01/12/2019 - 10:03

Vè Các Lái - Hải đồ truyền miệng của người đi biển 

Vè Các Lái - còn gọi là vè thủy trình, vè hải trình - là bài vè của những người đi lái ghe thuyền chuyên chở hàng hóa, người buôn bằng đường biển, đường sông hay những ngư dân đánh bắt cá trên những chiếc ghe bầu hát trong lúc đi đường:

“Ghe bầu các lái đi buôn

Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga”.

Một góc biển đảo Tây Nam. Ảnh: DUY KHÔI

Vè là loại hình diễn xướng phổ biến trong sinh hoạt văn hóa dân gian thuở trước, “là một dạng báo nói do dân gian sáng tác và truyền tụng rộng rãi nhằm phản ánh kịp thời các sự kiện trong cuộc sống hằng ngày trong xóm, ấp, địa phương, dân tộc. Nó cũng là những tri thức dân gian về tự nhiên, về đạo lý được bắt vần để đưa về các khuôn dạng ổn định, dễ thuộc, dễ nhớ”(1). “Các lái là từ chỉ những người lái tàu thuyền trong những chuyến buôn biển, chuyên chở hàng hóa và người buôn bán lớn, những phú thương đi buôn bán ở những nơi xa, hay những ngư dân đi đánh bắt ở những vùng biển dọc duyên hải nước ta. Từ các lái được dùng nhiều nhất vào thế kỷ thứ XVIII. Những người lái ghe bầu và những người đi buôn bán xa, dài ngày là những người để lại những khó khăn cho gia đình, như câu nói dân gian lưu truyền ở Quảng Ngãi: Ghe bầu chở lái về đông cũng như con gái lấy chồng bỏ mẹ ai nuôi”(2).

Thời trước, việc đi lại của dân ta chủ yếu là bằng đường bộ và đường thủy. Đường bộ còn gọi là “Quan lộ”, thường nhỏ, hẹp chỉ đủ cho người đi bộ, đi kiệu, đi cáng, đi ngựa... Qua sông rộng phải đi đò, đi bè... Đó là chưa kể phải vượt dốc, vượt đèo, qua sông, gặp thú dữ tấn công... Với con đường và cách vận tải như thế, người dân thấy vận chuyển bằng đường biển, đường sông thuận lợi hơn. Thuận lợi vì nước ta có hơn hai ngàn cây số đường biển dài theo miền duyên hải từ Bắc xuống Nam và nhiều sông lớn sông nhỏ rải đều khắp các tỉnh. Do đó, việc vận chuyển hàng hóa, giao thương trong nước và sau này ở nước ngoài, rất thuận lợi nhờ các cảng biển, cảng sông.

Trên con đường biển ven miền duyên hải Việt Nam, từ Bắc vào Nam hay ngược lại, những ghe thuyền phải trải qua những vùng biển, hoặc có nhiều đảo, nhiều hòn, nhiều rạn ngầm, gặp luồng nước dễ hoặc khó đi... Từ dó, để giúp cho những người lái ghe bầu liệu bề lèo lái, tránh nơi nguy hiểm, những người đi biển lâu năm, dày dạn kinh nghiệm, đã trải qua nhiều chặng đường trên biển, đặt ra bài vè để hướng dẫn. Có những bài vè kể ra (hay hát ra), có những bài vè kể vào (hay hát vào) theo những nhật trình nhất định.

