Nắm bắt và thúc đẩy các mối quan hệ đa dạng, Liên minh châu Phi (AU) đang trở thành một tổ chức có tiếng nói quan trọng hơn trong cộng đồng quốc tế khi hơn 50 quốc gia của lục địa đen tìm kiếm vị thế và vai trò xứng đáng của mình trên toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo AU trong một cuộc họp của khối năm 2022. Ảnh: AP
Vài thập niên trở lại đây, 55 quốc gia thành viên AU vẫn luôn muốn đảm nhiệm nhiều vai trò ý nghĩa hơn trong các cơ quan quốc tế đại diện cho trật tự hậu Thế chiến thứ 2. Trong bối cảnh đó, nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 9 đã chào đón AU trong tư cách thành viên thường trực. Cho đến nay, chỉ Nam Phi là thành viên G20 duy nhất của khối. Và AU là khối thứ hai trở thành thành viên đầy đủ của G20, sau Liên minh châu Âu (EU). Do vậy, giới quan sát cho rằng tư cách trong G20 chính là bước công nhận châu Phi như một thế lực toàn cầu. Nó cũng báo hiệu sự trỗi dậy của một lục địa vốn bị coi là nạn nhân của chiến tranh, nạn đói, thiên tai, chủ nghĩa cực đoan, di cư và áp lực phải đứng về phe nào giữa những nước lớn.
Thực lực và tiềm năng của AU
Trước nhất về kinh tế, các nhà quan sát cho biết AU ngày càng thu hút đầu tư. Trong đó, thay vì để nước ngoài khai thác tài nguyên kiếm lợi nhuận như lâu nay, các nhà lãnh đạo châu Phi mong muốn phát triển công nghiệp nhiều hơn để mang lại lợi ích kinh tế ngay trên lục địa này. Được biết, các nước AU sở hữu 60% tài sản năng lượng tái tạo của thế giới và hơn 30% khoáng sản quan trọng đối với các công nghệ tái tạo và carbon thấp. Đây đều là những điều kiện mà thế giới cần trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Châu Phi có dân số trẻ với 1,4 tỉ người và dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2050, chiếm 1/4 dân số thế giới. GDP của châu lục này hiện vào khoảng 3.000 tỉ USD, tương đương với GDP đứng hàng thứ 7 thế giới của nước Pháp.
Cùng với kinh tế, châu Phi còn là điểm thu hút lợi ích chính trị mà một thế hệ cường quốc toàn cầu mới ngoài Mỹ và các nước thực dân châu Âu trước đây tìm kiếm. Trong số này, Trung Quốc được ghi nhận là đối tác thương mại và một trong những chủ nợ lớn nhất của châu Phi; còn Nga sắm vai trò nhà cung cấp vũ khí hàng đầu. Một số nước vùng Vịnh cũng là những “ông lớn” về đầu tư cho lục địa đen, trong khi hai đối thủ Israel và Iran tiếp tục kèn cựa để tiếp cận tìm kiếm đối tác.
Với bối cảnh địa chính trị như vậy, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki tại hội nghị thường niên trong khuôn khổ sáng kiến “G20 gắn kết với châu Phi” ở Đức hồi tháng 11, khẳng định lục địa này mở cửa cho tất cả đối tác khác nhau. “Mong muốn của liên minh là mọi người đặt niềm tin vào chúng tôi, đưa ra ít điều kiện và cùng nhau tạo nhiều cơ hội. Đổi lại, chúng tôi sẽ nỗ lực khiến các khoản đầu tư trở nên hấp dẫn hơn” - quan chức này tuyên bố. Trước đây, các nhà lãnh đạo châu Phi đã thể hiện thái độ sẵn sàng hành động tập thể như vậy. Đơn cử như trong đại dịch COVID-19, họ đã chỉ trích việc các nước giàu tích trữ vaccine và đoàn kết theo đuổi việc mua số lượng lớn vật tư cho lục địa này. Giờ đây, với tư cách thành viên của G20, những yêu cầu của châu Phi sẽ khó bị bỏ qua hơn.
Thách thức còn ở phía trước
Châu Phi sẽ cần có tiếng nói chung nếu muốn ảnh hưởng đến việc ra quyết định của G20. Nhưng việc thống nhất quan điểm trong AU hiện còn vấp phải nhiều trở ngại, giữa một bên là các cường quốc kinh tế như Nigeria và Ethiopia với những nước nằm trong số quốc gia nghèo nhất thế giới như Burundi, Sierra Leone hay Malawi. Bên cạnh đó, liên minh cũng cần giải pháp cứng rắn và hiệu quả hơn trong việc ứng phó với làn sóng đảo chính.
Ngoài những vấn đề trên, lục địa đen là khu vực đang phát triển nhanh chóng duy nhất nơi người dân ngày càng nghèo hơn. Trong báo cáo hôm 8-12, các tổ chức gồm Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Ủy ban Kinh tế châu Phi của LHQ, Chương trình Lương thực Thế giới và Ủy ban AU cho biết: “Do cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, năm 2022, có tới 342 triệu người châu Phi mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Con số này đại diện cho 38% trong số 735 triệu người thiếu lương thực trên toàn thế giới”. Tính chung, hiện có tới 546 triệu người châu Phi đang sống trong nghèo đói, tăng 74% kể từ năm 1990 và 10 quốc gia thuộc châu lục này phải đối mặt với tình trạng nghèo khổ đáng báo động.
Báo cáo nêu rõ thêm: “Phần lớn dân số châu Phi - khoảng 78% hoặc hơn 1 tỉ người - không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh, so với 42% ở cấp độ toàn cầu và con số này đang tăng lên”. Các cơ quan LHQ cũng lưu ý rằng, lục địa này vẫn đang quay cuồng vì tác động của COVID-19. Hơn 57 triệu người châu Phi đã bị suy dinh dưỡng kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, nâng tổng số người thiếu dinh dưỡng lên gần 282 triệu người.
Dù có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nhưng châu Phi chắc chắn vẫn chưa thể đạt cam kết chấm dứt nạn đói và mọi dạng suy dinh dưỡng vào năm 2025. Đơn cử như tại Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi và là nhà sản xuất dầu hàng đầu, gần 93% trong số hơn 210 triệu dân nước này không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh.
MAI QUYÊN (Theo AP, Africa News)