29/01/2020 - 10:43

Về vùng Bảy núi An Giang thưởng thức món bánh Kà tum của đồng bào Khmer 

Kà tum theo tiếng Khmer có nghĩa là “trái lựu” - loại bánh được gói bằng lá cây thốt nốt có bề ngoài giống như trái lựu. Bánh Kà tum mang ý nghĩa của sự đủ đầy, sung túc chỉ xuất hiện trong các dịp lễ, Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer An Giang như: Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Ok om bok. Điều đặc biệt, loại bánh này chỉ có duy nhất ở vùng đất Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Chiếc bánh Kà tum có màu sắc rất đặc biệt, nhìn bề ngoài như một bông hoa. Ảnh: Công Mạo-TTXVN

Hơn 40 năm gắn bó với chiếc bánh Kà tum, bà Neáng Phương ở xã Ô Lâm, Tri Tôn (An Giang) là một trong số ít người còn giữ được nghề đến hôm nay. Bà Neáng Phương cho biết, gọi là bánh Kà tum vì nhìn nó giống trái lựu, đây là loại bánh rất khó làm, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong cách gói nên hiện rất ít người biết làm cũng như gói được một chiếc bánh đẹp.

Bà Neáng Phương chia sẻ: Nguyên liệu làm bánh Kà tum rất quen thuộc gồm có gạo nếp, đậu trắng, dừa, đường cát, muối… Gạo nếp sau khi mua về ngâm qua một đêm, sau đó để ráo, tiếp đến là cho đậu trắng nước cốt dừa cùng chút muối và một ít đường trộn đều cho thấm gia vị rồi gói bánh. Khâu khó nhất và mất thời gian nhất là làm vỏ bánh. Thường bà con phải lựa những tàu lá thốt nốt non ở trên ngọn cây cho vừa đủ độ, chặt xuống, lau sạch, rọc từng mảnh nhỏ, dài có kích thước bằng nhau rồi đan thành hình vuông để tạo thành vỏ bánh. Riêng phần chóp bánh Kà tum được thắt một cách khéo léo giống như cánh hoa đang bung nở

Nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng để gói được chiếc bánh Kà tum vừa ngon lại vừa đẹp đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo từ đôi tay của người thợ, từ việc chuẩn bị phần khuôn bánh được thắt từ lá thốt nốt trước rồi mới khéo léo bỏ phần nhân bánh vào bên trong vỏ bánh và tiếp tục đan phần lá thốt nốt còn lại để làm kín vỏ bánh. Một chiếc bánh đẹp đòi hỏi vỏ bánh phải vuông đều các góc, các mặt, lá thốt nốt phải được đan khít với nhau để nhân không bị lộ ra ngoài. Bánh Kà tum sau khi gói xong, được nấu trong nước sôi khoảng 30 - 45 phút, sau đó vớt ra, trần qua nước lạnh rồi để ráo. Nhìn bề ngoài bánh Kà tum có màu vàng nhạt, hình dáng lạ mắt.   

Làm bánh Kà tum đã khó, thưởng thức được bánh lại càng khó hơn. Khi thưởng thức bánh, người ăn phải phải tìm mối lá thốt nốt được người thợ giấu khéo léo dưới vỏ bánh và lần theo gỡ ngược về cuối bánh. Đây cũng cách để người thưởng thức bánh Kà tum cảm nhận được sự kỳ công, khéo léo và tâm ý của người thợ làm ra chiếc ra bánh độc đáo này. Khi bỏ lá, nếp không dính vào vỏ bánh, vỏ bánh sáng bóng, bên trong chiếc bánh là phần nếp dẻo hòa quyện vị béo của dừa, bùi bùi của hạt đậu trắng và mùi thơm đặc trưng của lá thốt nốt non… tất cả tạo nên một hương vị đặc biệt của bánh Kà tum không thể nào lẫn lộn được với các loại bánh khác. Nhờ sự độc đáo này, sản phẩm bánh Kà tum của bà Neáng Phương đã đoạt huy chương vàng tại Hội thi Bánh dân gian trong Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ tổ chức ở thành phố Cần Thơ năm 2017.

Với mong muốn lưu truyền, gìn giữ và phát huy món bánh Kà tum độc đáo, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ô Lâm Phạm Thị Kiều Oanh cho biết, thời gian tới, xã Ô Lâm sẽ tiếp tục hỗ trợ bà Neáng Phương truyền dạy cách làm bánh Kà tum cho nhiều hộ dân trong xã và nghiên cứu phát triển bánh với nhiều loại nhân, màu sắc bắt mắt từ các nguyên liệu tự nhiên và có thể bảo quản lâu hơn, nhằm quảng bá, giới thiệu món bánh đặc sản, độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer An Giang đến với du khách gần xa.

Công Mạo

Chia sẻ bài viết