27/12/2020 - 11:45

Vì sao cần phải đo huyết áp ở cả hai cánh tay? 

Theo phát hiện mới đăng trên Tạp chí Hypertension, sự khác biệt về số đo huyết áp giữa hai cánh tay có thể giúp cảnh báo nguy cơ trải qua các biến cố về tim mạch trong tương lai.

Đo huyết áp cả hai tay là biện pháp đơn giản giúp cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Đo huyết áp cả hai tay là biện pháp đơn giản giúp cảnh báo nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Trong nghiên cứu mới công bố, các chuyên gia ở Đại học Exeter (Anh) đã tiến hành nghiên cứu dữ liệu sức khỏe của gần 54.000 người đến từ Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi và nhận thấy những người có sự chênh lệch lớn về huyết áp giữa hai cánh tay có nguy cơ cao bị lên cơn đau tim, đột quỵ và thậm chí tử vong trong vòng 10 năm.

Theo nhóm chuyên gia, huyết áp tăng và giảm theo chu kỳ đều đặn với mỗi nhịp đập. Các bác sĩ đo quá trình tăng - giảm này bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg) và kết quả luôn được thể hiện dưới dạng hai con số. Trong đó, giá trị trên - gọi là huyết áp tâm thu - cho biết áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp. Còn giá trị dưới - gọi là huyết áp tâm trương - cho biết áp lực thấp nhất trong mạch máu giữa các lần co bóp khi cơ tim giãn ra.

Nghiên cứu của họ phát hiện rằng sự khác biệt lớn về chỉ số huyết áp tâm thu giữa hai cánh tay có thể cho thấy việc động mạch bị thu hẹp hoặc xơ cứng - tình trạng có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Còn huyết áp tâm thu cao cho thấy người bệnh có thể bị tăng huyết áp, căn bệnh ảnh hưởng đến khoảng 1/3 dân số thế giới và là nguyên nhân hàng đầu của các vấn đề tim mạch. Từ những lý giải đó, các tác giả kết luận rằng cứ mỗi 1mmHg khác biệt trong huyết áp giữa hai cánh tay, nguy cơ bị đau tim và đột quỵ sẽ tăng 1% trong 10 năm tiếp theo.

Trưởng nhóm nghiên cứu - Giáo sư Chris Clark - cho biết việc kiểm tra một bên cánh tay rồi đến cánh tay kia bằng máy đo huyết áp có thể được thực hiện tại nhà hoặc tại bất kỳ cơ sở chăm sóc sức khỏe nào mà không cần thêm thiết bị đắt tiền. Trong khi các hướng dẫn thăm khám sức khỏe quốc tế khuyến nghị thực hiện cách kiểm tra này thường xuyên, thì nhiều nơi lại không thực hiện do hạn chế về thời gian. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc dành thêm ít thời gian để đo huyết áp cả hai cánh tay có thể cứu được mạng sống của một người” - ông Clark nhấn mạnh.

Cải thiện sức khỏe tim mạch bằng 5 bài tập đơn giản

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng hàm lượng cholesterol trong máu. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do tiêu thụ chất béo không lành mạnh, thiếu vận động thể chất, tăng cân, hút thuốc và cũng có phần do di truyền. Tuy nhiên, các hình thức vận động thúc đẩy nhịp tim và hô hấp  có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu một cách tự nhiên, nhất là 5 bài tập dưới đây:

+ Bơi. Không chỉ giúp duy trì cân nặng hợp lý, nâng cao sức khỏe phổi và tim, bài tập này còn nâng cao sức bền cũng như sức mạnh cơ bắp. Việc duy trì cân nặng hợp lý còn mang lại tác dụng kiểm soát hàm lượng cholesterol.

+ Đi bộ. Đây là một trong những hình thức tập thể dục dễ dàng và hiệu quả nhất, nhưng có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng, tăng cơ, giảm cân, ngủ ngon hơn và cải thiện sức khỏe xương khớp. Đi bộ cũng giúp kiểm soát lượng cholesterol nhờ tác động cải thiện lưu thông máu và tăng cường sức khỏe tim.

+ Chạy. Bài tập thể dục này có thể giúp cơ thể đốt cháy calo hiệu quả, từ đó duy trì cân nặng hợp lý, đồng thời giúp tăng cơ và cải thiện sức khỏe tim mạch.

+ Đi xe đạp. Không chỉ giúp cải thiện tư thế, khả năng phối hợp vận động và hỗ trợ xương khớp, đạp xe còn là cách hữu hiệu để giảm mỡ cơ thể và nâng cao sức khỏe tim mạch.

+ Nâng tạ. Ngoài lợi ích giúp tăng cường khối lượng cơ, các bài tập với tạ cũng làm tăng nhịp tim và cải thiện hệ tuần hoàn của cơ thể.


AN NHIÊN (Theo Study Finds, Timesnownews.com)

Chia sẻ bài viết