05/09/2021 - 06:46

Vì sao VPF bị các CLB phản ứng gay gắt? 

Sau khi có quyết định hủy các giải đấu chuyên nghiệp 2021, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) bị nhiều CLB gửi công văn kiến nghị đại hội cổ đông bất thường bầu lại các chức danh chủ chốt VPF, chấn chỉnh lại những hạn chế và thiếu sót, minh bạch tài chính trong 3 mùa bóng qua.

Bầu Đức (trái) và đại diện một số CLB đề nghị VPF tổ chức đại hội bầu lại các chức danh chủ chốt. Ảnh: ANH HUY

Bầu Đức (trái) và đại diện một số CLB đề nghị VPF tổ chức đại hội bầu lại các chức danh chủ chốt. Ảnh: ANH HUY

Mọi chuyện xuất phát từ việc VPF hồi tháng 6 tổ chức cuộc họp trực tuyến với 27 CLB bóng đá chuyên nghiệp (V.League và hạng Nhất) thông báo mùa giải sẽ tái xuất vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, ngay sau đó VPF nhóm họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) quyết định hoãn đến tháng 2-2022 các giải V.League, Cúp quốc gia và hoãn đến tháng 11-2021 giải hạng Nhất. Sau đó gửi báo cáo cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).

Ngay lập tức, một số CLB lên tiếng chỉ trích VPF lạm dụng quyền lực và áp đặt các thành viên, không quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của cổ đông. VPF vẫn muốn duy trì các giải đấu khi đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường và không ai dám chắc đến hẹn thì bóng có thể lăn trở lại hay không? Một vấn đề lớn nữa của các CLB là trong suốt hơn nửa năm ăn tập chay, với chi phí khổng lồ phát sinh, thì có được VPF chia sẻ hay không?

Cuộc họp vào cuối tháng 8, tất cả đại diện 27 CLB tham gia các giải đấu trên đều giơ tay chọn phương án hủy giải. Điều này gây bất ngờ cho VPF khi chỉ vài ngày trước đó, tổng hợp ý kiến của các thành viên chỉ có 8 CLB phản đối hoãn giải. Một số lãnh đạo CLB như Hải Phòng, Phố Hiến, Sông Lam Nghệ An còn bị VPF ngầm chỉ trích là mới nhảy vào làm bóng đá nên không biết gì. Điều này như đổ thêm dầu vào ngọn lửa giận dữ của các cổ đông.

Từ cuối tháng 8, có ít nhất 6 đội bóng gửi đơn lên VPF và cấp trên VFF yêu cầu đại hội bất thường để cải tổ lại bộ máy VPF. Hoàng Anh Gia Lai đề nghị VPF lựa chọn lãnh đạo phù hợp để quản lý, điều hành công ty; chấn chỉnh lại những mặt yếu kém, thiếu sót trong việc quản lý, điều hành, vận động tài trợ, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn... với mục tiêu đưa các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ và bền vững.

Becamex Bình Dương cho rằng VPF điều hành hoạt động chưa có hiệu quả, lãnh đạo không tuân thủ các ý kiến của các cổ đông đóng góp, dẫn tới thiệt hại rất lớn về mặt hình ảnh của giải đấu cũng như kết quả hoạt động của VPF nói riêng và các CLB nói chung. Vì vậy, Becamex Bình Dương yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường VPF nhằm chấn chỉnh những hạn chế và thiếu sót mà ban lãnh đạo VPF hiện tại đã vướng mắc,...

Các đội bóng khác như Nam Định, Sông Lam Nghệ An, Phố Hiến, Quảng Nam cũng lên tiếng hoặc có đơn thư phản ảnh yêu cầu VPF minh bạch tài chính và bầu lại các chức danh lãnh đạo.

Theo Luật doanh nghiệp, VPF chắc chắn phải tổ chức đại hội bất thường khi yêu cầu này được đưa ra bởi các cổ đông có tổng số cổ phần trên 10%.

SONG HUY

Chia sẻ bài viết