Giống như đường bộ, dọc đường biển cũng có những địa danh, những tên đảo, tên vịnh, những phong cảnh đẹp, cùng với các nhân vật, những sinh hoạt, những đặc sản... gắn liền với các địa danh ấy. Người đi thuyền cần biết rõ mình đã đi đến đâu cho khỏi lạc đường, chỗ nào cần nghỉ ngơi, chỗ nào cần ghé vào mua bán những sản vật địa phương, như cách “làm dấu”, tránh những dò dẫm, hỏi đường không cần thiết... Vì thế, nội dung bài vè là những thông tin về địa lý, là sự sắp xếp thứ tự những địa điểm, những tên bến, tên bãi, tên rạn, tên mũi, tên vũng, tên núi, tên hòn... nơi nào an bình, nơi nào cần tránh gió bão, nơi nào có đình chùa nổi tiếng, những phong cảnh đẹp kỳ thú, nơi nào cần ghé vào để nghỉ ngơi, giải trí, bán buôn, lấy củi nước... nhất là nơi nào thì gió tạt, sóng xô... để các lái biết mà tránh nguy hiểm. Ngoài ra, trong nội dung bài vè  còn có những đoạn ca tụng cảnh đẹp của quê hương, đất nước, những nơi thờ cúng của người đi biển, những tâm trạng buồn nhớ gia đình xa cách lâu ngày, những niềm vui thích thú gặp lại bạn ghe bầu, thưởng thức những đặc sản của địa phương...(3).

Theo tác giả Vương Thị Nguyệt Quế: “Ngày xưa, thuyền buồm phải đi theo gió. Hải trình dọc bờ biển phải theo hai mùa gió chính của nước ta: mùa gió Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 10 còn gọi là mùa gió Nồm; mùa gió Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 4 còn gọi là mùa gió Bấc. Các lái từ Thừa Thiên Huế vô Gia Định, Đồng Nai phải đi theo mùa gió Bấc. Các lái từ Đồng Nai trở ra Huế phải đi theo mùa gió Nồm.

Trong 180 câu Vè Các Lái (hát vô), điểm qua 12 tỉnh thành trong đó có 10 tỉnh ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bà Rịa Vũng Tàu. Bình Thuận là tỉnh có đường bờ biển dài 192km - dài nhất trong hải trình ven biển này. Vùng biển Bình Thuận rất đặc biệt, bởi đây là nơi có hiện tượng nước trồi và là 1 trong 4 ngư trường lớn của nước ta. Đoạn bờ biển Bình Thuận nằm ở khúc eo của chữ “S”, gió Bấc chỉ đi phớt qua và thổi song song với bờ biển. Thuyền đi ven bờ gặp rất nhiều mũi đất, hòn, cù lao, rạn san hô, rạn đá ngầm, xoáy nước, cửa sông... rất nguy hiểm nên có những nơi tàu thuyền thường bị đắm. Trong 21 câu nói về tỉnh Bình Thuận đã có một đoạn các lái phải làm lễ khấn vái mong trời yên biển lặng, cầu cho thuận buồm xuôi gió:

Nhà bè của ngư dân trên đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Ảnh: DUY KHÔI

“Kê Gà nay đã đến nơi,

Anh em làm lễ một hồi cho qua”.

Ngoài ra, một đoạn thuộc Bà Rịa Vũng Tàu giáp với Bình Thuận theo ranh giới hiện nay, các lái cũng phải làm lễ cúng:

“Buồm giương ba cánh chạy vô,

Hòn Bà, Hóc Kiểm quanh co Hồ Tràm,

Kim ngân lễ vật cúng dường,

Lâm râm khấn nguyện lòng thường chớ quên”.

Cả bài vè chỉ có hai đoạn bờ biển phải ghé vô cúng vái rồi mới tiếp tục hành trình vô Nam, chứng tỏ vùng biển Bình Thuận khá nguy hiểm”(4).

Sau đây là một đoạn vè các lái qua vùng biển Hà Tiên - nơi có nhiều địa danh quen thuộc với chúng ta ngày nay, cũng nhiều sản vật địa phương được các tác giả bài vè liệt kê và ca ngợi:

“Theo đòi Ông Đốc mà lên,

Khỏi qua cửa ấy vịnh vời chạy ra.

Rạch Giá cửa ấy là nhà,

Dầu ai buôn bán cũng vào nghỉ ngơi.

