10/01/2016 - 15:52

Vào “sân chơi” WTO cộng (+)

Việt Nam được đánh giá là quốc gia tích cực, hội nhập nhanh và sâu rộng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã ký kết, đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các đối tác lớn trên thế giới. Trong đó, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được xem là một cơ hội cực kỳ lớn đối với Việt Nam khi vào "sân chơi" với 11 nước, trong đó có Mỹ, Canada, Mexico, Peru - những quốc gia Việt Nam chưa có FTA.

Hội nhập nhanh và sâu rộng

Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 9 FTA, gồm: FTA ASEAN (AFTA) và 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác – ASEAN+ (FTA giữa ASEAN và Trung Quốc, FTA giữa ASEAN và Hàn Quốc, FTA giữa ASEAN và Nhật Bản, FTA giữa ASEAN và Ấn Độ, FTA giữa ASEAN và Australia - New Zealand); 3 FTA song phương: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEAP); FTA song phương Việt Nam – Chile và FTA Việt Nam – Hàn Quốc, ký kết 5-5-2015, mới có hiệu lực từ 20-12-2015. Ký kết nhưng chưa có hiệu lực 1 FTA là FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (ký kết ngày 29-5-2015). 2 FTA thế hệ mới đã ký kết thúc đàm phán là: FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), công bố ngày 4-8-2015, ký kết ngày 2-12-2015 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán ngày 5-10-2015, công bố toàn văn ngày 5-11-2015. Việt Nam cũng đang đàm phán: FTA với Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm 4 nước ngoài EU: Cộng hòa Iceland; Công quốc Liechtenstein; Na Uy, Thụy Sĩ; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); một số ASEAN+ khác (ví dụ với Hongkong). Ngoài ra, Việt Nam tham gia thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.

Nông sản Việt Nam tiếp tục cuộc cạnh tranh lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong ảnh: Thu hoạch dâu Hạ châu ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Theo các chuyên gia kinh tế, có 4 "cột mốc" quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam tham gia AFTA vào năm 1995. Thứ 2, Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ vào năm 2000. Thứ 3, tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Cuối cùng là ký hàng loạt các FTA trong năm 2015: FTA Việt Nam-Hàn Quốc; ký FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu; kết thúc đàm phán FTA VN-EU, TPP, Cộng đồng Kinh tế ASEAN – AEC. "20 năm qua, Việt Nam hội nhập rất nhanh và ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết, đàm phán FTA với hầu hết các đối tác lớn trên thế giới. Cụ thể như: Với Hoa Kỳ, Nhật Bản trong TPP; với EU (28 nước) trong FTA VN-EU; với Trung Quốc, Ấn Độ trong ASEAN+ và RCEP. Đặc biệt, trong khu vực ASEAN, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiến trình mở cửa hội nhập rất nhanh, chỉ sau Singapore. Tiến trình này vừa giúp, vừa tạo áp lực mạnh cho Việt Nam trong cải cách thể chế; tăng sức ép cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh" – ông Phạm Bình An nhận định.

WTO và WTO cộng (+)

Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên thứ 150 của WTO vào năm 2007. Đến nay, WTO đã có 161 thành viên, chiếm 96,4% thương mại và 96,7% GDP toàn cầu. Mục tiêu hướng tới của WTO là thương mại tự do và công bằng cho toàn cầu, kể cả các nước chậm phát triển. Việt Nam hưởng lợi chủ yếu trong WTO từ việc cải thiện thể chế, pháp luật khi tham gia. Hiện nay Việt Nam cơ bản đã thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO và đang tiến tới được công nhận là nền kinh tế thị trường vào năm 2018. Nhiều ý kiến cho rằng, ASEAN, thực hiện các cam kết FTA trong khối ASEAN là nơi "tập dợt" và tiến tới hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng của Việt Nam. Đặc biệt, từ ngày 1-1-2016, AEC chính thức có hiệu lực thi hành trong Cộng đồng ASEAN tiếp tục là nơi Việt Nam thử sức để hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh kế toàn cầu, nhất là khi TPP chính thức có hiệu lực - sớm nhất là vào năm 2018.

