BẢO LAM
“Bách nghệ kỳ thú” là chương trình truyền hình thực tế khám phá làng nghề nước ta, đặc biệt là những ngành nghề truyền thống trước nguy cơ bị mai một. Chương trình phát sóng lúc 19h30 thứ sáu hằng tuần trên kênh HTV7.
Các nghệ sĩ khách mời tại làng nghề đan đát, làm cần xé ở Củ Chi.
Mỗi tập “Bách nghệ kỳ thú” từ 30-40 phút, xoay quanh một làng nghề. Người dẫn chương trình cùng khách mời là các nghệ sĩ tìm đến làng nghề, tiếp xúc các nghệ nhân, tham gia các thử thách học nghề. Họ xem quy trình làm việc của nghệ nhân, sau đó thực hành theo thử thách của chương trình. Người xem nhờ vậy mà có những cảm xúc rất thật về những ngành nghề chương trình giới thiệu.
Có những làng nghề xuất hiện trong “Bách nghệ kỳ thú” đã tồn tại hàng trăm năm, là nét văn hóa đặc thù của mỗi vùng đất và phản ánh nề nếp lao động sản xuất trong tiến trình phát triển, như làng nghề đan đát, làm nhang truyền thống, làm lu, làm gốm, làm lò đất… Ví dụ như chuyện về lò lu Ðại Hưng, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nổi tiếng từ hàng trăm năm nay. Sự tồn tại và phát triển của lò lu đặc biệt này vừa giúp lưu giữ nghề truyền thống của địa phương, vừa góp phần phát triển kinh tế trong vùng. Sản phẩm chủ yếu ở lò lu Ðại Hưng là lu, khạp, vại, chậu. Trong đó, lu là sản phẩm chính và loại lớn nhất có thể chưa tới 200 lít nước. Tại đây, MC Quang Huy đã kết nối khách mời gặp gỡ chú Tám Giang, thế hệ thứ 6 trong gia đình lưu giữ nghề truyền thống này. Chú Tám Giang chia sẻ gia đình chú và mọi người ở lò lu Ðại Hưng đều yêu nghề và những giá trị lịch sử trăm năm nơi đây. Mong muốn bảo tồn làng nghề, nên các nghệ nhân ở Ðại Hưng vẫn lưu giữ cách làm thủ công truyền thống. Không chỉ chú Tám Giang mà nhiều nghệ nhân ở các làng nghề khác như: chú Dương Tấn Ðạt (nghề đan đát, làm cần xé ở Củ Chi), anh Huỳnh Xuân Huỳnh (làng gốm Lái Thiêu), ông Trần Quốc Kiển (làng đúc lư đồng An Hội)… đều yêu nghề và quyết tâm giữ nét đẹp của làng nghề.
Chương trình không chỉ cung cấp cho người xem kiến thức về làng nghề qua những thông tin giới thiệu mà còn mang đến cho người xem từng công đoạn, quy trình chi tiết làm ra sản phẩm, hiểu sự vất vả của những người làm nghề thủ công. Qua đó có dịp lắng nghe những câu chuyện của các nghệ nhân, hiểu hơn về cuộc sống, sự nhiệt huyết và lòng yêu nghề của họ. Như chia sẻ của anh Nguyễn Văn Cảnh, ở huyện Tam Nông, tỉnh Ðồng Tháp, cho biết anh lớn lên ở Vườn quốc gia Tràm Chim, chứng kiến sự phát triển của cây tràm nơi đây và mong muốn làm gì đó để phát huy giá trị cây tràm quê nhà. Từ đó tranh bằng vỏ cây tràm ra đời.
Chương trình không chỉ mang đến cho người xem câu chuyện giữ nghề của những nghệ nhân lớn tuổi mà còn có chuyện của những người trẻ trăn trở với nghề truyền thống. Ðó là câu chuyện của anh Huỳnh Xuân Huỳnh, 25 tuổi, đam mê gốm Lái Thiêu. Xuân Huỳnh luôn nhớ hình ảnh những bữa cơm gia đình với các món ăn được bày trên đĩa, chén bằng gốm thủ công truyền thống, nhưng càng lớn càng khó thấy các sản phẩm gốm này xuất hiện. Do đó, Xuân Huỳnh đã tìm hiểu, khám phá và học về gốm Lái Thiêu. Xuân Huỳnh bộc bạch: “Tôi yêu nghề này và muốn tìm về, mong muốn khôi phục các sản phẩm cùng các hoa văn, họa tiết gốm Lái Thiêu xưa”.