30/06/2019 - 08:21

Vì sao Man City phải tăng cường cầu thủ Anh? 

Manchester City đang chịu sức ép ngày càng lớn về việc bổ sung ít nhất một cầu thủ Anh trong Hè này, nếu không sẽ phải đối mặt với viễn cảnh lực lượng khá mỏng khi bảo vệ danh hiệu vô địch ở mùa giải tới.

Man City đang nhắm tới Maguire (phải) để thay thế Kompany (giữa). Ảnh: Reuters

Man City đang nhắm tới Maguire (phải) để thay thế Kompany (giữa). Ảnh: Reuters

Theo quy định của giải Ngoại hạng Anh (EPL), mỗi câu lạc bộ dành 8 suất cho cầu thủ “cây nhà lá vườn” trên 21 tuổi trong tổng số 25 suất ở đội một. Nếu chỉ có 6 cầu thủ dạng này, đội bóng không bị phạt nhưng chỉ có thể đăng ký tối đa 23 cầu thủ dự giải. Mùa bóng rồi, Man City có 4 cầu thủ “cây nhà lá vườn” là Kyle Walker, John Stones, Fabian Delph và Raheem Sterling, do vậy lực lượng của huấn luyện viên Pep Guardiola chỉ còn 21 cầu thủ.

Mùa Hè này, Pep muốn có 3 chữ ký mới, nhưng do vướng quy định trên nên chỉ có thể mua một tân binh thế chỗ một cầu thủ trong lực lượng hiện nay. Chẳng hạn nếu Man City hoàn tất vụ chuyển nhượng Rodri, thì tiền vệ người Tây Ban Nha sẽ trám vào vị trí hiện còn trống của một ngoại binh (trong trường hợp này là hậu vệ người Bỉ Vincent Kompany). Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu Delph chia tay vào Hè này do bị thất sủng tại Etihad. Nếu tiền vệ người Anh ra đi, lực lượng của Man City ở mùa giải 2019-2020 sẽ bị rút xuống chỉ còn 20 cầu thủ. Do vậy, tăng cường “cây nhà lá vườn” được xem là giải pháp duy nhất để Pep có những cầu thủ kinh nghiệm trong đội một.

Mặc dù EPL đặt ra quy định này cách đây 10 năm, một phần trong nỗ lực nuôi dưỡng tài năng cho đội tuyển Anh, nhưng khái niệm vẫn còn khá mơ hồ. “Cây nhà lá vườn” chỉ những cầu thủ người Anh, nhưng thực tế đây lại là cầu thủ mang quốc tịch khác nhưng trải qua ít nhất 3 mùa giải tập luyện tại một CLB chuyên nghiệp của Anh hoặc xứ Wales trước khi bước sang tuổi 21. Các đội tại EPL có thể ký hợp đồng với cầu thủ trẻ đến từ quốc gia thuộc Liên minh châu Âu khi họ lên 16 tuổi và kể từ 17 tuổi thì có thể ký hợp đồng chuyên nghiệp. Cái hay của hệ thống này là cho phép các đội bóng xứ sương mù thu hút những tài năng triển vọng nhất của châu Âu. Ví dụ điển hình nhất là Arsenal thuyết phục tiền vệ Cesc Fabregas khi anh mới 16 tuổi gia nhập đội bóng từ lò đào tạo La Masia của Barcelona. Mặc dù mang quốc tịch Tây Ban Nha, nhưng F4 được xem là “cây nhà lá vườn” cho đến khi anh rời Chelsea để gia nhập Monaco hồi đầu năm nay.

Dù vậy, hạn chế lớn nhất của giải pháp trên là giá cả. Do quy định của EPL, đội chủ quản thường hét giá cao những cầu thủ quốc tế “cây nhà lá vườn” chất lượng cao của họ khi các đội hàng đầu EPL quan tâm. Luật Công bằng Tài chính hiện cấm các đội bóng lớn muốn chi bao nhiêu tùy ý, nên họ phải vạch ra chiến lược chuyển nhượng trong những lần “đi chợ”. Đó là lý do Man City nỗ lực tránh trả phí quá cao để mua cầu thủ, cho dù có nguy cơ để vuột mất mục tiêu.

Sau khi chia tay Kompany, “The Citizens” phải tìm một trung vệ khác thay thế anh. Trong số các cầu thủ lọt vào tầm ngắm, hậu vệ Leicester City - Harry Maguire - có khả năng cao nhất và có thể buộc Man City phá kỷ lục chuyển nhượng của đội bóng để có được sự phục vụ của tuyển thủ Tam sư. Man City còn một phương án khác là sử dụng quyền mua lại hậu vệ cánh Angelino từ PSV Eindhoven với giá 6 triệu Bảng, một năm sau khi bán sản phẩm của Học viện City Football.

BÌNH DƯƠNG (Theo Sky Sports, Goal)

Chia sẻ bài viết