TPP có 12 nước thành viên, gồm: Brunei, Chile, New Zealand, Singapore; Hoa Kỳ; Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia; Mexico, Canada và Nhật Bản. TPP có 30 chương và có thể phân chia thành 3 nhóm chính, gồm: các chương quy định chung (5 chương); các chương về tự do thương mại (13 chương); các chương về thể chế và cạnh tranh (12 chương). Theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, TPP là mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực với các chuẩn mực của thế kỷ 21 để tiến tới tự do hóa thương mại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APEC); đồng thời thiết lập FTA chất lượng cao với nhiều bên liên quan. "Vấn đề thương mại hàng hóa, có thể xem TPP là WTO cộng (+) hướng đến tự do hóa toàn diện: xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu; trong đó trên 90% là xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Theo đó, các nước xóa bỏ 78-95% dòng thuế nhập khẩu từ Việt Nam ngay khi TPP có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm trên 10 năm hoặc có hạn ngạch. Nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi TPP có hiệu lực, hoặc sau 3-5 năm như nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su… Doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin này để vận dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh"- ông Phạm Bình An cho biết.

Việc trở thành thành viên của TPP đem lại cơ hội song song với thách thức đối với Việt Nam. Theo ông Phạm Bình An, trong ngắn hạn, TPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội, như: tăng xuất khẩu (dệt may, giày dép, nông thủy sản…), thu hút đầu tư FDI, nhập khẩu máy móc thiết bị rẻ hơn, người tiêu dùng hưởng lợi với nhiều lựa chọn hơn… Trong dài hạn, TPP tạo ra cơ hội cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; nâng cao chuẩn mực hoạt động của doanh nghiệp; giảm lệ thuộc vào thị trường; tham gia chuỗi cung ứng. Nhưng, TPP cũng tạo ra nhiều thách thức. Theo đó, trong ngắn hạn là thiếu thông tin có ích; xuất xứ, rào cản kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu; khả năng cạnh tranh yếu trong lĩnh vực chăn nuôi, dịch vụ…; chi phí sản xuất gia tăng; mất thị trường đầu tư một số hàng hóa dịch vụ… Trong dài hạn, TPP tạo ra thách thức về: thiếu hụt nhân lực chất lượng cao; khoảng cách giữa năng lực bộ máy chính quyền với nhu cầu xã hội; bất cập giữa tốc độ cải cách các thể chế (kinh tế, chính trị…)…

Để tận dụng cơ hội lớn từ WTO+

Để tận dụng những cơ hội lớn từ TPP cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần có chương trình, chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp thực sự trong giai đoạn chuyển đổi. Điển hình như: tập huấn nâng cao chuẩn mực kinh doanh với phương pháp quản trị doanh nghiệp hiện đại; xây dựng thương hiệu mạnh; hỗ trợ thông tin thị trường, rào cản, đối tác, pháp lý; phát triển công nghiệp hỗ trợ đi liền với xây dựng chuỗi giá trị-cụm ngành để tiến tới thống nhất đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc hỗ trợ doanh nghiệp mà trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, như: các thủ tục xuyên suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp; rà soát đảm bảo bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; thiết lập kênh phản hồi từ doanh nghiệp… Ngoài ra, Chính phủ nên xây dựng rào cản thương mại tương ứng lộ trình giảm thuế.

Hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và khi TPP có hiệu lực nói riêng, doanh nghiệp chịu nhiều tác động nhất. Vì vậy, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin hội nhập về: TPP nói riêng và các FTA nói chung; nghiên cứu mức cắt giảm thuế và cơ hội thị trường đối với các sản phẩm của doanh nghiệp; các rào cản phi thuế quan (Non-Tariff Barriers); chính sách phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu… để có thể tận dụng cơ hội từ các đối tác. Đặc biệt, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các chính sách của Việt Nam sẽ thay đổi mạnh khi thực thi TPP. Trong đó chú ý đến các chính sách thuộc về "chuẩn mực kinh doanh", như: lao động và công đoàn, sở hữu trí tuệ, môi trường … Trong xây dựng chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn, xuyên suốt; xây dựng, củng cố thương hiệu; tập trung sáng tạo nhằm tạo khác biệt và phát triển nhân lực tương ứng. Ngoài việc hồ sơ sổ sách, chứng từ phải ghi chép và lưu trữ một cách bài bản, doanh nghiệp cần chú ý xây dựng các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, chất lượng sản phẩm, rà soát việc thực thi về sở hữu trí tuệ nhằm từng bước nâng cao chuẩn mực hoạt động và năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu kết nối chuỗi giá trị. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tranh chấp (kiện và bị kiện) chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết