khi nổ súng, mỗi đơn vị chiếm vị trí được phân công, chờ tới giờ G thì nổ súng. Lúc đó ai cũng hồi hộp, mong chờ giây phút giải phóng. Đến 1 giờ sáng mùng Một, chúng tôi đồng loạt nổ súng theo hợp đồng giữa các đơn vị, chiếm lĩnh trận địa. Đơn vị của tôi nổ súng ở đường Tự  Đức (bây giờ là Lý Tự Trọng), vòng xuống Đại học Cần Thơ (khu 3).

Địch bị bất ngờ, nhưng sau đó củng cố lại và phản kích, xe tăng địch với vũ khí hiện đại, bao vây chúng tôi trong thành 1 ngày 1 đêm, mà lúc đó mình chưa có súng chống tăng. Chúng tôi bị mất liên lạc với Ban Chỉ huy Tiểu đoàn, tiêu hao lực lượng, hết đạn và bị địch chia cắt. Chúng tôi vẫn kiên trì tấn công lên và đi theo tiếng súng K2, vì đó là tiếng súng của quân mình. Đơn vị tập hợp lại và rút ra Rau Răm, ở đây đào công sự và tiếp tục giằng co với địch thêm khoảng 20 ngày đêm. Lúc đó thì 3-4 lớp quân của mình đóng ở Rau Răm, Rạch Cam, Rạch Sung, Rạch Chanh… Ban ngày chúng tôi đào công sự, ban đêm tấn công địch mở đường về căn cứ ở Ông Cửu và về hướng Ô Môn.

Lúc giằng co trên tuyến Vòng Cung, địch hiếm khi cho bộ binh ra, mà chỉ dội pháo từ hướng Bình Thủy, cho phi đội rải bom dọc theo Lộ Vòng Cung. Tôi còn nhớ lúc đó có khi tôi ở ngay sát công sự, mà không thể nào vào đến công sự bởi pháo, bom địch dội liên tục. Vừa đến gần là lại bị dư chấn dội ra. Gian khổ là vậy, nhưng khi địch chấm dứt dội pháo, bom, cho bộ binh tiếp cận trận địa là chúng tôi lại củng cố lực lượng, đánh địch bật ra. Chúng lại cho phi đội dội bom, lại bắn pháo, chúng tôi phòng thủ, đợi bộ binh địch đến thì lại đánh, bảo vệ trận địa và lực lượng.

C20 của tôi có được phân công đánh đồn Phong Điền để mở đường thông quân, tải đạn, lương thực, tải thương binh. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn phân tôi về Rạch Sung để lập trạm thu dung. Trạm này tiếp nhận quân, thương binh, ghi nhận đơn vị rồi sắp xếp đưa quân về từng đơn vị. Tôi nhớ lúc đó từ trạm, quân mình hành quân về đơn vị giữa lúc pháo sáng địch ngợp trời, soi rõ như ban ngày, nhưng quân mình cứ đi. Đó là những ngày vẫn còn trong Tết Mậu Thân.

Mấy ngày trước cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968,  chúng tôi được triển khai đánh vào nội thành Cần Thơ, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam. Chúng tôi bước vào trận chiến với niềm tin chiến thắng, nên lòng hăng hái, các cánh quân từ căn cứ hành quân qua Lộ Vòng Cung, tiến vào nội thành. Đi đến đâu chúng tôi cũng vận động dân quân đến đó. Nhiều người đang làm ruộng, làm rẫy… cũng bỏ liềm, mác, theo chúng tôi giải phóng đất nước.

Tôi vẫn nhớ mãi tình quân dân và sự chu đáo của lực lượng hậu cần ở Vòng Cung cách đây 50 năm. Dù đạn bom ác liệt, nhưng dọc đường chúng tôi hành quân có những mâm, sề… chất đầy bánh trái. Nhiều nhất là bánh tét, bánh lá dừa. Những lúc đó, ghe chở lương thực của hậu cần cũng chạy xuôi ngược, máy nổ rộn rã. Vũ khí chúng tôi cũng không thiếu, vì có sự hỗ trợ của hậu cần, quân khí, lại thêm anh em đều ý thức sử dụng hợp lý đạn dược được giao.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật ngụy tuyên bố: Vùng 4 còn, Tiểu đoàn Tây Đô phải mất. Chúng ta có rất nhiều trận đánh ác liệt với địch, như: trận Ông Cửu, Bảy Thưa… Địch quyết tiêu diệt Tiểu đoàn Tây Đô, nhưng ý đồ đó của chúng không thành bởi sự can trường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của chiến sĩ, đồng bào.

Những chiến sĩ can trường

Trong cuộc chiến, tôi nhớ mãi sự can trường, dũng cảm của anh em. Tôi có nhiều bạn chiến đấu cùng tên Hùng và có nhiều kỷ niệm đến nay còn nhớ. Như lính truyền tin của chúng tôi là Hùng Rựa, bị thương thủng bụng, ruột treo ngang hông, vẫn bám theo đơn vị. C20 của chúng tôi có Anh hùng LLVTND Lê Thanh Hùng. Có lần tôi với Lê Thanh Hùng đi nghiên cứu địa hình ụ pháo của địch, thấy có cây dừa có thể nhìn đến nơi địch đặt pháo, chúng tôi trèo lên ngọn dừa, bắn 3 trái pháo B40 vào ụ pháo, rồi tụt xuống tự do từ ngọn dừa, chờ pháo địch tan thì rút về đơn vị. Một người bạn chiến đấu tên Hùng khác của tôi là người giữ và bắn khẩu trung liên 3 của C20. Trong trận Ông Cửu, C20 bị địch đánh xuyên sườn, anh Hùng hy sinh, nhờ có anh Ba Râu giữ B40 nã pháo cản địch, lấy lại khẩu trung liên cho đơn vị. Còn bạn thân Bé Hùng, lúc đánh đồn 4 Thước, Bé Hùng đi trước dò đường, bị trúng mìn, ống chân chỉ còn trơ xương trắng, nhưng vẫn bình tĩnh báo động cho anh em.

***

Những ngày chiến đấu gian lao mà anh dũng đó đã qua nửa thế kỷ, có nhiều việc tôi không nhớ chi tiết, nhưng có điều này chúng tôi luôn tâm niệm xuyên suốt đến hôm nay: Cuộc chiến của chúng ta là chiến tranh vệ quốc; vì lý tưởng hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc mà nhiều thế hệ đã không tiếc xương máu hy sinh. Tất cả những mất mát đó đều vì hòa bình thống nhất của đất nước và độc lập tự chủ của dân tộc ta.

TƯỜNG VI (ghi)

Chia sẻ bài viết