Thiếu chi thú vật mùi đời,

Thiếu chi phong cảnh, thiếu gì sơn xuyên.

Sân Chim đất rộng một bên,

Thiếu cho ngư đước, thiếu gì diên phi.

Sáp ong dầu gội thiếu chi,

Trời sanh thú vật ai bì đặng hơn.

Hòn Tre, hòn Yến có duyên,

Hòn Heo, hòn Hộ, cửa quyền song song.

Chạy ra bãi cát một vòng,

Có hòn Kim Dự giữa dòng Hà Tiên.

Hà Tiên có chốn Đại Đồng,

Có sông Rạch Vượt, có vùng Tô Châu.

Bên kia núi tháp pháo đài,

Có chùa phên đá, mũi Nai tỏ tường.

Bên ngoài Phú Quốc dặm trường,

Ấy hòn Phú Quốc là đường tới lui.

Dầu ai tìm thú vui chơi,

Tới hòn Phú Quốc nhắm đời mà coi.

San hô, hổ phách, đồi mồi,

Đá huyền, đồn đột, đủ mùi kiếm ăn.

Sơn lâm, hậu phác, hương trầm,

Linh qui còn có sanh cầm thiếu chi.

Xiết đâu kể hết tinh vi,

Nói sao cho thấu những đồ thổ nghi.

Kẻ qua người lại thường khi,

Của ngon vật lạ thật thì lắm thay”(5).

Mặc dù ngày nay không còn ai hát Vè Các Lái nữa, bởi những người đi biển và buôn bán bằng đường biển hiện nay được định vị bởi các phương tiện đi biển hiện đại, nhưng nội dung của bài Vè Các Lái vẫn còn nguyên giá trị của nó trong việc vẽ lên hải đồ của vùng biển nước ta, ca ngợi phong cảnh nước non, ghi lại cảnh sinh hoạt đương thời, đồng thời qua đó cũng góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta. “Vì đây là vùng biển đảo, sông rạch của ta, cho nên ông cha ta đã quy định những chặng hành trình, những chỗ nào nguy hiểm cần tránh, chú ý cẩn thận, những chỗ nào thong dong buồm lái, những nơi nào vào nghỉ ngơi, giải trí, lấy nước ngọt, lấy củi, mua đặc sản hay bán buôn... Người Việt ta cũng đã lâu đời dệt nên truyền thuyết nơi những hòn, những núi, thiết lập nên những am, miếu đền thờ, thờ thần, thờ những anh hùng liệt sĩ, ra công khai thác những đặc sản của biển cả, núi rừng... điều đó đã chứng tỏ ông cha ta từ xa xưa đã có ý thức chiếm hữu, làm chủ và khai thác...”(6).

Tóm lại, “Vè Các Lái là một sáng tác dân gian có giá trị về nhiều mặt: địa lý, lịch sử, thủy văn, phương ngữ, kinh nghiệm, thời tiết, gió mưa, và nó cũng chứa đựng một tình yêu quê hương, đất nước khá đậm đà”(7).

......................

(1) Thạch Phương - Hồ Lê - Huỳnh Lứa - Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ. NXBKHXH, Hà Nội, tr.162.

(2) Ngô Văn Ban (2016), Tìm hiểu về vè các lái và vè các lái trên con đường giao thương ven biển ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Nxb Hội Nhà Văn, tr.11-12.

(3) Ngô Văn Ban, Sđd, tr.12-15.

(4) Vương Thị Nguyệt Quế (2019), Biển Bình Thuận qua bài vè các lái, Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số 102, tr.44-45.

(5) Vương Hồng Sển (2013), Bên lề sách cũ, Nxb Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.70-71.

(6) Ngô Văn Ban, Sđd, tr.51.

(7)) Thạch Phương - Ngô Quang Hiển (1999), Ca dao Nam Trung Bộ, Nxb KHXH, tr.431.Vè

Trần Kiều Quang

Chia sẻ bài viết